Tăng mức đóng BHYT đối với HSSV: Bảo hiểm y tế nói gì?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Những ngày qua, cả học sinh và phụ huynh như “phát sốt” khi đón nhận thông tin mức đóng bảo hiểm y tế đột ngột tăng gấp 1,5 lần ngay từ những ngày đầu năm học. Vì sao lại có sự tăng này? Phụ huynh đã mua bảo hiểm thân thể cho con thì có bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế nữa  không? Việc tăng mức đóng có đồng nghĩa với tỷ lệ tăng mức thụ hưởng cho bệnh nhân? 
Những vấn đề này sẽ được Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm giải đáp trong cuộc trao đổi nóng với Pháp luật Việt Nam. 
Ông Khảm cho biết: “Việc tổ chức thu – đóng bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các đối tượng tham gia BHYT trong đó có học sinh, sinh viên (HSSV) đã được Bộ Y tế và Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 41/2014/TTLT-BYT-BTC và Thông tư 16/2015/TTLT-BYT-BTC sửa đổi Khoản 5 Điều 13 Thông tư số 41). Theo hướng dẫn mới này, việc thu BHYT sẽ thực hiện thu theo năm tài chính, nghĩa là sẽ tính từ ngày 1/1 cho đến hết tháng 12 của năm đó, thay vì trước đây chúng ta thu BHYT của HSSV theo năm học.
Sở dĩ có cách thay đổi này là do HSSV thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, như thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số…Các đối tượng này được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng theo phương thức hỗ trợ chung của Nhà nước, và để đảm bảo sự thống nhất phải chuyển sang thu theo năm tài chính”. 
Vậy việc tổ chức thu - đóng BHYT sẽ thực hiện như thế nào để tạo thuận lợi cho người tham gia, thưa ông?
- Khi chúng ta bắt đầu thực hiện quy định mới này sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kể từ nay cho đến hết ngày 31/12/2015. Vì vậy để giảm thời gian trong các thủ tục hành chính, có trường đã thu luôn 3 tháng cuối của năm nay và 12 tháng của năm 2016, tức là thu cho 15 tháng. Việc thu như vậy vô tình đã tạo nên áp lực ban đầu cho các bậc phụ huynh khi phải đóng nhiều khoản tiền đầu năm học cho con. Nhưng chúng ta cũng có giải pháp để khắc phục, bởi BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn chung là việc tham gia BHYT có thể đóng theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm. 
Việc thu 15 tháng chỉ áp dụng đối với học sinh lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất. Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thì thẻ BHYT sẽ tính từ ngày 1/1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.
Thẻ chỉ có giá trị theo thời gian đóng bảo hiểm y tế
Trường hợp sau khi HSSV đã nộp tiền (6 tháng hoặc 9 tháng) và đã được cấp thẻ BHYT, nhưng hết thời gian này các em lại không tiếp tục đóng tiền cho những tháng tiếp theo thì xử lý ra sao?
- Theo quy định của pháp luật thì HSSV thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc và pháp luật cũng quy định thẻ BHYT có giá trị theo thời gian đóng. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục của chúng ta có sự tuân thủ kỷ luật rất chặt chẽ; việc nhắc nhở, vận động các em tham gia BHYT tôi nghĩ là không có nhiều khó khăn đối với các thầy cô và cha mẹ học sinh. Ngay cả trong trường hợp  thấy không yên tâm với việc thu - đóng BHYT thì chúng ta có thể phát hành thẻ BHYT cho 3 tháng cuối của năm 2015, sang năm 2016 chúng ta sẽ tiếp tục thu, có thể là 6 tháng hoặc 1 năm đều được, chỉ có điều làm như vậy sẽ mất thời gian cho cả hai phía. Và tôi nhấn mạnh, thẻ chỉ có giá trị theo thời gian đóng BHYT.
Thưa ông, một số phụ huynh đã mua bảo hiểm thân thể cho con thì có bắt buộc phải tham gia BHYT nữa  không?
- Như tôi đã nói, BHYT là loại bảo hiểm mang tính xã hội và bắt buộc mọi đối tượng phải tham gia. Đó vừa là quyền lợi của bản thân đồng thời cũng là trách nhiệm đối với xã hội. Hơn nữa, đối với bảo hiểm thương mại thì cách thức đóng và việc thụ hưởng quyền lợi cũng khác với BHYT. BHYT HSSV được Nhà nước ấn định mức đóng phù hợp nhưng quyền lợi thụ hưởng lại rất rộng, bệnh nhân sẽ hưởng theo nhu cầu bệnh tật chứ không ấn định mức thụ hưởng là bao nhiêu như các loại bảo hiểm thương mại khác. 
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm 
Không có quyền lựa chọn
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc tham gia BHYT đối với HSSV là không hiệu quả; bởi có khi trong suốt cấp học phổ thông, con họ chẳng bao giờ dùng đến thẻ BHYT. Họ muốn lựa chọn một hình thức bảo hiểm thiết thực hơn. Ý kiến của ông như thế nào?
- Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách đầy đủ và toàn diện. Theo đó, luật quy định bắt buộc mọi đối tượng phải tham gia BHYT, cho nên ở đây không thể nói chuyện thích hay không thích. Thứ hai, các vị phụ huynh  phải thấy rằng cho con mình tham gia BHYT sẽ có nhiều cái lợi trong việc khám chữa bệnh. Vì chẳng may nhà nào có con bị bệnh mà có những chi phí điều trị lên đến vài trăm triệu đồng, nếu không có BHYT thì gia đình dễ rơi vào cảnh khánh kiệt, điều này đã được khẳng định trong thực tế. 
Trường hợp nếu con cái khỏe mạnh và không cần dùng đến thẻ BHYT thì đó là điều đáng mừng, bởi chúng ta không ai mong muốn tham gia BHYT là để đi khám chữa bệnh cả, chỉ mong rằng nếu chẳng may ốm đau thì có quỹ BHYT cùng chi trả. 
Theo tôi, tham gia BHYT vừa là tuân thủ những quy định của pháp luật vừa thể hiện sự chia sẻ trong cộng đồng, mình không dùng đến thì có nhiều người khác đang ốm đau cần dùng đến. Điều đó thể hiện tinh thần nhân văn cao cả và tính xã hội lớn lao mà chúng ta đang muốn truyền tải cho thế hệ trẻ.
Việc tăng mức đóng BHYT có đồng nghĩa với tỷ lệ tăng mức chi trả cho bệnh nhân không, thưa ông?
- Một trong các lý do để Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT là quyền lợi hưởng BHYT của người bệnh, mà theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì quyền lợi  này được mở rộng khá nhiều. Thứ nhất là về mức hưởng BHYT, chẳng hạn đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, trước đây phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh thì đến nay được hưởng100%; đối với hộ cận nghèo, trước đây chỉ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh thì hiện nay được hưởng 95%...
Thứ hai, phạm vi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật của người bệnh cũng được mở rộng hơn. Trước đây người bệnh sẽ không được quỹ BHYT chi trả cho các loại bệnh như tổn thương thể chất và tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, tai nạn lao động, điều trị tật khúc xạ ở mắt (như lác, cận thị)…thì nay đều đã được quỹ BHYT chi trả. Một quyền lợi nữa đó là cách thức mở thông các tuyến điều trị theo lộ trình cũng tạo cơ hội cho việc tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn cho mọi đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, kỹ thuật  y khoa trong điều trị bệnh cũng liên tục được cập nhật và ứng dụng vào Việt Nam, kể cả các công nghệ bào chế thuốc mới. Nói như vậy để thấy rằng quyền lợi người bệnh tham gia BHYT ngày càng được đảm bảo.
Được biết, đối với BHYT của HSSV sẽ có một phần kinh phí trích lại cho phòng y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Nhưng hiện tỷ lệ phòng y tế học đường tại các trường rất thấp, vậy đối với nguồn kinh phí bớt lại mà những trường không có phòng y tế học đường thì sẽ về đâu?
- Đúng vậy, quyền lợi hưởng BHYT của HSSV có hơn các đối tượng khác ở chỗ: quỹ BHYT được trích lại một phần (7%) để thực hiện khám chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các HSSV ngay tại các trường học. 
Tuy nhiên, với những trường không có y tế học đường thì có thể có các phương thức thực hiện như sau: đối với trường có điều kiện thì sẽ tự đứng ra nhận quỹ này để thực hiện việc khám chữa bệnh ban đầu cho HSSV. Đối với trường không có điều kiện thì có thể liên kết với một cơ sở y tế gần nhất, đặc biệt là trạm y tế xã, để thực hiện nhiệm vụ này. Đây cũng là một xu thế nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em HSSV được đầy đủ và toàn diện hơn.
Trân trọng cám ơn ông!
Phụ huynh ngỡ ngàng 
Chị Nguyễn Thị Lý ở TP.Thái Bình (Thái Bình) chưa hết bất ngờ khi nhận được thông báo mức thu tiền BHYT năm học 2015-2016 gần 544 nghìn đồng/học sinh/15 tháng, trong khi năm học trước mức thu BHYT chỉ là 289.800 đồng. Chị cho biết, gia đình có hai con đang học tiểu học và THCS trên địa bàn. Nếu năm trước tiền BHYT, bảo hiểm thân thể cho các con khoảng hơn 700 ngàn đồng thì năm nay riêng tiền BHYT của hai đứa đã mất hơn 1 triệu đồng, trong khi nguồn thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào gánh hàng rau của chị. “Vì chưa rõ lý do tăng cho nên trước mắt gia đình chưa đóng BHYT. Tôi đang chờ nhà trường giải thích rõ sao năm nay lại đóng 15 tháng tiền tham gia BHYT (từ 1/10/2015 đến 31/12/2016), trong khi các năm trước chỉ đóng 12 tháng” – chị Lý nói.
Năm nay mức đóng BHYT tăng vọt là do thực hiện theo quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, không phải do các trường tự đặt ra mức thu. Năm học 2015-2016 này là năm đầu tiên nâng mức đóng BHYT HSSV từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5% và HSSV tham gia BHYT 12 tháng theo năm tài chính (1/1 đến 31/12) chứ không theo năm học như trước đây (tháng 9 hoặc tháng 10 và hết hạn sau 12 tháng). Ngoài ra, vì giao thời giữa quy định mới và cũ, năm học này, HSSV còn phải đóng ba tháng còn lại của năm 2015, cho nên tổng số tháng phải thực hiện tham gia BHYT là 15 tháng, nâng số tiền đóng BHYT lên tới 543.375 đồng. Sau khi hiểu lý do việc tăng BHYT thì bà Nguyễn Thị Vịnh (Lang Chánh, Thanh Hóa) thở dài bày tỏ sẽ chờ xem nhà trường có cho giãn đóng vài tháng một, chứ cả khoản lớn gộp vào thu với các khoản khác ngay đầu năm học bà “không thể nào xoay nổi”. 
Nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh ở khu vực đô thị, không mấy mặn mà với việc tăng mức đóng BHYT cho học sinh, bởi theo họ đóng vì bắt buộc chứ trên thực tế nhiều năm con họ chưa hề dùng được thẻ BHYT do vẫn còn nhiều bất tiện.
Anh Nguyễn Tuấn – phụ huynh Trường Tiểu học VIP Hà Nội băn khoăn rằng, nhà trường đã thu cả BHYT và bảo hiểm thân thể học sinh 380 nghìn, “chắc chắn là không đúng mức quy định của năm nay, nhưng chưa thấy nhà trường thông báo gì” – anh Tuấn nói. Còn chị Hoàng Yến (Trường THCS Trần Mai Ninh, Thanh Hóa) thì cho rằng phụ huynh sẽ hợp tác vì đây là quy định bắt buộc của Nhà nước, mà thu theo năm tài chính thì sau này các trường đỡ bị áp lực thu tiền BHYT ngay đầu năm học. 

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.