Kín khách, giá tăng cao
Đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nôi) là điểm tập kết nhiều nhất điểm kinh doanh dịch vụ này, song hiện tại chỉ còn rất ít điểm còn xe.
“Bây giờ đặt thì chỉ còn xe Gatez hoặc Morning đời 2008-2009, không còn xe 7 chỗ, cửa hàng nào ở đây cũng thế. Vài ngày nữa ra đây thì cộng thêm cả triệu bạc cũng không có xe” - Linh (chủ một cửa hàng cho thuê ô tô tự lái) nói rồi hối thúc: "Nếu thuê anh đặt trước cho em 5 triệu, nhận giấy biên nhận, mấy hôm sau ra làm hợp đồng".
Nhu cầu tăng cao dịp tết khiến dịch vụ này bị đẩy giá (Ảnh: QM) |
Khảo sát tại các điểm cho thuê xe trên đường Đê La Thành, Kim Mã, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi… hiện xe cho thuê dịp tết đã kín khách đặt. Mức giá dao động từ 700-1.200.000 đồng/ngày cho dòng xe 4 chỗ; 1triệu đến 2.500.000 đồng/ngày cho dòng xe 7 chỗ (tùy hãng xe).
Dòng xe được khách thuê phổ biến là từ 4-7 chỗ ngồi với mức giá từ 700-1.500.000 đồng/ngày, với các loại xe chủ yếu là Inova, Fortuner, Zinger (loại xe 7 chỗ); Morning, Gatez, Vios, Civic (xe 4-5 chỗ).
“Bạn phải có chứng minh thư, hộ khẩu bản gốc, xe máy kèm đăng ký có giá trị từ 20 triệu trở lên; phải đi tối thiểu 7 ngày, đặt cọc một nửa số tiền thuê. Sau ngày hẹn không đến làm hợp đồng coi như mất số tiền đó, giá thuê càng gần tết sẽ càng tăng” - chủ một cơ sở cho thuê xe hướng dẫn.
"Dịp tết, nhiều gia đình lên kế hoạch về quê và đi du xuân nên giá thuê thường được đẩy lên tăng gấp rưỡi, có khi gấp đôi so với ngày thường” - anh Tiến, chủ gara ô tô trên đường Phạm Hùng, nhận định.
Những điều người thuê xe phải nhớ
Theo những người thuê xe có kinh nghiệm, nếu không cẩn thận, người thuê xe sẽ gặp vô số những rắc rối. Trước hết, nên chọn gói dịch vụ và loại xe phù hợp với mục đích sử dụng: Dự tính quãng đường xa hay gần, dễ hay khó đi để thuê loại xe phù hợp; chọn gói dịch vụ thuê xe tính theo ngày hay km, nếu thuê theo ngày nhưng hạn chế km thì phải chú ý đến việc tính giá km phụ trội.
Tham khảo nhiều nơi cho thuê, hoặc hỏi người đã từng có kinh nghiệm thuê xe.
Đặc biệt lưu ý kiểm tra kỹ tình trạng xe từ các vết xước, phụ tùng đến máy móc trước khi nhận xe; kiểm tra thời hạn lưu hành và giấy tờ xe. Bên cạnh đó, cần chủ động kiểm tra số km hiện tại, tình trạng xăng, dầu máy, độ căng và mài mòn của lốp, tình trạng phanh...
Có thể đánh dấu một số phụ tùng để tránh bị cho là tráo đồ.
“Để tránh những sự cố, người thuê có thể nhìn biển đăng ký sao cho không thuê phải xe quá cũ, “nát” và nên thử lái một đoạn. Sau khi hoàn thành công tác kiểm tra xe và giấy tờ, người thuê nên lập biên bản với chủ xe để xác định tình trạng xe một cách rõ ràng trước quá trình giao nhận” - anh Hưng, người có kinh nghiệm thuê xe, hướng dẫn.
Một luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết những khiếu nại, tranh chấp liên quan đến việc thuê xe xảy ra phần thiệt thòi luôn thuộc về người thuê.
Năm 2012, luật sư này nhận bảo vệ cho một thân chủ bị Cty cho thuê xe kiện. Trong hợp đồng ghi rõ khách thuê phải bảo toàn toàn bộ cho chiếc xe khi giao trả nhưng xe đi được hơn hai ngày thì xe bị bó máy, cong tay biên và chủ xe sửa hết hơn 10 triệu đồng.
“Khi trả xe thân chủ tôi thông báo, Cty cho thuê xe không những không chia sẻ bảo hiểm mà còn bắt bồi thường vì tự ý bổ máy xe” - luật sư này kể, đồng thời cảnh báo người thuê xe không nên chủ quan.