Cứ mỗi dịp cuối năm, xã hội lại rộn lên những tranh cãi quanh chuyện nên bỏ Tết hay không. Người trẻ và cả người không còn trẻ nhưng vẫn chưa già thì muốn tết tây thay tết ta, để mỗi năm chỉ ăn tết một lần cho tiết kiệm, đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc và đỡ cả tai nạn giao thông. Ngược lại, đa phần người già tất nhiên là không đời nào đồng ý, vì với họ Tết là điều gì đó thật thiêng liêng chứ không phải chỉ chuyện ăn ăn, uống uống
Với tôi mặc cho thiên hạ tranh cãi, tôi vẫn có Tết của riêng mình, cho dù Tết tây hay Tết ta.
Tết tây đó là khoảng thời gian từ những ngày đầu tháng 12 – tháng cuối cùng của năm. Bóc tờ lịch đầu tiên của tháng 12, tâm trạng bỗng dưng nặng trĩu như khi biết rằng mình sắp chia tay một người thân không bao giờ gặp lại.
Một năm dù vui, dù buồn, dù chẳng làm được gì hay đơn giản chỉ là sống đúng như những gì mình muốn, sắp qua đi. Ấm nồng hay lạnh lẽo cũng là 365 ngày gắn bó, nên nghĩa nên tình bởi vậy phút chia tay cũng đầy hoài cảm, như những người yêu cũ, tình đã chết những tim vẫn quặn lên một nét đau khi lướt thấy bóng nhau trên phố.
Tết tây cũng có cái hay của nó khi năm tháng là thời gian thực, thời gian của công việc, học hành, khi âm nhạc nô nức kéo dài từ lễ Giáng sinh cho đến giao thừa, khi ca khúc “Happy new year” của ban nhạc ABBA mãi trường tồn với thời gian lại vang vang trong từ ngõ ngách…
Nhiều người nói người Việt mình ăn Tết ta rườm rà, tốn kém, tệ nạn nhiều hơn niềm vui. Với tôi, nói như vậy là chưa hiểu hết Tết. Với tôi, Tết ta là quãng thời gian từ ngày 23 tháng chạp cúng ông Công ông Táo cho đến hết giờ phút giao thừa. Đó là những giây phút sống trong hy vọng, nỗi niềm khi nhìn ngọn lửa hóa vàng liếm dần bộ quần áo Táo ông, Táo bà, khi chú cá chép lách nhẹ qua kẽ tay để về với nước. Nỗi niềm của năm cũ, ân hận có, tiếc nuối có, hy vọng một năm mới sẽ không dẫm vào bước cũ, ngày rộng tháng dài sẽ hạnh phúc hơn… Tất cả điều đó người trần những mong Táo công thấu hiểu
Đó là những giây phút cả gia đình quây quần đưa nhau đi lên thăm mộ ông bà tổ tiên rồi trở về dọn dẹp nhà cửa, ban thờ tiên tổ. Công việc có mệt mấy, đường xá có xa mấy, thời tiết có nóng hay lạnh mấy, cũng không là gì cả vì tình thâm máu mủ. Ông bà hồi tưởng chuyện con cái cháu chắt ngày ấu thơ, anh chị em kể lại những mối “hiềm khích” với nhau khi còn là lũ trẻ, cháu chắt giỏng tai hóng chuyện người lớn rồi cười khúc khích với nhau “hóa ra ông bà, bố mẹ, cô chú mình cũng bé”.
Đó là sáng cuối năm từ ô cửa sổ nhìn ra phố thấy thời gian chầm chậm trôi qua, dù ngoài kia nhịp đường đang hối hả. Chầm chậm cũng phải thôi vì chẳng ai muốn chia tay với tuổi trẻ, với người thân yêu, với những nỗi niềm năm cũ dù vẫn biết rằng thời gian là khó cưỡng. Cưỡng sao được khi hương trầm đã phảng bay trong gió, hương lá mùi tẩy trần thoảng đâu đây và bóng ai đang lúi húi châm thêm củi vào nồi bánh chưng đã bắt đầu tỏa khói…
Thế đấy, Tết tây hay Tết ta tết nào hơn – câu trả lời sao mà khó. Nhưng có một điều chắc chắn là sẽ chẳng có Tết nào quan trọng cả khi mà lòng mình không có Tết!