Tính ra, trong tổng số vốn bố trí và huy động đã lên đến 64 nghìn tỷ đồng, bằng 1/6 tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng như: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14, 19, 20, 28), các cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa được thông suốt, nhanh chóng.
Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ Tây Nguyên có tổng chiều dài 39.812 km, chiếm 7,33% của cả nước, tỷ lệ được “cứng hóa” đạt 44,72%; toàn vùng đã có 143/600 xã đạt tiêu chí về giao thông, chiếm 23,8%. Nhờ tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông, Tây Nguyên đã thu hút được các nguồn lực đầu tư; phát triển phương tiện, các loại hình và phương thức vận tải; năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên đã tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.