Phong trào khởi nghiệp
Nơi địa đầu Tổ quốc, miền biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia, với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000km. Với nhiều đặc điểm khó khăn như địa hình hiểm trở; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chậm phát triển; mức sống thấp về cả vật chất, tinh thần,…
Từ xưa tới nay, nơi đây vốn có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ về mặt an ninh, quốc phòng mà cả chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường sinh thái. Vì vậy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và chăm lo đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới. Nhờ đó, kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Đặc biệt, việc thúc đẩy phát triển kinh tế bằng các phong trào đang diễn ra vô cùng sôi nổi, điển hình như phong trào khởi nghiệp. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng trong những năm gần đây có nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công và xây dựng, hoàn thiện cuộc sống mới.
Nhằm hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn phát động, nhiều thanh niên huyện biên giới đã dùng ý chí, nghị lực, tận dụng những nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước vào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế mới để thoát nghèo ngay tại quê hương.
Điển hình trong số đó có anh Hà Văn Thương (SN 1990, xã Trung Hạ, huyện biên giới Quan Sơn). Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái nghèo, anh đã luôn ấp ủ khát vọng làm được điều gì đó để gia đình thoát nghèo. Sau khi tốt nghiệp đại học Tây Bắc, anh đi khắp nơi tìm việc, trải qua nhiều nghề nhưng vẫn không đủ tiền trang trải cho gia đình.
Đến năm 2019, nhận thấy tiềm năng đất rừng rộng lớn, anh đã về quê lập nghiệp, vay vốn ngân hàng mua 500 con gà giống để thực hiện mô hình trại chăn nuôi gà thả đồi dưới tán rừng luồng. Anh chăm chỉ học hỏi, nâng cao kiến thức và đã đạt thành công ngay ở lứa gà đầu tiên, từ đó thừa thắng xông lên anh mở rộng mô hình, nuôi thêm lợn, dê, bò dưới tán rừng.
Cho đến nay, trang trại của anh nuôi đến 5.000 con gà, 10 con lợn nái, 10 con dê và bò sinh sản dưới tán 5ha rừng luồng, sản phẩm được bán cho khách hàng trong tỉnh Thanh Hóa. Riêng vụ Tết năm 2022, khách hàng đã đặt cọc mua gần hết số gà của trang trại anh. Thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 250 triệu đồng/năm.
Tại Lai Châu, một tấm gương khác cũng vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại quê hương đó là anh Hảng A Dơ (SN 1984, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), người dân tộc Mông. Từ mảnh đất cằn cỗi, anh đã khiến cho đất cằn “nở hoa” từ câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2011, khi quyết định cải tạo toàn bộ quỹ đất cằn của gia đình mà trước đây chỉ trồng ngô và bỏ không, để thử trồng gần 100 cây đào. Sau một thời gian thấy hiệu quả anh tiếp tục nhân rộng mô hình kinh doanh. Đến năm 2014, anh Dơ tiếp tục đầu tư vào 500 cây hoa địa lan được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhu cầu thị trường cao.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, bản Sin Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng cấp tỉnh. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của bản, anh Dơ đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Đoàn Thanh niên để tiếp tục đầu tư mô hình homestay với hơn 30 giường ngủ. Chỉ sau một năm anh đã trả hết số tiền vay.
Sau thời gian dài khởi nghiệp, đến nay anh Hảng A Dơ đã thành công khi có gần 1.000 cây đào và 1.000 chậu địa lan, 3ha thảo quả và có một ngôi nhà homestay phục vụ hơn 30 khách du lịch với thu nhập bình quân một năm gần 300 triệu đồng.
Với quyết tâm làm giàu, gây dựng thương hiệu cho quê hương, chàng trai Tày đã khởi nghiệp thành công từ cây dân dã. Tại vùng cao Lào Cai, chàng trai dân tộc Tày An Văn Tuấn (SN 1991, huyện Văn Bàn) đã khởi nghiệp thành công tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe từ những loài cây bình dị, dân dã.
Sinh ra và lớn lên tại xã nghèo của huyện Văn Bàn, anh Tuấn tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam. Từng làm ở nhiều công ty nhưng rồi quyết định về quê hương khởi nghiệp với ý tưởng mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất tinh dầu từ các cây trồng tự nhiên sẵn có của quê hương như sả, tía tô...
Với nguồn tài nguyên sẵn có và thị trường rộng mở khi ở Việt Nam chưa có loại sản phẩm này càng khiến anh Tuấn muốn theo đuổi. Với 1 tấn nguyên liệu đại bi tươi và phương pháp chưng cất riêng, thử nghiệm đầu tiên chỉ thu được một lọ tinh dầu bằng ngón tay khoảng 30ml đồng nghĩa với chi phí lớn, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Sau thời gian nghiên cứu lại, đến tháng 5/2020, Tuấn thu được kết quả mỹ mãn với 500ml tinh dầu/tấn nguyên liệu tươi.
An Văn Tuấn – tấm gương khởi nghiệp điển hình tỉnh Lào Cai. |
Từ đó, Tuấn tăng cường nghiên cứu, gia tăng sản xuất trên vùng nguyên liệu gần 20ha đại bi sẵn có tự nhiên. Chiết xuất tinh dầu đại bi nhanh chóng được xác định làm sản phẩm chủ lực của HTX Thế Tuấn. Tuấn cho biết doanh thu năm 2021 của HTX đạt hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 30%. Bên cạnh việc tạo việc làm ổn định cho gần chục nhân công, còn tạo việc làm, nguồn thu cho nhiều lao động thời vụ qua việc thu hái nguyên liệu.
Đến nay, từ sản phẩm tinh dầu, HTX của Tuấn đã cho ra thêm nhiều loại sản phẩm từ cây đại bi như trà túi lọc, cao lá, tinh chất, tinh dầu, nước súc miệng... Hành trình khởi nghiệp của Tuấn không chỉ mang lại thành công cho anh mà còn góp phần phát triển thế mạnh của vùng cao Lào Cai.
Thay đổi suy nghĩ của giới trẻ
Trong suốt những năm qua, làn sóng khởi nghiệp của thanh niên nơi địa đầu Tổ quốc, miền biên giới vẫn đang diễn ra sôi động, tích cực. Nếu như trước đây có rất nhiều bạn trẻ tìm đến những mảnh đất mới để chinh phục và thử thách bản thân, lập ngiệp xa quê hương. Thì giờ đây, trước những tấm gương sáng khởi nghiệp thành công, không ít thanh niên đã chọn ở lại và lập nghiệp tại nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Dần dà, qua năm tháng, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa và có sức thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Những thanh niên có chung niềm đam mê, mục tiêu và quyết tâm đã quy tụ lại thành các câu lạc bộ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ làm giàu. Chính từ đó đã xuất hiện những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng, bắt sỏi đá “đẻ” ra tiền. Cùng với sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ phát huy năng lực, thực hiện ước mơ làm giàu cho bản thân và quê hương.
Đương nhiên, khởi nghiệp không phải chuyện dễ dàng, do điều kiện khắc nghiệt, địa hình vùng biên giới hiểm trở nên nhiều thanh niên luôn gặp khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Đã có những vất vả, vấp ngã và thất bại, có những bạn trẻ đã phải loay hoay nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được con đường dẫn đến thành công. Nhưng với ý chí, quyết tâm, “thắng không kiêu, bại không nản”, nhiều thanh niên đã tiếp tục đứng dậy, lấy kinh nghiệm và bài học từ những lần thất bại để vượt qua chướng ngại vật và mở ra con đường khởi nghiệp đúng đắn.
Xác định phong trào khởi nghiệp của thanh niên góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của các tỉnh. Tại nhiều nơi đã thúc đẩy mạnh mẽ khát vọng khởi nghiệp của thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới; duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình đang có. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, giới thiệu việc làm, các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó khích lệ thanh niên nâng cao ý thức, khơi dậy phong trào lập thân, lập nghiệp.
Phong trào khởi nghiệp của thanh niên nơi biên cương xa xôi, hẻo lánh không chỉ giúp những người dân nơi đây vượt khó, thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Mà còn giúp thay đổi tư duy, suy nghĩ của các bạn trẻ nơi đây với khát vọng vươn xa, đem lại thành công cho quê hương, đất nước.