Thao túng, lộng quyền khiến Ngân hàng thất thoát hàng trăm tỷ

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa
(PLO) -Chị vợ làm giám đốc, em rể là Trưởng phòng tín dụng, dàn lãnh đạo kiểu “gia đình trị” như vậy đã khiến cả Agribank Bến Thành bị khuynh đảo. Chỉ trong 4 năm, với những thủ đoạn như lập hồ sơ khống, đảo nợ... Nguyễn Thị Hoàng Oanh và em rể đã khiến ngân hàng này thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

“Tay không” vay hơn 23 ngàn chỉ vàng

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam – Chi nhánh Bến Thành, TP.HCM (Aribank Bến Thành) là chi nhánh loại II thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1960, ngụ Phạm Ngũ Lão, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) được bổ nhiệm làm Giám đốc tháng 5/2008.

Chị vợ làm giám đốc, em rể là Trưởng phòng tín dụng, dàn lãnh đạo kiểu “gia đình trị” như vậy đã khiến cả Agribank Bến Thành bị khuynh đảo. Chỉ trong 4 năm, với những thủ đoạn như lập hồ sơ khống, đảo nợ... Nguyễn Thị Hoàng Oanh và em rể đã khiến ngân hàng này thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Cụ thể: Chỉ 3 tháng sau khi nhận chức Giám đốc, Oanh đã sử dụng tên của 7 người thân để lập hồ sơ vay giả, vay hơn 23 ngàn chỉ vàng SJC (tương đương khoảng 40 tỷ đồng) của Agribank Bến Thành.

Do biết đây là hồ sơ của Giám đốc nên Nguyễn Quốc Việt - Cán bộ tín dụng (SN 1981, ngụ quận 7) đã “du di” bằng cách không lập hồ sơ tín dụng theo đúng quy định mà chỉ đăng nhập vào hệ thống phần mềm quản lý của hệ thống Ngân hàng lấy số hợp đồng tín dụng và giải ngân. Sau đó, hợp đồng trên được Trương Thế Thanh (em rể Oanh) là trưởng phòng tín dụng ký xác nhận.

Mặc dù không có chứng từ giải ngân, Bùi Công Tiến - Thủ quỹ vẫn chi vàng cho Oanh. Toàn bộ số vàng trên đã được Oanh dùng để mua căn nhà số 225B - C Trần Quang Khải (P. Tân Định, Q.1) và cho con gái đứng tên sở hữu.

Sau đó Oanh đã dùng chính căn nhà này cho Agribank Bến Thành thuê để làm phòng giao dịch với mức giá 5.800 USD/tháng (tương đương khoảng 100 triệu/tháng). Tính đến tháng 4/2013, Agribank Bến Thành đã trả cho Oanh số tiền thuê nhà gần 6 tỷ đồng.

Khi Oanh và các nhân viên của mình bị bắt, 7 người thân của nữ giám đốc này mới ngã ngửa khi biết mình bị “mượn tên” đã vay đến hàng chục tỷ đồng của ngân hàng.

Đến thời hạn phải trả số nợ hơn 23 ngàn chỉ vàng, do không có tiền nên Oanh đã nghĩ ra cách đảo nợ bằng cách mượn tên một người khác đứng ra vay vốn của ngân hàng, rồi lấy chính số tiền đó trả lại ngân hàng.

Do có quen biết từ trước với Huỳnh Ngọc Thạch là Giám đốc của Công ty Cổ phần vận tải Liên Lục Địa (ngành nghề kinh doanh khai hải quan, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu), Oanh đã lấy tên công ty này để lập hồ sơ giả vay 22 ngàn lượng vàng. Đồng thời nữ giám đốc này cũng “mượn tên” em ruột của mình để vay thêm 2.500 chỉ vàng SJC để trả nợ 7 khoản vay nêu trên.

Do là hồ sơ của Giám đốc nên khi làm hồ sơ vay vốn, Cao Bảo Hiếu – nhân viên tín dụng (SN 1981) đã không gặp Huỳnh Ngọc Thạch để thẩm định phương án vay vốn. Mặc dù không biết mục đích vay vốn thật nhưng Hiếu tự “sáng tác” ra hồ sơ đề nghị vay hơn 22 ngàn lượng vàng để công ty Liên Lục Địa mua nhà làm văn phòng, trong thời hạn 12 tháng,với lãi suất 5%/năm.Hiếu cũng tự soạn thảo hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay, biên bản định giá tài sản.... 

Cuối cùng Huỳnh Ngọc Thạch (Tổng giám đốc Công ty Liên Lục Địa) chỉ việc ký vào mục khách hàng để hoàn thiện hồ sơ. Trương Thế Thanh mặc dù biết tài sản đảm bảo không đủ điều kiện cho vay nhưng khi biết là hồ sơ của chị vợ vẫn ký nháy với nội dung đồng ý.

Huỳnh Ngọc Thạch là người ký giấy nhận nợ và giấy lĩnh tiền mặt nhưng thực tế số vàng trên không xuất ra khỏi quỹ của ngân hàng Agribank Bến Thành mà được xử lý trên hệ thống để cấn trừ tất toán khoản vay của 7 cá nhân.

Do đó về hình thức 7 khoản vay cá nhân đã được thanh toán xong nhưng thực chất các khoản vay này được chuyển đổi thành 2 khoản vay mới của công ty Liên Lục Địa và em ruột Oanh.

Sau này Huỳnh Ngọc Thạch khai: Đồng ý cho bà Oanh sử dụng pháp nhân công ty Liên Lục Địa để vay vàng. Thạch đã ký vào hồ sơ theo chỉ đạo của Oanh nhưng không biết mục đích vay vàng và việc sử dụng vàng.

Năm 2009 khoản vay vàng đã đến hạn thanh toán, Nguyễn Thị Hoàng Oanh đang lay hoay tìm cách đảo nợ một lần nữa thì lại gặp Lê Văn Tính.

Lê Văn Tính – Giám đốc công ty TNHH Kim Gia Thảo (SN 1958, tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) đã nhiều lần vay Agribank Bến Thành. Thời điểm này Tính cần vay vốn kinh doanh, Oanh đã thỏa thuận sẽ cho vay vàng nhưng thực tế nhận bằng tiền mặt, với mức quy đổi từ vàng ra tiền thấp hơn giá trị thực tế. Do cần tiền nên Tính đồng ý.

Do đó, khi giải ngân 15 ngàn chỉ vàng cho công ty Kim Gia Thảo và 12,5 ngàn chỉ vàng cho công ty Quang Phương (là công ty của Lê Văn tính), Oanh đã sử dụng toàn bộ số vàng này để trả nợ cả gốc và lãi cho 2 khoản vay mang tên công ty Liên Lục Địa và em trai mình. 

Đồng thời Nguyễn Thị Hoàng Oanh cũng lập hồ sơ giả mạo công tên công ty Cổ phần Liên Lục Địa rút hơn 43 tỷ đồng tiền mặt để trả cho Lê Văn Tính.

Như vậy, lợi dụng chức vụ quyền hạn là giám đốc Agribank Bến Thành, Oanh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập các hồ sơ giả lấy số vàng 23,6 ngàn chỉ vàng mang tên 7 cá nhân. 

Thủ đoạn “mỡ nó rán nó”

Sau đó, Oanh tiếp tục thực hiện hành vi Tham ô tài sản bằng việc tiếp tục lập các hồ sơ vay vốn khống để lấy tiền, vàng của Agribank Bến Thành trả nợ cho chính Agribank Bến Thành. Tài sản mà Nguyễn Thị Hoàng Oanh tham ô được, chuyển sang số tiền dư nợ mang tên công ty Liên Lục Địa. 

Tính đến ngày 20/11/2012, ngày cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tổng cộng cả gốc và lãi là hơn 34 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Oanh còn thỏa thuận cho Lê Văn Tính vay vàng, ký nhận nợ vàng nhưng chỉ nhận bằng tiền mặt với tỷ giá thấp hơn thực tế khoảng 2 triệu đồng/lượng. Với thủ đoạn này nữ giám đốc ngân hàng được hưởng chênh lệch số tiền hơn 24 tỷ đồng. Do đó, Nguyễn Thị Hoàng Oanh còn bị truy tố tội “Nhận hối lộ”. 

Đồng thời, Tính chấp nhận Oanh hưởng số tiền trên với mục đích nhằm thuận tiện trong việc làm hồ sơ và giải ngân nguồn vốn để chiếm đoạt tiền số tiền hơn 65 tỷ đồng của ngân hàng Agribank nên Tính cũng bị truy tố tội “Đưa hối lộ”.

Ngoài ra Nguyễn Thị Hoàng Oanh biết hồ sơ vay vốn của Lê Văn Tính không đủ điều kiện, không đúng theo các quy định của pháp luật, nhưng Oanh cùng các nhân viên của mình vẫn cố ý vi phạm các quy định về cho vay, tạo điều kiện cho Lê Văn Tính chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng. Do đó Oanh và nhân viên còn bị truy tố thêm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy trong vụ án này, ngoài Trương Thế Thanh là em rể được Oanh ký duyệt hồ giúp đối tượng này tham ô số tiền 13 tỷ đồng của Agribank Bến Thành, thì 4 nhân viên còn lại (gồm 3 cán bộ tín dụng, 1 thủ quỹ) không được hưởng lợi một đồng nào từ việc làm của Oanh nhưng vẫn bị truy tố tội “Tham ô tài sản”, với vai trò đồng phạm giúp sức và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngày 17/3, Nguyễn Thị Hoàng Oanh và các nhân viên bị TAND TP.HCM xét xử về các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Liên quan đến vụ án, Lê Văn Tính (Giám đốc công ty TNHH Kim Gia Thuận) cùng vợ con và các nhân viên bị cáo buộc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ.

Sau nhiều ngày xét xử, ngày 21/3, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với Nguyễn Thị Hoàng Oanh và 10 đồng phạm do còn nhiều tình tiết mâu thuẫn cần được làm rõ.

Đối với Lê Văn Tính, để có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, Tính đã lập thêm một số công ty “ma” cho vợ, con, nhân viên mình làm giám đốc để lấy pháp nhân. Thực tế các công ty này không hoạt động kinh doanh, không có vốn cũng như tài sản nhưng Tính đã thuê người làm báo cáo tài chính để làm hồ sơ vay vốn.  

Mặc dù biết các công ty trên không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, không có năng lực tài chính nhưng theo sự chỉ đạo của Tính, những đối tượng này đã ký hồ sơ gian dối để vay vốn của Agribank Bến Thành. Do đó, Lê Văn Tính (Giám đốc công ty TNHH Kim Gia Thuận) cùng vợ con và các nhân viên đều bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Box 2: Sau khi những sai phạm nghiêm trọng ở ngân hàng Agribank Bến Thành bị phanh phui, nhiều các bộ của ngân hàng vướng vòng lao lý, lần giở hồ sơ, Cơ quan điều tra phát hiện trước đó đã có rất nhiều văn bản của nhân viên kiểm soát nội bộ chỉ ra những sai phạm trong hoạt động tín dụng gửi lãnh đạo đề nghị chấn chỉnh.

Song thời điểm đó, Agribank Bến Thành đã bị Nguyễn Thị Hoàng Oanh thao túng, nên những văn bản nói trên bị chìm xuồng. Người nhân viên phòng trên sau đó bị điều chuyển xuống phòng thu hồi nợ. 

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.