Nhiều năm nay, người dân sống dọc đường An Dương Vương chạy qua quận 6, 8 và Bình Tân vô cùng bức xúc trước sự xuống cấp nghiêm trọng của con đường gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi đường.
Lật xe, té ngã như cơm bữa
Dù mưa hay nắng, quanh năm tuyến đường này vẫn có những chiếc ao vũng sâu 20 đến 40cm đầy nước và cảnh xe tải, xe máy bị lật hay té ngã đã trở nên quen thuộc. Một tài xế xe tải than: “Dù quen đường, nhưng hố quá sâu, lại dày đặc, nước phủ đầy nên chẳng biết đâu mà lường nên đã có lần xe tôi bị lật nghiêng. Còn với những tài xế chưa quen thì như người mù, xe lên bờ xuống trũng là chuyện thường…”.
Xe cộ qua lại cứ phải lên bờ xuống ruộng với con đường đau khổ.
Với những hộ dân có những ổ voi trước mặt thì thường xuyên chịu sự tra tấn của tình trạng nước tràn ngập vào nhà lênh láng. “Mỗi khi xe tải đi qua là cả gia đình tôi lại hì hục tát nước ra, quét dọn chùi bùn không biết bao nhiêu lần. Không biết mấy ông làm ăn thế nào mà đường hư hỏng mãi chẳng ai chịu làm lại”, Chủ một tiệm tạp hóa bức xúc.
Vào mùa mưa, nước cứ băng kín hết mặt đường chẳng biết đâu mà lần mò. Người qua đường cứ lao bậy lao bạ giữa biển nước và xe hết lên lại xuống rồi chết máy. Hầu như ngày nào trên tuyến đường này cũng có xe bị té. Người dân cho biết nhiều hôm phụ huynh chở con đi học qua đoạn này bị sa bánh xuống hố sâu làm cả phụ huynh lẫn học sinh nằm xoài dưới vũng nước khiến bao nhiêu sách vở, quần áo ướt hết sạch. Thậm chí nhiều người bị “sứt dầu mẻ trán” vì con đường đau khổ này.
Cho đến bây giờ, chị Phạm Thị Dung ở quận 8 vẫn chưa hết bàng hoàng sau lần chở con đi học: “Hôm đó, tôi chở con đi học, xe cứ chen chúc, mà đường thì toàn hố là hố, không biết đi lối nào. Dù rất cẩn thận, nhích từng chút một, nhưng do trời nhá nhem 2 xe đi trước lao xuống hố làm văng 2 đứa nhỏ ngồi sau. Chúng bị trầy xước hết mặt mày chân tay, xe tôi đi sau theo quán tính cũng ngã nhào vào đó luôn. Đứa con ngồi sau té xuống đường thì bị 2 xe sau đè lên, may mà đi chậm, mọi người hỗ trợ kịp không thì... Từ đó tới nay, tôi không còn dám đưa con đi học, mà phó mặc cho ông xã”.
Dân khổ đến bao giờ?
Thời gian qua các phường có tuyến đường chạy qua đã có nhiều kiến nghị gửi cấp trên xem xét giải quyết. Thế nhưng tất cả đều rơi vào quên lãng. Mặc dù vẫn có tu bổ bằng đổ đá dăm, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì đâu lại vào đó. Mong sao cấp trên sớm có biện pháp nhằm giúp người dân yên tâm trong đi lại.
Dù nguy hiểm, nhưng mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại trên tuyến đường này. Thế nhưng không có một biển báo nguy hiểm nào được bên giao thông cắm để cảnh báo, do đó xe cứ ngã, người cứ nhào là chuyện đương nhiên. Người dân biết nguy hiểm nên dùng nhiều cách để cảnh báo người qua lại. “Chúng tôi thay nhau treo những chiếc lốp xe hon đa hỏng, cắm một vài cành cây, thậm chí có lúc còn làm tấm biển “Ao cá không được câu” ... nhưng do xe cộ qua lại nhiều quá, nhất là xe tải đi qua làm trúc hết. Giờ thì chẳng biết phải làm sao. Chỉ còn cách nhờ mấy ông giao thông sớm làm lại tuyến đường để bà con được nhờ”. Một người dân ngán ngẩm.
Nguyên nhân dẫn tới tuyến đường hư hỏng rất trầm trọng như vậy là do toàn tuyến này không có hệ thống thoát nước nên nước tù đọng quanh năm làm cho sụt lún, và nhanh hư hỏng. Nguyên nhân thứ hai là do triều cường dâng làm ngập, và một nguyên nhân quan trọng đó là mỗi ngày với hàng trăm chiếc xe tải lưu thông đã gây nên tình trạng xuống cấp nhanh chóng của con đường này.
Không biết đến bao giờ hàng ngàn hộ dân sống trên con đường này sẽ không còn thấy cảnh người đi đường qua lại bị té ngả, nước tràn ngập vào nhà… Câu hỏi không ai trả lời được và chắc chắn người dân nơi đây vẫn còn chịu khổ dài dài.
Ngọc Quý