Nằm ở địa đầu Đông Bắc đất nước, TP Móng Cái những năm gần đây nổi lên như một mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, khẳng định vị trí của một “cửa ngõ” quan trọng hướng ra thế giới. Với những đóng góp chung vào sự phát của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh. TP Móng Cái xứng đáng là động lực phát triển và là hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Thế mạnh “cửa ngõ” phát triển kinh tế
Móng Cái có vị trí địa chính trị chiến lược, là cầu nối trực tiếp trong thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á; có tiềm năng về phát triển sản xuất, du lịch, thương mại và dịch vụ vận tải; là điểm hội tụ, cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng giữa các tỉnh của Việt Nam với các tỉnh duyên hải Nam Trung Quốc cũng như trong tiến trình hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Đây cũng là nơi duy nhất có lợi thế “Ven biên, ven biển”, có đường biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc; có cửa khẩu trên bộ, trên biển; là một trong hai mũi đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh.
Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. |
Ngày 10/4/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2012/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái bao gồm toàn bộ thành phố Móng Cái và khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà càng khẳng định tầm quan trọng chiến lược của thành phố. Diện tích tự nhiên khu kinh tế khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất liền là 66.197 ha và diện tích mặt biển là 55.000 ha.
Thành phố Móng cái tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2015-2020) ước tăng 15,02%/năm (tăng 0,02% so với chỉ tiêu đề ra); Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, khu vực dịch vụ và công nghiệp đạt trên 91% (Nghị quyết đề ra đạt trên 90%); trong đó: tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 55,9% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 59%); khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 35,2% (chỉ tiêu là 35%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8,9% (chỉ tiêu là 6%).
Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn (giá so sánh 2010) cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra: khu vực dịch vụ tăng bình quân 15,5%/năm (chỉ tiêu là tăng 17%); khu vực công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 16,5%/năm (vượt 3,5% so với chỉ tiêu); khu vực nông nghiệp tăng bình quân 6,1%/năm (tăng 0,1% so với chỉ tiêu). Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt 10.533 tỷ đồng (tăng bình quân 12,9%/năm) , trong đó thu nội địa đạt 5.372,6 tỷ đồng, tăng bình quân 14,2%/năm (tăng 2,9% so với chỉ tiêu) . Tổng chi ngân sách 5 năm ước đạt 4.753 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 1.664 tỷ đồng (chiếm 35%), tăng 2,3 lần so với giai đoạn trước.
GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 (giá hiện hành) ước đạt 5.051 USD/người/năm, tăng gấp hai lần so với thời điểm năm 2015 (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 5.700 USD/người/năm).
Mũi Sa Vĩ - địa đầu Tổ quốc. |
“Thông thoáng” về giao thông, “cởi mở” về thủ tục hành chính
Vị trí địa lý với chi phí cạnh tranh là một trong những lợi thế cốt lõi của Khu vực cửa khẩu Móng Cái. Lợi thế này đặc biệt phát huy đối với các mặt hàng nông sản, hải sản, phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ vận tải, bởi có: mạng lưới giao thông kết nối vùng, liên vùng thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa: (quốc lộ 18A hiện có, tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối với cao tốc Vân Đồn – Hạ Long và Hải Phòng - Hà Nội; có các cửa khẩu và lối mở xuất nhập hàng hóa sang Đông Hưng (Trung Quốc) rất thuận tiện như: cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2; cầu phao tạm – cảng cạn ICD Thành Đạt, Lối mở Pò Hèn – Thán Sản…; có cảng khẩu Vạn Gia, cảng biển nước sâu Hải Hà kết nối với cảng quốc tế Cái Lân, cảng Hải Phòng (Việt Nam) và cảng Kỳ Xá, Bắc Hải, Khâm Châu, Phòng Thành Cảng (Trung Quốc); có sông Ka Long là đường thủy nội địa quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa thương mại Việt - Trung với 10 bến cảng dọc 2 bên bờ sông.
Bên cạnh đó, Móng Cái rất thuận lợi về đường hàng không khi sân bay Vân Đồn đã đi vào hoạt động đầu năm 2019, cách 80km nếu đi đường cao tốc đến Móng Cái khoảng 50 phút; cách sân bay Cát Bi - Hải Phòng 210km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 300km; Sân bay tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) cách 220km, đi đường cao tốc đến Móng Cái khoảng 02 giờ đồng hồ. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ logistics đáp ứng tốt nhu cầu bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa với 17 kho ngoại quan, 35 kho hàng hóa, bến, bãi bốc xếp diện tích trên 115.000 m2.
Thành phố Móng cái ngày càng phát triển hiện đại và năng động. |
Với quan điểm “Doanh nghiệp thành công, Móng Cái thành công”, tận dụng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh dành cho Khu kinh tế cửa khẩu, ở Móng Cái đang thực hiện tiện lợi hóa thông quan qua cửa khẩu với thời gian nhanh nhất theo mô hình “Một cửa, một lần dừng”, cho tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trong 5 năm gần đây đạt 24 tỷ USD.
Không chỉ có các điều kiện thuận lợi trong nước, vừa qua, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã cho phép cửa khẩu Đông Hưng là 1 trong 6 cửa khẩu được chỉ định xuất nhập khẩu hoa quả. Thành phố Móng Cái đã thành lập Trung tâm giao dịch hoa quả châu Á - Thái Bình Dương để hỗ trợ, kết nối xuất khẩu nông sản, hải sản, hoa quả...
Đóng vai trò hạt nhân của Khu kinh tế Cửa khẩu
Từ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt từ năm 2015, thành phố Móng Cái đã lập đồ án quy hoạch phân khu; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu, đa dạng hoá các hình thức huy động nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn doanh nghiệp, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố Móng Cái đạt trên 3.550 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư xã hội đạt 19.065 tỷ đồng, tăng bình quân 31,18%/năm; vốn FDI đạt trên 1.526 tỷ USD.
Là hạt nhân tăng trưởng của Khu Kinh tế cửa khẩu sôi động nhất của Quảng Ninh, Móng Cái đã phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, logistics. Nhiều nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group, FLC, T&T, Ecoland, Amata, Bến Thành Holdings... đã đến nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án quy mô lớn, đột phá.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh cho biết, sau 5 năm thực hiện các quy hoạch này, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (bao gồm toàn bộ diện tích TP Móng Cái và một phần huyện Hải Hà) đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông phát triển và ngày càng đồng bộ. Dự án Xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã được khởi công ngày 3/4/2019, kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn.
Tuyến đường tạm để kết nối giao thông, thông thương với Đông Hưng (Trung Quốc) đã hoàn thành. Cầu Bắc Luân 2 được khánh thành từ tháng 9/2017 đã thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây (Trung Quốc) và giảm tải cho cầu Bắc Luân 1. Với những điều kiện trên, TP Móng Cái đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh từ năm 2018.
Theo ông Kiên, để có thể xây dựng TP Móng Cái trở thành đô thị loại I trên cơ sở sáp nhập 2 địa giới hành chính là Móng Cái và Hải Hà; mở rộng không gian đô thị, thu hút các nhà đầu tư chiến lược; tổ chức lại khu đô thị, khu dân cư; phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái bền vững hiện đại theo hướng “1 trục, 2 vùng, 3 trung tâm”, thì quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái cần phải được điều chỉnh.
Ngày 16/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 đã mở ra không gian phát triển mới cho thành phố Móng Cái nói riêng và cả Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.