Tăng giá viện phí, nhiều người bệnh không biết, không quan tâm?
Dù các phương tiện thông tin đại chúng cũng như lãnh đạo các bệnh viện (BV) cho biết đã truyền thông rất nhiều lần cho bệnh nhân và người nhà của họ, tuy nhiên, “người trong cuộc” vẫn rất ngơ ngác khi được hỏi về thông tin này.
Vừa lơ ngơ ngó nghiêng dòng người qua lại khu vực khám bệnh tại BV Nội tiết Trung ương, bác Đào Văn Long (74 tuổi) ở Đông Anh, Hà Nội cho phóng viên biết, bác đưa vợ đi khám tổng quát trước khi phẫu thuật tuyến giáp. Cũng bởi vợ bác thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ gần như toàn bộ viện phí nên bác chả quan tâm đến việc tăng hay điều chỉnh viện phí. Bản thân bác cũng có bảo hiểm y tế (BHYT) hưu trí, nhưng chưa bao giờ bác dùng đến tấm thẻ này vì khám bên ngoài vừa nhanh vừa tiện, “hơi đâu vào BV chầu chực khám mất thời gian, thuốc thang thì không đảm bảo…”.
Bó gối ngồi chờ trước khu đóng tiền hút dịch BV Nội tiết Trung ương, bác Nguyễn Thị Nga (63 tuổi) ở Nam Sách, Hải Dương cũng cho hay, bác bị suy tuyến giáp phải hút dịch nhiều năm nay rồi. Bình thường bác khám và hút dịch ở dưới quê (BV Đa khoa tỉnh Hải Dương). Hiện, bác đang ở Hà Nội trông cháu nội nên đến đây khám và hút dịch cho tiện.
“Bệnh của tôi không mấy phức tạp và chi phí cũng không nhiều nên tôi không để ý đến viện phí. Tôi cũng láng máng nghe ti vi nói về tăng viện phí, nhưng bao giờ tăng và tăng như thế nào tôi không biết cụ thể. Kể ra chuyển được bảo hiểm lên đây thì cũng đỡ, nhưng thủ tục lằng nhằng lắm. Thôi thì khám tự nguyện cho nhanh” – bác Nga chia sẻ.
Cả hai vợ chồng đều đóng BHYT tự nguyện nhưng chưa bao giờ dùng đến. Càng không có cơ hội dùng đến tấm thẻ này khi rủ nhau đi khám hiếm muộn – anh Lê Văn Soái (34 tuổi), quê Triệu Sơn, Thanh Hóa cho phóng viên hay.
Theo tâm sự của anh Soái, anh lấy vợ 6 năm nay rồi nhưng chờ mong mãi mà chưa có mụn con. Cực chẳng đã hai vợ chồng đành gác hết mọi việc, rút tiền tiết kiệm bắt xe về Thủ đô khám bệnh. Ba ngày chầu chực chờ khám, xét nghiệm hết chỉ số này này đến kỹ thuật kia, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, công sức, cuối cùng bác sỹ kết luận vô sinh không rõ nguyên nhân và hẹn lần sau ra khám lại.
Kiểm soát chặt chẽ, tránh lạm dụng dịch vụ
Thực tế trên cho thấy không ít người dân vẫn không biết gì về chủ trương tăng giá viện phí cũng như không mấy quan tâm đến vấn đề này. Câu hỏi tăng giá viện phí liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng trước thực trạng người dân vẫn “né” dùng thẻ BHYT.
Khẳng định viện phí tăng sẽ kéo theo lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật là hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo phân tích của các nhà quản lý Quỹ BHYT, khi viện phí được tính đúng, tính đủ, nghĩa là Nhà nước sẽ không còn bao cấp nữa, các BV sẽ có xu hướng tăng nguồn thu.
Muốn vậy, họ sẽ phải tăng cường các kỹ thuật, xét nghiệm để thu hồi vốn nhanh, hoặc lách luật bằng cách tăng số bệnh nhân phải vào điều trị nội trú để thu thêm tiền giường nằm; kéo dài chăm sóc sau phẫu thuật…
Bởi vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội không tránh khỏi lo lắng Quỹ BHYT sẽ bị mất an toàn khi phải chi cho các dịch vụ y tế bị lạm dụng này. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền cũng như sự an toàn của người bệnh.
Để tránh các nguy cơ này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phải áp dụng một hệ thống thông tin để nhận diện sai phạm. Theo đó, các trường hợp nghi ngờ bị lạm dụng sẽ được xem xét và thẩm định một cách kỹ lưỡng và sẽ từ chối thanh toán nếu phát hiện có sự bất minh. Hiện tại, đại diện cơ quan này cho biết, qua xác minh các cơ sở y tế tỏ ra vẫn cẩn trọng trong việc chỉ định xét nghiệm.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội vẫn đề nghị Bộ Y tế cần thiết phải ban hành Quy chuẩn trong khám chữa bệnh, có thể quy định tối đa một ngày khám được bao nhiêu người bệnh/bàn khám, tối đa bao nhiêu ca siêu âm, xét nghiệm/máy để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh và thuận lợi cho cơ quan BHYT khi thanh toán.
Về phía mình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc BV thu tiền của người bệnh cũng như lạm dụng trong việc xét nghiệm để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và sự an toàn của Quỹ BHYT./.