Australia luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng vì thảm họa cháy rừng quy mô lớn lan rộng từ tháng 9 tới nay, trong khi chính phủ không thể kiểm soát được tình hình. Không chỉ thiệt hại về con người, nhiều loài động vật ở nước này rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.
Hỗn loạn vì thảm họa cháy rừng
Australia đang phải trải qua thảm họa cháy rừng. Tình trạng này vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn khi nhiệt độ tại nước này đã phá vỡ các kỷ lục và dự báo còn tiếp tục tăng. Các đám cháy hiện đã thiêu rụi hơn 56.000 km2 đất, khiến hàng ngàn người phải sơ tán và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thời tiết hanh khô và gió lớn đã khiến hơn 200 đám cháy vẫn đang bùng phát trên toàn bang New South Wales và Victoria. Thống kê cho thấy cho tới nay, cháy rừng đã khiến khoảng 5 triệu hecta đất bị thiêu cháy, ít nhất 17 người thiệt mạng và hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Riêng tại bang New South Wales, thông báo từ Cơ quan Dịch vụ Cứu hỏa nông thôn bang này (RFS) cho biết trong ngày 2/1, có 113 đám cháy vẫn tiếp tục bùng phát trên phạm vi toàn bang, với mức cảnh báo nguy hiểm và cháy nổ ở ngưỡng cao nhất. New South Wales đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 trong vài tháng gần đây. Hai lần trước là vào tháng 11 và tháng 12/2019, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Ngày 2/1, hàng ngàn người đã phải sơ tán khỏi bờ biển phía nam của bang New South Wales.
Trong khi đó, tại khu vực bờ biển phía Nam của bang New South Wales đang xảy ra tình trạng hỗn loạn do rất đông khách du lịch đã đổ về đây nghỉ dưỡng vào dịp Giáng sinh và năm mới, kỳ nghỉ lễ lớn nhất hàng năm. Hàng chục ngàn du khách đã phải sơ tán khỏi các thị trấn ven biển trước nguy cơ cháy rừng lan rộng.
Thậm chí, tình trạng cháy rừng vẫn chưa thể được kiểm soát hoàn toàn khi nhiệt độ tại Australia đã phá vỡ các kỷ lục và dự báo còn tiếp tục tăng vào dịp đầu năm mới. Ngày thứ Sáu trước lễ Giáng sinh đã trở thành ngày nóng nhất tháng 12 ở nước này kể từ năm 1950, với nhiệt độ lên đến 47,9OC tại trạm khí tượng Horsham, thuộc bang Victoria. Hiện tại có thể nói rằng, trên bờ là chảo lửa, dưới biển là “nồi lẩu”, nạn cháy rừng do nắng nóng vẫn tiếp diễn, đe dọa nghiêm trọng đời sống của các loài động vật, bao gồm nhiều loài biểu tượng Australia.
Nhiều động vật bị đe dọa vì hỏa hoạn
Trang Insider.com cho biết, các nhà sinh thái tại Đại học Sydney ước tính có đến 480 triệu động vật có vú, chim và bò sát đã chết trong các vụ cháy rừng trên khắp Australia. Trong đó, có đến 8.000 con gấu Koala cháy thành than vì hỏa hoạn. Các loài động vật khác sống trong khu vực cháy như chuột túi Kangaroo, Wallaby, chồn Possum, gấu túi mũi trần và Echidnas cũng đã không thể sống sót.
Chú gấu Koala “chặn xe” để xin nước uống |
Gấu Koala có nguồn gốc từ Australia và là một trong những loài động vật được yêu thích nhất đất nước, nhưng đã bị đe dọa do mất môi trường sống. Nhưng cháy rừng đã tàn phá bang Nam Australia cũng như bờ biển phía đông lục địa trong ba tháng qua, khiến ít nhất 2.000 con Koala thiệt mạng.
Các tình nguyện viên tại Bệnh viện Koala Port Macquarie, phối hợp cùng Cơ quan Vườn quốc gia và Đời sống hoang dã New South Wales, chữa trị cho những con Koala được giải cứu từ các đám cháy. Tuy nhiên, số lượng cá thể được giải cứu là rất nhỏ so với số lượng bị kẹt trong các khu rừng. Bà Tracy Burgess - tình nguyện viên của Tổ chức thông tin, giải cứu và giáo dục động vật hoang dã -cũng cho biết, không như mong đợi, có rất ít trường hợp động vật cần trợ giúp y tế vì chúng không còn nhiều nữa.
Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley cũng thông tin rằng, có tới 30% gấu Koala sống ở bang New South Wales đã chết trong các vụ hỏa hoạn. Quần thể loài gấu túi quý hiếm này của Australia đã bị ảnh hưởng đáng kể từ khi xảy ra cháy rừng và sự phá hủy môi trường sống. Trước đó, nhiều nhân viên cứu hộ trên khắp đất nước đã chia sẻ video và hình ảnh về những con vật trong tình trạng bị bỏng và mất nước được người dân địa phương chăm sóc và cho ăn.
Ông Mark Graham - Nhà sinh thái học thuộc Hội đồng bảo tồn thiên nhiên chia sẻ, gấu túi Koala không có khả năng di chuyển nhanh đủ để thoát khỏi những đám cháy như lốc lan trên ngọn cây. Các vụ hỏa hoạn đã tàn phá những khu vực rộng lớn vốn là nơi sinh sống của gấu túi. Ông cho rằng sắp tới gấu Koala tại Australia sẽ chứng kiến đợt suy giảm đột biến. “Các đám cháy đã bùng lên rất nhanh và nóng đến mức khiến nhiều động vật không thể chạy thoát và tử vong. Đây là một khu vực có diện tích rộng lớn và hiện tại cháy vẫn đang bùng phát khiến chúng ta không thể tìm thấy xác chúng”, ông Graham nói.
Nhiều loài động vật bị chết do cháy rừng |
Trong phiên điều trần tại quốc hội, ông Graham nhấn mạnh rằng, số động vật chết trong thực tế có thể cao hơn đáng kể. Ông Graham chia sẻ: “Các đám cháy lan rất nhanh, đến nỗi có những con Koala không di chuyển đủ nhanh để chạy thoát. Chúng đã cháy thành than ngay khi ở trên cây. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được thi thể của chúng”.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Môi trường Toàn diện Jeff Angel cảnh báo rằng sự sống còn của loài động vật đang ở mức nguy cấp và thúc giục chính phủ “nỗ lực nhiều hơn và nhanh chóng”.
Phó Giáo sư Dieter Hochuli cho biết, không chỉ loài nổi tiếng như Kanguru và Koala, các loài côn trùng cũng chịu ảnh hưởng lớn. Không thể tưởng tượng những quần thể và hệ sinh thái sẽ phục hồi thế nào. Nhiều loài thực vật được cho đã biến mất hoàn toàn. “Lửa là một phần tự nhiên của hệ sinh thái Australia và nhiều loài thực vật, động vật của chúng ta thích nghi với điều này. Tuy nhiên, sự thay đổi về tần suất và cường độ của các đám cháy có thể ảnh hưởng lớn đến động vật hoang dã. Chúng tôi nhìn thấy rằng nguy cơ động vật tuyệt chủng tăng theo cấp số nhân trong bối cảnh số lượng đang ngày một giảm xuống, gây ra mối lo ngại cho tương lai”, Hochuli nói.
Số lượng động vật tuyệt chủng gia tăng |
Không chỉ trên rừng, những động vật ở dưới biển cũng đang nằm trong tình trạng báo động vì nắng nóng. Những thập kỷ gần đây, tốc độ ấm lên của biển ngoài khơi Tasmania, bang cực Nam của Australia và là cửa ngõ vào Nam Cực, đã tăng lên gần 4 lần mức trung bình toàn cầu, các nhà hải dương học cho biết. Theo dữ liệu từ Trung tâm Hadley, cơ quan nghiên cứu của chính phủ Mỹ về sự thay đổi khí hậu, một phần bờ biển phía đông của Tasmania đã ấm lên gần 2 độ C.
Từ đó, hơn 95% tảo bẹ khổng lồ - loại tảo cao gần 10m là nơi sinh sống của một số sinh vật biển hiếm nhất trên thế giới - đã chết. Tảo bẹ khổng lồ từng có mặt ở khắp dài bờ biển phía đông của Tasmania. Giờ đây, chỉ còn một mảng tảo bẹ nhỏ gần Southport, cực nam của hòn đảo, nơi nước lạnh hơn.
Vùng nước ấm lên ở Tasmania không chỉ giết chết tảo bẹ khổng lồ mà còn biến đổi cuộc sống của động vật biển. Các loài sống ở nước ấm đang bơi về phía nam, nơi mà chúng không thể nào sống sót vài năm trước. Cá thu vua, nhím biển, động vật phù du và thậm chí cả vi khuẩn từ những vùng ấm hơn hiện chiếm lĩnh các vùng nước gần Nam Cực.
Thậm chí, theo nghiên cứu được biên soạn bởi Giáo sư Gretta Pecl tại Đại học Tasmania, tảo độc nở hoa nơi tảo bẹ khổng lồ từng nở rộ. Bào ngư có chất lượng kém dần. Loài bạch tuộc Maori có màu sắc rực rỡ đang được thay thế bằng loài bạch tuộc tối màu phổ biến ở vùng biển gần Sydney. Một con rắn biển bụng vàng có độc vốn sống ở vùng nước ấm đã di cư đến khu vực này…