Quảng Ninh đã tập trung xây dựng các mô hình Dân vận khéo trong vận động cán bộ, đảng viên nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Nhất là phát triển các mô hình kinh tế theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo điều kiện để người dân có việc làm ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao.
Trong năm 2018, toàn tỉnh có 592 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế của các địa phương đăng ký triển khai, trong đó có 187 mô hình đã được công nhận. Tiêu biểu như các mô hình của Hội Nông dân các cấp vận động hội viên, nhân dân tham gia phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu phù hợp với điều kiện địa phương; các mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế gia trại, trang trại, xây dựng và nhân rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất triển khai hiệu quả.
Mô hình trồng cây dong riềng ở huyện Bình Liêu |
Điển hình là mô hình “Vận động, hỗ trợ hội viên và nhân dân vay vốn phát triển kinh tế” của Hội Nông dân TX Đông Triều đã kết nối được nguồn vốn của Ngân hàng NN&PTNT cung cấp vốn vay cho hội viên, nông dân có nhu cầu vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ các thủ tục hồ sơ đơn giản để hội viên có thể tiếp cận nguồn và vay vốn. Qua đó đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho các hộ nông dân được đầu tư phát triển sản xuất tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 1,25% (năm 2017), xuống còn khoảng 0,78% (năm 2018), góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo động lực lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thị xã.
Mô hình “Khéo vận động hội viên, nông dân trồng thâm canh cây dong riềng” của Hội Nông dân xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, đã vận động hội viên, nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém năng suất sang trồng thâm canh cây dong riềng đã phát huy hiệu quả sản xuất. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi nhận thức, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương.
Mô hình sản xuất mắm truyền thống ở huyện đảo Cô Tô |
Hay như mô hình “Khéo trong công tác vận động hội viên thành lập tổ hội sản xuất nước mắm truyền thống” của Hội Nông dân thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô. Mô hình đã xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm địa phương mang tên nước mắm đặc sản Cô Tô với quy mô, sản lượng trên 100.000 lít/năm, góp phần tiêu thụ triệt để nguồn thủy sản do bà con ngư dân đánh bắt và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Với sự vào cuộc của các cấp, các địa phương, đặc biệt là Ban Dân vận, đã tạo động lực để vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.