Ngày 6/5/2021, TAND huyện Thọ Xuân đưa ra xét xử sơ thẩm án “Tranh chấp hợp đồng giao khoán” giữa ông Đỗ Đình Chương (SN 1973, trú tại xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và bị đơn là UBND xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân.
Tại tòa, ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cung cấp cho HĐXX một tài liệu có tên “Trích biên bản hội nghị UBND xã Xuân Hòa ngày 5/6/2010”. Trong đó gồm có các thành phần là ông Bùi Hoàng Thụ - Chủ tịch UBND xã; ông Lê Văn Định – Phó Chủ tịch xã, bà Đỗ Thị Bình – cán bộ văn phòng, kế toán xã và ông Trịnh Xuân Thành cán bộ địa chính xây dựng xã.
Nội dung hội nghị này thể hiện việc UBND xã Xuân Hòa xác định có ký kết hợp đồng ngày 9/7/2007 với ông Chương là trái quy định.
Trả lời HĐXX, ông Tuấn cho biết hội nghị này không mời ông Chương đến tham dự.
Diện tích đất mà ông Chương thuê khoán năm 2007 khác biệt rõ rệt so với các phần diện tích đất được UBND xã Xuân Hòa cho thuê sau năm 2007 |
Nói về "Hội nghị" này, ông Chương khẳng định không hề biết và toàn bộ các hợp đồng về sau không có văn bản nào thể hiện việc ông và UBND xã Xuân Hòa đã thanh lý hợp đồng năm 2007; UBND xã đã trả lại số tiền ông Chương đã đóng trong 20 năm.
Sau phiên tòa, phóng viên đã trực tiếp tới UBND xã Xuân Hòa để đề nghị làm việc nhằm làm rõ về việc tại sao UBND xã Xuân Hòa không cung cấp bản chính về hội nghị ngày 5/6/2010 mà lại phải trích biên bản này ra để cung cấp cho tòa án. Liệu có phải do không chịu bồi hoàn lại số tiền mà ông Chương yêu cầu nên UBND xã tự lập một biên bản mà không có mặt ông Chương để giải quyết việc của ông Chương. Tuy nhiên, trả lời qua điện thoại thì vị Chủ tịch xã Xuân Hòa chỉ nói có bản gốc nhưng không cung cấp cho phóng viên và cũng không làm việc để trả lời về những vấn đề liên quan đến vụ việc này.
Luật sư Đặng Văn Cường – VP luật Chính Pháp khẳng định, theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được nêu rõ, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Như vậy, trong vụ việc này, việc xác định lỗi là do UBND xã Xuân Hòa vượt quá thẩm quyền khi cho phép cá nhân khai thác cát sỏi, dẫn đến việc anh Chương đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng để thực hiện nội dung theo Hợp đồng giao khoán. Do đó đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình anh Chương nêu trên, nên có cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Chương”.
Như Báo PLVN đã đưa tin, ông Chương khởi kiện UBND xã Xuân Hòa ra tòa để đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng giao khoán ngày 09/07/2007 giữa ông Chương và UBND xã Xuân Hòa là vô hiệu và buộc UBND xã Xuân Hòa bồi thường 6,683 tỷ đồng cho ông Chương. Lý do yêu cầu khởi kiện rất rõ là UBND xã đã cho thuê đất để khai thác cát sỏi, canh tác trong thời hạn 20 năm là không đúng quy định của pháp luật.
Tại tòa sơ thẩm ông Chương trình bày, ngày 9/7/2007 ông Chương ký “hợp đồng giao khoán” với UBND xã Xuân Hòa để sử dụng khu vực bãi bồi Hạ Long và Kim Ốc trong thời hạn 20 năm (từ 01/01/2005 đến 31/12/2024). Khu vực bãi bồi để cải tạo, khai thác và trồng trọt đất tận dụng.
Ranh giới giao khoán được xác định là địa phận thôn Hạ Long tính từ ngõ nhà ông Ban trở xuống và địa phận thôn Kim Ốc đến hết thôn giáp Kim Phúc.
Tại phiên tòa, các bên liên quan đều xác nhận việc ông Chương đã thanh toán cho UBND xã Xuân Hòa 15 triệu đồng tiền thuê khoán và có sự tồn tại của hợp đồng thuê khoán năm 2007.
Bị đơn là ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và cho rằng hợp đồng năm 2007 của ông Chương đã bị thay thế bởi các hợp đồng giao khoán đất sản xuất nông nghiệp các năm 2010, năm 2015 và năm 2019.
Nhưng căn cứ một số tài liệu mà các bên cung cấp thì diện tích giao khoán tại hợp đồng năm 2007 không trùng lặp với diện tích giao khoán tại các Hợp đồng giao khoán năm 2010, 2015 và 2019.
Mặt khác, vị trí khai thác theo Hợp đồng này nằm phía đông giáp dốc ông Thống thôn kim Ốc, Phía Tây giáp lán trại anh Tùng; Phía nam giáp đất vườn và nhà ở của các hộ dân ven bãi sông Chu; Phía bắc giáp dòng chảy sông Chu. Diện tích giao khoán này chỉ có một phần nhỏ diện tích chồng lấn với các Hợp đồng năm 2010, năm 2015, năm 2019 (8.250m2 thuộc đất của gia đình anh Tùng khai hoang trước đó đã chuyển nhượng cho gia đình anh Chương).
Đến ngày 10/6/2010, ông Chương ra UBND xã Xuân Hòa để làm hợp đồng thầu khoán đứng tên Đỗ Đình Chương và được UBND xã giao khoán diện tích đất hơn 35 nghìn mét vuông, thời hạn 5 năm.
Hết thời hạn trên, ông Chương tiếp tục được gia hạn thời hạn giao khoán và ký kết hợp đồng số 24/2015/HĐ-GK ngày 01/01/2015 với UBND xã Xuân Hòa, nội dung giao khoán diện tích đất tại khu vực như hợp đồng năm 2010 và được giao khoán thêm diện tích đất tại khu vực xứ đồng bãi dâu thôn Kim Phúc, đến 31/12/2017.
Đến năm 2019, UBND xã Xuân Hòa đã ký lại hợp đồng và bỏ diện tích đất chồng lấn là 26.877m2 thuộc thôn Hạ Long và Kim Ốc. Tại hợp đồng năm 2019 này, UBND xã đã đưa thêm một số diện tích đất không nằm trong diện tích đã được giao như hợp đồng năm 2007 để giao cho anh Chương khai thác sử dụng.
Như vậy, hợp đồng ký năm 2007 và các năm sau có nội dung và đối tượng thuê khoán đất khác nhau. Thế nhưng bà tòa án lại không chấp nhận yêu cầu tuyên bố một hợp đồng bị vô hiệu đã rất rõ ràng và bản án của cũng không đề cập việc hoàn trả lại số tiền ông Chương đã cho 20 năm thuê đất mà UBND xã đã thu trước của ông Chương.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.