Kỳ án cán bộ xã bị 48 tháng tù vì vay tiền của “sếp”

Bị cáo Tâm cho rằng mình bị oan
Bị cáo Tâm cho rằng mình bị oan
(PLO) -Trong vụ án này, “bị hại” là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, bị cáo là cấp phó. Bị cáo làm ăn thua lỗ, vay mượn “sếp” với mức lãi suất lên đến 252%/năm. Mất khả năng chi trả, bị cáo xin nghỉ làm cán bộ ra ngoài kiếm tiền trả nợ thì bị tố cáo, bị truy tố tội “lừa đảo” dù trước khi bị khởi tố, bị cáo đã thương lượng được việc trả nợ.
 

Vụ án toàn cán bộ xã

Ngày 16/3, TAND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang tuyên phạt bị cáo Trần Thị Nhứt Tâm (SN 1986, nguyên Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy) mức án 3 năm 6 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Bị hại” trong vụ án là bà Phan Thị Tím, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, ông Võ Minh Tiếng, từng là Chủ tịch Hội người cao tuổi (hiện đã nghỉ việc) của xã Vĩnh Trung. Ngoài ra, còn có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Dương Thị Ửng, từng là Trưởng ban dân vận (hiện là cán bộ ấp), ông Lê Hoàng Thức, Bí thư xã đoàn xã Vĩnh Trung và ông Lê Hoàng Nam (ngụ ấp 7).

Theo cáo trạng, vào năm 2014, Tâm công tác với chức vụ Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Trung có vay mượn với những người nói trên. Cơ quan tố tụng cáo buộc, với ý thức chiếm đoạt tài sản của người khác, Tâm dùng thủ đoạn hỏi vay tiền với lãi suất cao (từ 5.000 – 7.000 đồng/triệu/ngày, tức từ 180 – 252%/năm). Tâm đưa ra nhiều thông tin gian đối như vay cho người khác vay lại, vay cho cha đáo hạn ngân hàng. Và hẹn trong vòng 3 – 10 ngày sẽ trả đủ cả lãi lẫn gốc.

Tuy nhiên, số tiền Tâm vay mượn được dùng vào mục đích khác như trả nợ, trả lãi cho chủ nợ khác hoặc cho chính người đã cho Tâm vay hoặc tiêu xài cá nhân. Đến ngày hẹn trả tiền, Tâm tiếp tục đưa ra những thông tin gian dối khác như giấy tờ bị trục trặc và tiếp tục hẹn thêm.

Do đòi nhiều lần, ông Thức, ông Nam, ông Tiếng và bà Ửng gửi đơn tố cáo hành vi của Tâm tới cơ quan điều tra công an huyện Vị Thủy từ tháng 9/2014 đến tháng 12/2014. Trong khi CQĐT đang tiến hành xác minh thì Tâm xin nghỉ việc và đi khỏi địa phương. Đến tháng 7/2015, Tâm mới đến công an huyện Vị Thủy làm việc.

Cáo trạng cho rằng, do Tâm đã thỏa thuận được việc trả nợ với ông Thức, ông Nam và bà Ửng nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với bà Tím, quá trình mở rộng điều tra phát hiện thêm nên đưa thêm vào.

Tâm cũng đã thỏa thuận được việc trả nợ cho ông Tiếng và bà Tím, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, nên bị truy tố. Cáo trạng cho rằng Tâm chiếm đoạt của bà Tím 60 triệu đồng (lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày, tức 252%/năm), của ông Tiếng 65 triệu đồng (lãi suất 6.000 đồng/triệu/ngày, tức 216%/năm).

Bị cáo kêu oan

Ngược lại với cáo trạng, bị cáo cho rằng mình không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản. Bị cáo thừa nhận có nói những lý do không đúng để vay được tiền từ các bị hại.

“Thời gian này, tôi hùn vốn làm ăn, bị thua lỗ. Rất cần tiền nên tôi mới hỏi vay các anh chị ấy. Mặc dù đưa ra thông tin không đúng nhưng tôi không hề muốn chiếm đoạt, không có ý thức chiếm đoạt. Những người này, tôi từng vay mượn rất nhiều lần, với lãi suất cao và trả đủ chứ chưa hề thoái thác. Lãi suất là do bị hại đưa ra, tôi ở thế yếu nên không mặc cả mà chấp nhận”, bị cáo nói.

Theo bị cáo, việc cáo trạng cho rằng mình nghỉ việc, bỏ đi khỏi địa phương trong thời gian công an xác minh sự việc là không đúng. Cuối năm 2014, trong buổi họp cuối năm, có mặt các bị hại, bị cáo nói rõ do nợ nần nhiều, lương công chức không đủ chi trả nên xin nghỉ việc đi làm ăn để kiếm tiền trả nợ. Thời gian này, chưa có bất cứ cơ quan tố tụng nào mời bị cáo làm việc.

Sau khi nghỉ việc, Tâm đi làm khắp nơi, từ Sài Gòn đến tận miền Bắc. Và Tâm khẳng định vẫn giữ liên lạc với các bị hại. Nhiều lần, bị hại gọi điện đòi tiền, bị cáo đều xin hẹn và hứa sẽ trả tiền. Trong thời gian đi làm, gom góp được bao nhiêu, bị cáo gửi về cho người quen nhờ trả dần cho bị hại.

“Một lần, có anh công an gọi bảo có người gửi đơn tố cáo, hỏi tôi ở đâu về công an huyện làm việc. Thời điểm trên, do chưa nhận lương, tôi có hẹn thêm mấy ngày, đúng ngày 4/7/2015 sẽ có mặt. Tôi hỏi anh công an có được hay không? Anh công an đồng ý. Tôi không hề trốn tránh trách nhiệm trả nợ của mình”, bị cáo trình bày.

Đến ngày 15/7/2015, Tâm gặp bà Tím, trả bớt 3 triệu đồng và viết giấy thỏa thuận trả nợ dần từng tháng. Tâm cũng trả cho ông Tiếng 2 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, tại tòa, bà Tím cho biết từ ngày thỏa thuận đến nay, Tâm chưa trả cho bà lần nào nên bà này giữ nguyên quan điểm yêu cầu xử lý hình sự, đồng thời buộc Tâm trả tiền.

Đến ngày 4/8/2015, Tâm gặp ông Tiếng trả đủ 65 triệu đồng, có ghi biên nhận. Hai ngày sau, Tâm mượn lại của ông Tiếng 63 triệu. Không có mặt tại tòa nhưng trong bản khai, ông Tiếng cho rằng viết giấy trả nợ là do Tâm năn nỉ để khỏi bị công an xử lý. Sau đó, sợ Tâm không trả nên ông buộc Tâm viết lại giấy nợ.

Luật sư và bị cáo cho rằng bản Kết luận điều tra vụ án có nhiều điểm không chính xác
Luật sư và bị cáo cho rằng bản Kết luận điều tra vụ án có nhiều điểm không chính xác

Vay mượn dân sự, sao lại bị xử lý hình sự?

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng hành vi chiếm đoạt của bị cáo Tâm đã hoàn thành kể từ khi bị cáo dùng thông tin gian dối để hỏi vay tiền các bị hại. Những thỏa thuận trả nợ sau này chỉ là khắc phục hậu quả chứ không phải là giao dịch dân sự nên việc truy tố bị cáo tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người đúng tội, không oan. VKS đề nghị mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm đối với bị cáo Tâm.

Bào chữa cho Tâm, luật sư khẳng định việc truy tố Tâm là oan sai, là hình sự hóa một quan hệ vay mượn dân sự. “Bị cáo Tâm không hề có ý thức chiếm đoạt số tiền trên. Bằng chứng là nhiều lần vay mượn, lúc có biên nhận, lúc chỉ nói miệng nhưng Tâm vẫn trả đủ. Số tiền bà Tím cho vay 60 triệu đồng không có biên nhận, Tâm cũng đồng ý trả và viết biên nhận sau.

Ngoài ra, Tâm có nhờ Tuyền vay giúp cho mình 25 triệu đồng từ bà Tím. Mặc dù biên nhận nợ là Tuyền đứng tên nhưng Tâm vẫn thừa nhận và chấp nhận trả”, luật sư cho biết.

Theo luật sư, hành vi của Tâm không phải là gian dối. Không thể buộc bị cáo sử dụng đúng mục đích số tiền vay mượn là phải cho người khác vay lại hoặc mua đồ dùng A, B, C hoặc không được tiêu xài. Ở đây, người vay là bị cáo muốn có tiền nên cố gắng đưa ra thông tin, còn bị hại muốn có lãi suất cao gấp vài chục lần so với lãi suất ngân hàng (ngân hàng Agribank là 8.5%/năm). Nói cách khác đôi bên cùng có lợi ích.

Ngoài ra, luật sư còn chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trong cáo trạng, quan điểm của VKS. Theo đó, đây là vụ án hình sự nên không thể tính lãi suất trong việc buộc bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Thứ hai, cáo trạng không đề cập đến nghĩa vụ phải trả nợ. Số tiền mà Tâm vay mượn là sử dụng vào mục đích cá nhân hay cho gia đình. Vì Tâm đã có chồng con, chồng Tâm có phải liên đới trả nợ hay không? Trong khi cáo trạng không đề cập thì trong quan điểm luận tội, VKS lại đưa vào.

Nhiều điểm chưa rõ, tòa vẫn tuyên án tù

“Một điểm mấu chốt khác ở đây là biên nhận ngày 4/8/2015, Tâm đã trả hết nợ cho ông Tiếng nhưng VKS không đề cập đến, không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, có lợi cho bị cáo, mà khăng khăng chấp nhận lời khai của ông Tiếng là biên nhận khống. Khi ông Tiếng tố cáo Tâm, sao ông Tiếng dám viết giấy khống cho Tâm và 2 ngày sau mới viết giấy biên nhận khác?

Chứng cứ nào cho rằng đó là giấy khống? Nếu xét theo nguyên tắc suy đoán vô tội, Tâm đã trả hết nợ cho ông Tiếng 65 triệu. Số nợ 63 triệu là một vụ vay mượn khác. Ngoài ra, với lãi suất cao như thế này, “bị hại” lại là những cán bộ nhà nước, thì thậm chí phải xử những người này về tội cho vay nặng lãi. Ai ngờ rằng ở một cơ quan nhà nước lại xuất hiện một hình thức cho vay nặng lãi như “tín dụng đen” như vậy”, luật sư nói.

Về phần mình, Tâm thừa nhận có vay mượn của những bị hại đã nêu và chấp nhận trả nợ. Tâm cho biết trong thời gian mình không bị cấm đi khỏi nơi cư trú, Tâm đi làm trả được tiền cho ông Thức và ông Nam. “Nếu được đi làm, mấy năm nay, bị cáo đã trả hết số tiền còn nợ. Tuy nhiên, do bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị cáo không có việc làm nên không có tiền trả cho bị hại”, bị cáo Tâm trình bày.

Bất chấp diễn biến phiên tòa như trên, sau khi nghị án, TAND huyện Vị Thủy vẫn bác bỏ những quan điểm của LS và tuyên phạt bị cáo Tâm mức án 3 năm 6 tháng tù giam. 

Nên lưu ý, đây là phiên sơ thẩm lần thứ hai. Phiên sơ thẩm lần 1, TAND huyện Vị Thủy cũng tuyên bị cáo Tâm mức án này. Sau đó, cấp phúc thẩm hủy án TAND tỉnh Hậu Giang, trả hồ sơ điều tra lại.

 Bí thư xã nói gì?

Về việc “bị hại” là cán bộ nhà nước nhưng lại cho vay với lãi suất cao gấp hàng chục lần ngân hàng nhà nước, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Phạm Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trung cho biết:

“Tôi vừa mới về một năm nay nên không nắm được sự việc. Qua thông tin của PV cung cấp, tôi sẽ họp ban chấp hành và có hướng xử lý, không để tình trạng vay mượn với lãi suất cao tồn tại trong cơ quan nhà nước được. Quy chế cán bộ, Đảng viên cũng không cho phép hành vi cho vay lãi suất cao”.

Đọc thêm

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.