Án văn bản án phúc thẩm mà đương sự nhận được dài 18 trang giấy A4 có nhiều nội dung được thẩm phán chủ tọa thêm, bớt so với bản án tuyên tại tòa phúc thẩm dài khoảng 5 trang giấy A4. Trong phần “sáng tác” thêm, rõ nhất là phần án phí hơn 184,1 triệu đồng và lời trình bày của nguyên đơn…
Trụ sở Cty TNHH Kim Anh |
Án văn khác án tuyên tại tòa
Trong vụ án “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty” xảy ra tại Cty TNHH Kim Anh ở tỉnh Sóc Trăng, nguyên đơn là Tổng Giám đốc Đỗ Ngọc Qúy, bị đơn là các ông bà Hoàng Thị Kim Anh (đã qua đời), Đỗ Ngọc Tài, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương và Dương Việt Trung. Ông Quý khởi kiện yêu cầu tòa án công nhận toàn bộ vốn của cty là do ông góp; năm thành viên khác chỉ là người do ông nhờ đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh để hợp thức hóa thủ tục thành lập cty.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16/5/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên công nhận toàn bộ vốn điều lệ hơn 113,48 tỷ đồng của Cty Kim Anh là do ông Qúy góp; các bị đơn không góp vốn vào Cty nên không phải là thành viên của cty. Thế nhưng, tại phiên phúc thẩm ngày 27/8/2012 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TPHCM do thẩm phán Phạm Công Hùng làm chủ tọa đã đảo ngược án sơ thẩm, tuyên các ông bà Tài, Tươi, Sương, Trung là thành viên Cty Kim Anh.
Đây là một vụ tranh chấp thành viên khá phức tạp, chúng tôi chưa bàn tới nội dung vụ án, tuy nhiên có nhiều bất thường ở cấp xét xử phúc thẩm có thể coi là chuyện lạ pháp đình ở Việt
Trong đơn tố cáo gửi PLVN, ông Quý trình bày: “Đúng 43 ngày tòa phúc thẩm tuyên, tôi mới nhận được Bản án số 226/2012/KDTM-PT của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TPHCM do Thẩm phán chủ tọa Phạm Công Hùng ký. Bản án tuyên tại phiên tòa chỉ khoảng 5 trang giấy A4, tuy nhiên, án văn phát hành dài tới 18 trang với nhiều nội dung bị cắt xén, rất nhiều nội dung được chủ tọa “sáng tác” thêm hoàn hoàn không có trong Bản án tuyên tại phiên tòa”.
Sau khi nghe băng ghi âm bản án tuyên tại tòa do Thẩm phán Phạm Công Hùng đọc, đối chiếu với Bản án số 226/2012/KDTM-PT, chúng tôi nhận thấy đơn tố cáo của ông Quý là có cơ sở. Cụ thể: Từ trang 13 đến 15 của Bản án 226/2012/KDTM-PT ghi rõ 5 đoạn, thể hiện 5 luận điểm để bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bao gồm “thứ nhất” ghi 43 dòng với khoảng 600 từ; “thứ hai” ghi 26 dòng với khoảng 400 từ; “thứ ba” ghi 15 dòng hơn 200 từ; “thứ tư” ghi 10 dòng hơn 150 từ và “thứ năm” 25 dòng với 400 từ. Cả năm đoạn dài gần 3 trang giấy hoàn toàn không có trong bản án tuyên tại phiên tòa.
Tại trang 12 của Bản án số 226/2012/KDTM-PT có nêu lời trình bày của đại diện nguyên đơn rằng: “Cũng tại phiên tòa hôm nay, các đương sự (nguyên đơn, bị đơn) tiếp tục khẳng định rằng, nguyên nhân của sự tăng vốn trên là do quá trình kinh doanh có hiệu quả, nhưng Cty TNHH Kim Anh không chia lãi mà đã nhập lãi vào vốn. Các đương sự cũng khẳng định tại phiên tòa phúc thẩm rằng, ngoài số tiền lãi nhập vào vốn nêu trên, các thành viên của Cty TNHH Kim Anh không nộp thêm tiền hoặc tài sản nào khác để tăng vốn của cty từ 2.868.000.000 đồng lên 113.482.384.700 đồng...”.
Tuy nhiên ông Quý cho biết: “Nguyên đơn không hề trình bày nên không có chuyện “tiếp tục khẳng định” như nội dung trên. Việc bịa đặt lời trình bày của nguyên đơn là vô cùng nghiêm trọng, cố tình xuyên tác diễn biến phiên tòa để áp đặt lời trình bày nhằm có lợi cho một bên. Tôi đã ghi âm lại diễn biến phiên tòa để làm bằng chứng cho việc ghi khống này”.
Có những đoạn thẩm phán “sáng tác” thêm, nhưng có những nội dung có trong băng ghi âm án tuyên tại tòa thì trong bản án đánh máy phát hành lại hoàn toàn không có. Như đoạn: “...Nhưng tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, kể cả nguyên đơn và bị đơn đều không có bất kỳ các chứng cứ khác nào để chống lại bản điều lệ và biên bản ghi điều lệ, biên bản góp vốn mà các đương sự đã thảo luận bàn bạc với nhau trước khi thành lập công ty và cam kết số vốn góp của các bên ghi trong điều lệ...”. Thế nhưng trong bản án phát hành lại hoàn toàn không có.
Chưa hết, bản án được công bố tại tòa có phần xác định trách nhiệm của cá nhân ông Quý chủ tọa đọc một đoạn dài đến 15 dòng chữ; tương tự, phần vốn góp của ông Dương Việt Trung và bà Đỗ Thị Ngọc Sương dài gần 20 dòng nhưng bản án phát hành cũng không hề đề cập đến.
Về án phí, ông Quí cho biết: “Tại phiên tòa, chủ tọa đọc mấy dòng chung chung về án phí, nhưng khi nhận bản án, chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy một con số án phí khổng lồ hơn 184,1 triệu đồng mà Cty Kim Anh phải nộp. Kèm theo là hai đoạn rất dài, nói về án phí được “sáng tác” thêm”.
Có dấu hiệu ra bản án trái pháp luật
Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Nghị quyết 02/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng hướng dẫn: “Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây: a. Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự…b. Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai…, mà phải sửa lại cho đúng.”..
Như vậy trong vụ án này, việc thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm thêm bớt nhiều nội dung bản án sau khi tuyên là rất nghiêm trọng, làm sai lệch bản chất vụ án, có dấu hiệu của hành vi ra bản án trái pháp luật, cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm để cán cân công lý không bị lệch.
Theo khoản 2 Điều 283 Bộ luật Tố tụng dân sự, Bản án số 226/2012/KDTM-PT đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên phải được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Được biết ngày 1/11/2012, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có Văn bản số 941/UBTP13 gửi Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đề nghị xem xét lại vụ án nêu trên. |
Công Lý