Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tiến sỹ Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. Với tinh thần đó, ông Bình cho rằng việc trao đổi ý kiến, làm rõ các vấn đề liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường có ý nghĩa quan trọng, qua đó giúp cho công chúng, giới học giả và các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về mục tiêu, cơ hội và các vấn đề trong triển khai Sáng kiến. Từ đó, hai bên có thể cùng thúc đẩy hợp tác nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, phát triển ổn định và đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng trong khu vực.
Cũng tại phiên khai mạc, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Doãn Hải Hồng nêu rõ mục tiêu quan trọng hàng đầu của “Vành đai và Con đường” là thúc đẩy cơ sở hạ tầng khu vực hoàn thiện hơn nữa, đầu tư thương mại tiện lợi hơn nữa, giao lưu con người thông suốt hơn nữa. Theo bà Hồng, Việt Nam hiện là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc nên Sáng kiến trên sẽ tạo ra cơ hội hợp tác mới cho 2 bên.
PGS.TS Phùng Thị Huệ từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Sáng kiến có sức hấp dẫn rất lớn với các nước và nếu đứng ngoài cuộc, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội phát triển do chuỗi hệ thống giá trị khu vực, toàn cầu đưa lại. Theo bà Huệ, dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết hiệp định hợp tác “Vành đai, Con đường” nhưng trên thực tế có nhiều lĩnh vực mà 2 bên có thể xúc tiến trong thời gian tới, trong đó có tăng cường và cải thiện hợp tác kinh tế biên giới Việt – Trung và cải thiện cục diện đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam.
Nhất trí với những tiềm năng to lớn mà Sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể đưa đến nhưng PGS. TS Đặng Hoàng Linh – Học viện Ngoại giao cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải cẩn trọng khi tham gia Trong đó, ông Linh cho rằng Việt Nam cần cẩn trọng với vấn đề nợ công bởi việc tham gia vào sáng kiến này đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ phía Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cho các dự án đầu tư. Trong khi đó, với hình hình nợ công trong mức đáng chú ý như hiện nay, đặc biệt là phần lớn trong số đó là nợ từ phía chính phủ, các rủi ro về nợ công có thể trở thành khủng hoảng, có nguy cơ khiến Việt Nam dễ dàng rơi vào tình huống phụ thuộc vào các nước khác, chịu sức ép từ phía ngoài.
Một thách thức khác cũng được PGS. TS Đặng Hoàng Linh chỉ ra là các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường từ các nước khác trên thế giới đã cho thấy rằng khoảng 70% các dự án đều rơi vào tay các công ty Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc hay nhân công nước họ. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc mang theo lao động quốc gia họ sang quốc gia bản xứ để lao động cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ”, ông Linh cảnh báo. Thách thức thứ 3, theo ông Linh, Việt Nam cần chú tâm tới vấn đề chất lượng các dự án được Trung Quốc đầu tư, điển hình như Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Còn TS. Phạm Sỹ Thành thì lưu ý về sự xuất hiện các hoạt động của Trung Quốc trên diện rộng tại các công trình trọng điểm đặt ra những thách thức về quản lý và tạo ra xung đột văn hóa với cộng đồng người Việt Nam.