Trước đó, họ đã gây được ấn tượng đẹp khi chủ động nhặt rác bên dưới các ghế ngồi trên khán đài sau chiến thắng của đội tuyển Nhật trước đội tuyển Colombia và hòa trước đội Senegal.
Cổ động viên Nhật Bản không chỉ đi xem đội nhà, mà họ với hành động văn hóa đã quảng bá cho quốc gia thịnh vượng và văn minh của mình. Điều này không quốc gia nào là không ao ước.
Ai cũng biết, túi ni lông đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lông được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.
Chính vì thế, thế giới, đặc biệt là những quốc gia nghèo như Việt Nam đang đối mặt với “thảm họa trắng”. Các chuyên gia môi trường cảnh báo “ô nhiễm trắng” - cụm từ các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi ni lông gây ra - đang là nhân tố gây thảm họa môi trường nghiêm trọng. “Ô nhiễm trắng” xảy ra khi con người xử lý túi ni lông đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường… Đây là một thách thức lớn cho môi trường bởi vì với đặc tính ưu việt bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được. Do đó, có thể gây tác động xấu cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước, đại dương.
Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia, Phillippines. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Như vậy, không chỉ vì mình, Việt Nam đã có những cam kết quốc tế.
Để chống lại “thảm họa trắng”, rõ ràng phải kiện toàn các cơ chế chính sách pháp luật về vấn đề hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cũng như tạo điều kiện, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi ni lông thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó; đồng thời phải xây dựng văn hóa “nói không với túi ni lông”.
Chỉ có sự chung tay đồng bộ của cộng đồng xã hội mới góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở Việt Nam. Chúng ta có quyền mơ về hành vi ứng xử văn minh như cổ động viên Nhật Bản.