Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thụt lùi
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, qua kiểm tra công tác thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), kết quả cho thấy nhiều đại lý BHYT vẫn còn thụ động trong việc thu BHYT, nhiều cán bộ địa phương không nắm được chủ trương, nội dung chính sách BHYT; người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách này; thủ tục tham gia BHYT thì rườm rà, phức tạp nên càng khó thu hút các đối tượng tham gia…
Mặt khác, giá dịch vụ y tế cũng chưa thật cụ thể ở một số địa phương dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận và thanh toán các dịch vụ y tế. Chính vì thế, theo Bộ trưởng, chỉ tiêu đề ra năm 2015 sẽ đạt 75% đối tượng tham gia BHYT, nhưng đến thời điểm này chỉ đạt khoảng 71% nên để đạt được chỉ tiêu đề ra là không hề đơn giản.
Về nguyên nhân chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đối tượng doanh nghiệp vẫn trốn đóng BHYT rất nhiều và kéo dài nhiều năm do chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết dứt điểm; nhóm tham gia theo hộ gia đình đạt thấp là do chưa cải cách triệt để thủ tục tham gia BHYT; lực lượng bộ đội, công an thì chưa có hướng dẫn tham gia BHYT; chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới hạn chế cũng là một vấn đề cản trở người dân đến với BHYT...
Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thì cho rằng, mặc dù Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu rất cụ thể tỷ lệ tham gia BHYT cho năm 2015, tuy nhiên chỉ tiêu này e khó thực hiện được bởi nhiều lý do.
Cụ thể, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện tỷ lệ bao phủ BHYT ở các tỉnh, thành không đồng đều, nhiều địa phương có tỷ lệ tham gia thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo thống kê, đến hết tháng 5/2015 vẫn còn 31 tỉnh, thành có tỷ lệ tham gia BHYT đạt dưới 70% dân số toàn tỉnh, trong đó có 15 địa phương mới bao phủ được dưới 60% dân số; đặc biệt có tới 8 tỉnh, thành mới chỉ bao phủ 55% dân số, có những địa phương có số người tham gia BHYT đông nhưng năm nay lại sụt giảm mạnh số người tham gia (Bắc Kạn giảm 8%, Hậu Giang giảm 6%, Lạng Sơn, Tuyên Quang giảm 5% so với năm 2014); vẫn có tới 40% doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHYT, một số đối tượng sinh viên vẫn chưa tự giác tham gia BHYT…
Về sử dụng quỹ BHYT, bà Minh phản ánh, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT không những không được giải quyết triệt để mà còn có xu hướng thay đổi theo chiều hướng tinh vi hơn, như: hợp thức hóa việc chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật, ghi thêm ngày điều trị, cố tình áp sai các dịch vụ kỹ thuật để hưởng mức giá cao hơn…
Nhiều đối tượng “đứng ngoài cuộc”
Để đạt được chỉ tiêu đề ra đối với công tác BHYT năm 2015, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ mua BHYT cho một số đối tượng hộ nghèo, cận nghèo của các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Chính phủ cho phép địa phương sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để tăng quy mô giường bệnh ở tuyến tỉnh, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và trung ương…
Đề cập đến sự tham gia của nhóm đối tượng lực lượng vũ trang, đại diện Bộ Quốc phòng, ông Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y cho biết, chỉ tính riêng đối tượng thân nhân đã có 1,6 triệu thẻ, và thực tế Bộ Quốc phòng đã đóng 100%. Việc xây dựng Nghị định về BHYT trong lực lượng vũ trang đang trong quá trình xin ý kiến.
Khó khăn của ngành hiện nay tập trung ở nhóm sinh viên dân sự theo học trong các trường của lực lượng vũ trang, nhưng Bộ Quốc phòng sẽ khắc phục để đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHYT. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hứa sẽ cố gắng nâng mức đóng BHYT của đối tượng học sinh, sinh viên lên 85% trong năm 2015 và năm 2016 đạt 100%.
Liên quan đến việc tăng cường chất lượng khám chữa bệnh để thu hút các đối tượng tham gia BHYT, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường bổ sung trang thiết bị và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng hiện tỷ lệ tham gia BHYT của một số địa phương vẫn còn rất thấp. Vì thế, việc giao chỉ tiêu cho các địa phương cần phải đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta phải thống nhất cụ thể chỉ tiêu cho phù hợp, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quyết định. Để tăng độ bao phủ BHYT, Phó Thủ tướng cho rằng phải giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Với nhóm cận nghèo, cả 63 tỉnh, thành đều có, tuy nhiên hiện nay mới chỉ rất ít địa phương có kế hoạch và thống kê cụ thể các nhóm đối tượng, còn đa số vẫn “đứng ngoài cuộc”. Đối với nhóm diêm dân, phần lớn là do ngân sách hỗ trợ, nhưng hỗ trợ như thế nào cũng phải quy định rất chặt chẽ, rõ ràng và có cơ chế thực hiện cụ thể.
Đối với nhóm hộ gia đình – nhóm đối tượng được coi là có nhiều “vướng” nhất, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải phối hợp với nhau để cùng tháo gỡ khó khăn, theo tinh thần khó đến đâu gỡ đến đấy, gỡ từng khó khăn một… Làm sao phấn đấu đến cuối năm 2015, chúng ta phải đạt được độ bao phủ 75% dân số như chỉ tiêu đặt ra.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải mở rộng hơn hệ thống đại lý BHYT, đồng thời có cơ chế rõ ràng để khuyến khích họ triển khai thực hiện BHYT. Đặc biệt, phải “tin học hóa” lĩnh vực BHYT để tránh sự nhầm lẫn khi thực hiện BHYT, đã thực hiện thì phải thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, từ xã lên huyện, tỉnh và triển khai đồng loạt, cùng một lúc. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt được chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2015 và phủ sóng BHYT toàn dân trong tương lai.