Người tiêu dùng cứ thản nhiên sử dụng mà không cần biết đến nguồn gốc, cũng như công dụng của các loại rượu ngâm thực sự ra sao, điều này, chẳng khác nào phó mặc tính mạng của mình cho thần chết.
Mất mạng vì rượu ngâm rễ cây
Những ngày qua, dư luận tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc ông Nông Văn Thụ (SN 1965, ngụ xã Cư Wy) và ông Nông Văn Vương (SN 1969, ngụ xã Cư AMung, cùng huyện Ea H’leo) bị ngộ độc khi cùng uống rượu ngâm các loại rễ cây rừng.
Uống được khoảng 30 phút thì ông Thụ kêu chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật. Ông Vương lấy xe máy chở ông Thụ tới Trạm y tế xã Cư Wy cấp cứu nhưng chỉ ít phút sau ông Thụ trở nặng và tử vong. Sau đó, ông Vương cũng lên cơn co giật, nôn ói và được đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu nhưng may mắn sống sót.
Được biết, rượu là do gia đình ông Vương tự nấu, sau đó đem ngâm với “thảo dược” là rễ cây tự đào được trong rừng. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do độc tố có trong rượu ngâm, Công an huyện Ea H’leo hiện đã niêm phong mẫu rượu để tiếp tục điều tra.
Theo chẩn đoán của bệnh viện, ông Vương “bị ngộ độc nghi do uống rượu ngâm rễ cây”. Còn qua khám nghiệm tử thi cho thấy, ông Thụ tử vong do xuất huyết dạ dày.
Nạn nhân Vương được điều trị |
Thông tin từ người trong gia đình cho biết, trước khi uống rượu, ông Vương có uống một hộp sữa chống đói, còn ông Thụ thì chưa ăn gì. Bình rượu trên, gia đình ông Vương đã uống 5-6 lần, hôm đó chính vợ ông Vương cũng uống nhưng không ai bị sao.
Cách đây chưa lâu, ngày 31/3/2016, tại xã Đức Xuân (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) cũng xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm làm 1 người tử vong, 1 người phải đi cấp cứu. Đó là trường hợp của ông Nông Văn Khách (SN 1956) và ông Bế Văn Lãng (SN 1947).
Sau khi uống rượu ngâm với một loại củ trên rừng mà người dân tộc Tày gọi là nu thỏi thì cả hai có chung triệu chứng khó chịu trong người, buồn nôn, choáng váng, khó thở. Sau khi được gia đình đưa đi cấp cứu, ông Lãng đã tử vong ngay sau đó, còn ông Khách bị ngộ độc nặng, mất nhiều ngày điều trị tại bệnh viện mới hồi phục.
Đặc biệt trong ký ức của người dân huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa thể quên 1 vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra vào năm 2007. Hậu quả có 2 người chết, 9 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Nguyên nhân được xác định là, sau khi uống 1 xị (1/4 lít) loại rượu ngâm rễ cây hái trong rừng, nhóm 11 công nhân thuộc xưởng sản xuất đũa có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn. Chưa kịp đưa đi cấp cứu, 1 nạn nhân đã chết ngay tại bàn nhậu, 1 người khác chết tại viện.
Tương tự, cách đây không tại tỉnh Bình Định đã xảy ra một vụ ngộ độc tập thể sau khi uống rượu ngâm rễ cây được cho là giúp cường dương. Vụ việc này khiến 1 người chết, 17 người nhập viện với các triệu chứng tê buốt chân tay, co giật, hôn mê.
Trước đó, những người này cùng uống hũ rượu ngâm rễ cây mà gia chủ đào ở trên rừng đem về, đồng thời tự cho là loại rễ cây này ngâm rượu uống rất bổ dưỡng, giúp cường dương, tốt cho nam giới.
Cây gì cũng ngâm
Có thể nói, việc ngâm rượu dược liệu đã có truyền thống lâu đời ở nước ta. Suy nghĩ cho rằng, rượu ngâm động, thực vật được cho là quý, tốt cho sức khỏe hiện khá phổ biến trong người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và những vùng giáp ranh với rừng núi.
Với nhiều người, chỉ cần nghe đồn con gì, cây cỏ nào bổ dương, bổ âm, trị bệnh là đem vào rượu ngâm rồi uống, với quan niệm “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Không chỉ ngâm các loại dược liệu, nhiều người còn ngâm rượu với hoa anh túc vì cho rằng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận rất nhiều ca ngộ độc rượu hoa anh túc.
Một bác sĩ của Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, uống rượu ngâm hoa anh túc rất nguy hiểm. Một người nếu dùng liên tục loại rượu này sẽ gây nghiện, không khác gì một con nghiện vừa nghiện rượu vừa nghiện ma túy.
Trong một thời gian dài, tại nhiều địa phương trên địa bàn các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), người dân đổ xô vào rừng săn tìm cây và rễ mật nhân để bán dù hoặc đem về dùng, dù không biết rõ loại cây này chữa được bệnh gì, tác dụng phụ ra sao. Thậm chí, họ còn không biết, đó có phải thực sự là loại cây “thần dược”được đồn thổi có tác dụng thần thánh, trị bá bệnh hay không?
Rất nhiều loại rễ cây được bày bán |
Một thợ đi rừng tên Nguyễn Hoàng Tuyên (ngụ xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong) tiết lộ: “Thời điểm rễ, cây mật nhân có giá, rất nhiều hàng xóm gần nhà tôi đi vào rừng đào cây mật nhân đem về bán. Bản thân tôi thường vào những cánh rừng nằm giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông với tỉnh Đắk Lắk, hoặc Lâm Đồng để đào vì ở đây rễ cây mật nhân có củ to, bán được giá. Một chuyến đi dài khoảng 2 - 3 ngày, đào được chừng 30 kg vừa sức gùi ra khỏi rừng là về”.
Phần lớn người dân đều chỉ mơ hồ về dược tính của các loại rễ, thân cây này: “Tôi nghe người ta nói, chỉ cần mua rễ cây về, sắc ra đem ngâm với rượu, đợi một thời gian, sau khi rượu xuống màu là có thể uống được. Nghe nói, loại rễ cây này ngâm với rượu trị được rất nhiều căn bệnh, đặc biệt là tốt cho cánh đàn ông”, anh Tuyên cho hay.
Theo các tài liệu, cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack, họ thanh thất, thân gỗ, cao từ 4-8m, thân nhỏ ít phân cành. Theo kinh nghiệm dân gian, mật nhân dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu, ngoài ra chữa khí hư, say rượu, lá có thể nấu nước tắm để chữa ghẻ, ngứa.
Việc nhiều người dân thường vào các khu rừng tự nhiên hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn các tỉnh ở Tây Nguyên để đào mật nhân khiến cho lực lượng kiểm lâm rất vất vả. Bởi với cách khai thác tận diệt vì đào cả rễ thì có lẽ không bao lâu nhiều loại cây rừng này sẽ bị “xóa sổ”. Hơn thế nữa, chính việc làm ấy đang gây nguy hại cho nhiều người sử dụng, không có hiểu biết về các loại cây rừng.
Theo các chuyên gia đông y, trước đây chỉ có những loại dược liệu được chứng minh có công dụng thực sự thì mới ngâm. Còn hiện nay, nhiều người ngâm rượu theo trào lưu, cứ nghe nói thứ gì tốt là ngâm, nhiều khi không biết rõ nguồn gốc thứ được ngâm và công dụng ra sao.
Ngay các loại dược liệu cũng cần có chỉ định tốt cho bệnh lý này, hại cho bệnh lý kia chứ không phải ai cũng uống được, huống hồ đem ngâm vào rượu. Điều đó dẫn đến hậu quả là hầu như năm nào ở nước ta cũng có hàng chục trường hợp ngộ độc rượu ngâm rễ cây, lá cây rừng, dù những loại cây này đều được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, chữa được bệnh.
“Hơn nữa, nhiều loài có độc, cần có kiến thức xử lý trước khi ngâm. Chẳng hạn như rượu ngâm tắc kè được cho là có công dụng giúp mạnh sinh lý, nhưng nếu không biết cách xử lý thì lại gây ngộ độc vì trong mắt tắc kè có chứa độc tố, phải biết cách làm sạch, nướng sơ qua, sau đó bỏ nội tạng trước khi ngâm rượu…”, một thầy thuốc Đông y cho biết.
Do rượu hay do rễ cây?
Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Đắk Lắk xác nhận sự việc ông Nông Văn Thụ và ông Nông Văn Vương cùng uống rượu ngâm các loại rễ cây rừng dẫn tới người tử vong, người đi cấp cứu trong trạng thái nguy kịch.
Qua điều tra xác minh thì bình rượu nạn nhân uống có nhiều loại rễ cây rừng trong đó có Hà thủ ô và nhiều loại chưa xác minh được tính chất thảo dược. “Hiện bình rượu đã được cơ quan công an niêm phong phục vụ cho công tác điều tra, sau khi có kết luận cuối cùng, chúng tôi mới công bố nguyên nhân tử vong thực sự của nạn nhân”, bà Châu cho hay.
Theo nhiều bác sĩ: việc bệnh nhân bị ngộ độc có thể có nhiều nguyên nhân, thứ nhất hũ rượu ngâm có nhiều loại rễ, không loại trừ nguyên nhân gây độc là do một số loại rễ chưa thể xác định được tên và các thành phần hoạt chất khác. Cần lưu ý, Hà thủ ô là loại thuốc quý, được sử dụng lâu đời và không có độc tính.
“Tuy nhiên việc kết hợp giữa các loại rễ với nhau tạo ra độc tính là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, cần xác định rõ tiền sử bệnh án của người bị tử vong, bởi một số người bệnh tuyệt đối không được sử dụng các loại rượu ngâm. Mặt khác, việc sử dụng quá liều rượu cũng là điều cần lưu tâm”, một bác sĩ cho hay.
Có thể thấy, dù chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của trường hợp trên nhưng sự việc dẫn tới cái cái chết do uống rượu ngâm rễ cây rừng đã được xác định. Khi lợi ích của thần dược chưa thấy đâu thì tác hại của nó đã khiến nhiều người phải mất cả mạng sống.
Một vị bác sĩ đông y đưa ra lời khuyên: Người dân cần loại bỏ thói quen sử dụng rượu thuốc với các loại dược liệu loại gì cũng ngâm. Nhất là các nam giới coi các loại thảo dược và các dược liệu bổ dương, cải thiện bản lĩnh đàn ông.
Ví dụ như sử dụng các loại rượu thuốc với các dược liệu như: các động vật như hải mã, tắc kè, sừng tê, tam xà, ngọc dương, bìm bịp, trăn, sử dụng nguyên con vật hoặc lấy máu tươi, mật tươi ngâm chung với rượu. Với quan niệm thảo dược không tác dụng phụ và bồi bổ, nhất là vùng miền núi loại thảo dược như: dâm dương hoắc, phá cố chỉ, nhân sâm, sâm quy, hà thủ ô, ngũ gia bì, câu kỷ, đỗ trọng, khi chưa có sự hiểu biết thì khả năng nhận biết các dược liệu này rất có thể nhầm lẫn.
Người du lịch mua rễ cây về ngâm rượu |
Đa số người dân tìm kiếm theo kinh nghiệm nên có thể nhầm các loại rễ cây có độc như cây lá ngón, cây mã tiền, cây hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược. Vì thế, khi ngâm với rượu uống có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể đến quá trình bào chế, bảo quản dược liệu không đúng cách nấm mốc phát triển trên dược liệu. Chính các độc tố sản sinh ra từ nấm mốc (đứng đầu là chất aflatoxin) là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn về lâu dài thì sẽ gây nhiều loại bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư gan.
Bởi vậy, người dân không nên tự ý ngâm và tự sử dụng rượu thuốc nhất là đối với người mắc các bệnh: tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, thần kinh suy nhược không được uống rượu thuốc. Tuyệt đối không uống rượu lúc bụng đói vì nồng độ rượu sẽ lên cao trong máu dễ gây ngộ độc.
Đừng phó mặc tính mạng cho thần chết
Hy vọng, sự việc các trường hợp tử vong do uống rượu ngâm thảo dược, rễ cây có thể cảnh tỉnh cho người dân về nguy cơ ngộ độc rượu ngâm khi sử dụng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, rất nhiều người lầm tưởng tất cả các loại thảo dược, rễ, lá, củ, quả cây trong tự nhiên đều có công dụng chữa bệnh, bổ dưỡng.
Tuy nhiên thực tế đã có nhiều trường hợp uống rượu ngâm với những thảo dược với liều lượng lớn, hoặc uống khi bụng đói, hoặc trong trường hợp người có bệnh lý mãn tính về tim, gan, thận sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí ngộ độc và tử vong. Ngoài ra, còn có các biến chứng gây bệnh như tổn thương não, xơ gan, viêm loét dạ dày, mất trí nhớ là rất dễ xảy ra.
Với các loài cây, rễ cây, lá, hạt có loại có công dụng trị bệnh, có loại có thể gây độc, rất độc. Ngay cả với loại cây, rễ, lá có công dụng chữa bệnh, nhưng nếu không biết dùng, dùng bừa bãi sẽ trở thành độc dược gây chết người.
Ai cũng biết, rượu ngâm thảo dược là một trong số những bài thuốc được nhân dân ta sử dụng từ lâu và có nhiều công dụng cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi chọn thảo dược để ngâm với rượu cần phải rất tỉ mỉ để tránh những mặt trái mà nó gây ra cho sức khỏe con người.
Khi sử dụng đặc biệt phải chú ý đến liều lượng, cách thức sử dụng cũng như phải đúng người, đúng bệnh, không nên sử dụng một cách tùy tiện. Việc dùng rượu ngâm bừa ngâm bãi để dùng, trong khi không có sự hiểu biết và lường trước được các hậu quả tệ hại xảy ra chẳng khác nào phó mặc tính mệnh của mình trong tay thần chết vậy.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo: Mọi người không nên dùng rượu ngâm để bồi bổ cơ thể khi chưa có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý chọn ngâm các loại cây thuốc, rễ cây, củ, quả... khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, khi uống các loại rượu ngâm thảo dược, rễ cây, thân, lá không rõ nguồn gốc, không đúng cách, không đúng bệnh có nhiều khả năng người uống sẽ bị ngộ độc. Dấu hiệu ngộ độc dễ nhận biết đó là nôn ói, đau đầu, chóng mặt, run chân tay, co giật, hôn mê. Nếu phát hiện có các dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Ngâm rượu thuốc đúng cách để không biến thành rượu độc
Theo Đông y, rượu thuốc giúp tăng cường sức khỏe, bổ khí huyết, bổ thận, chữa đau lưng, gai cột sống, thấp khớp, nhức mỏi. Tuy nhiên tâm lý “có gì ngâm nấy” hay ngâm không đúng cách, rượu sẽ có hại cho sức khỏe.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TP HCM, cho biết rượu ngâm thuốc chỉ có giá trị chữa bệnh khi nguồn dược liệu chuẩn, đúng bài, đúng vị. Rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Tùy kinh nghiệm hay sự tư vấn của các dược sĩ, các gia đình có thể ngâm theo cổ phương: bát vị, lục vị… với nhiều bài thuốc với các tác dụng khác nhau.
Rượu ngâm thuốc thường phải có nồng độ hơn 40-45 độ để các dược liệu tiết ra hết chất. Một số loại động vật nếu ngâm với rượu dưới 38 độ sẽ khó tiết ra hết chất bổ. Rượu ngâm thuốc cũng cần chọn lọc kỹ vì nó quyết định chất lượng bình rượu thuốc. Tuyệt đối không dùng rượu không rõ nguồn gốc để ngâm thuốc.
Uống rượu thuốc cũng phải điều độ, mỗi ngày uống một đến 2 lần, mỗi lần 20-50 ml, tức là một ly uống rượu nhỏ. Tùy loại rượu, những loại rượu mạnh chỉ cần uống 20 ml mỗi ngày là đủ, tránh lạm dụng. Rượu thuốc không phải để uống say mà cần điều độ, đều đặn với một liều lượng vừa đủ.