- Thưa ông, hiện một số đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng phổ biến. Ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng này và giải pháp của BHXH Việt Nam?
- Ông Đỗ Văn Sinh: Thống kê của BHXH Việt Nam từ năm 2007 đến nay, nợ BHXH, BHYT, BHTN đang có chiều hướng gia tăng. Số nợ BHXH, BHYT, BHTN năm 2007 là 1.734 tỷ đồng; năm 2013 số nợ trên 10.500 tỷ đồng; năm 2014 số nợ đã giảm hơn so với năm 2013 nhưng vẫn còn ở mức cao, trên 7.200 tỷ đồng (31,2%).
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới 13.761 tỷ đồng (tăng 90% so với cuối năm 2014).
Có thể nói, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối Quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Trước tình trạng trên, cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có cả việc khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, biện pháp này chưa đạt hiệu quả đối với những đơn vị cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm quyết định của tòa án, dẫn đến tỉ lệ các bản án được thi hành án thấp.
Ông Đỗ Văn Sinh |
Theo báo cáo của BHXH các địa phương, trong giai đoạn 2010 - 2014, BHXH các tỉnh, thành phố đã khởi kiện 5.376 đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp nợ BHXH; trong đó có 1.759 đơn vị đã đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, trong số 1240 vụ đã có bản án, quyết định của Tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, có tới 375 vụ chưa được thi hành (chiếm 30,2%). Chỉ tính riêng trong năm 2014, cơ quan BHXH đã khởi kiện 1.496 đơn vị với tổng số tiền là 664,7 tỷ đồng, nhưng số tiền thu hồi cũng chỉ đạt 105 tỷ đồng.
Đặc biệt, kết quả hòa giải thành trước khi xét xử chiếm tỉ lệ không đáng kể. Và thậm chí, ngay cả khi đã hòa giải thành và cam kết lộ trình trả nợ, hay có quyết định thi hành án thì những đơn vị này vẫn tiếp tục chây ỳ hoặc chỉ thanh toán một phần rất nhỏ, gây khó khăn cho cơ quan BHXH.
Cụ thể, trong số 167 đơn vị đã được hòa giải thành sau khi khởi kiện năm 2014, mới có 66 đơn vị đã trả nợ với số tiền nợ thu được là 47,7 tỷ đồng. Còn với 284 đơn vị đã được Tòa án thụ lý và xét xử, số tiền nợ thu được của đơn vị qua xét xử chỉ vẻn vẹn 57,9 tỷ đồng (chiếm 9% so với tổng số tiền nợ của các đơn vị bị khởi kiện).
- Phải chăng kết quả thi hành án thấp cũng có nguyên nhân là doanh nghiệp bị khởi kiện không còn khả năng tài chính, thưa ông?
- Ông Đỗ Văn Sinh: Thực tế, một số đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện đã phá sản hoặc ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Những trường hợp này rất khó để cơ quan BHXH có thể thu hồi được nợ kể cả khi đã có quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, quá trình khởi kiện và thi hành án các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đến nay vẫn gặp khó khăn là do tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp không cao. Báo cáo của BHXH các địa phương cho thấy rất nhiều trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa bàn hoạt động mà không thông báo cho cơ quan BHXH và với các cơ quan hữu quan nên không xác định được địa chỉ để khởi kiện.
Việc lập hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH thường gặp khó khăn do các đơn vị nợ không chịu ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ. Khởi kiện thường là biện pháp cuối cùng mà cơ quan BHXH thực hiện để thu hồi số nợ BHXH, BHYT của doanh nghiệp.
Nhưng khi Tòa án tổ chức hòa giải và xét xử, doanh nghiệp lại thường không đến theo yêu cầu, nên kết quả hòa giải thành chiếm tỉ lệ không đáng kể. Mặt khác, như tôi đã đề cập ở trên, tuy đã hòa giải thành và cam kết lộ trình trả nợ nhưng đơn vị vẫn tiếp tục chây ỳ hoặc chỉ thanh toán một phần rất nhỏ, gây khó khăn cho cơ quan BHXH.
Trong quá trình khởi kiện, do doanh nghiệp cố tình trì hoãn khiến thủ tục khởi kiện, thụ lý kéo dài làm cho số nợ tăng lên, hoặc doanh nghiệp tìm cách tẩu tán tài sản dẫn đến khả năng trả nợ ngày càng thấp.
- Ngoài nguyên nhân từ phía doanh nghiệp, theo ông, những vướng mắc nào khiến cho quá trình khởi kiện và thi hành án gặp khó khăn?
- Ông Đỗ Văn Sinh:Có thể nói, các vụ kiện về BHXH là loại án mới nên một số Tòa án còn lúng túng trong việc xác định tính chất của vụ án, thẩm quyền xét xử. Có địa phương giao cho Tòa Dân sự giải quyết, nhưng cũng có địa phương lại giao cho Tòa Lao động giải quyết.
Việc xác định tư cách khởi kiện của cơ quan BHXH các cấp cũng chưa thống nhất. Có tòa tiếp nhận và giải quyết đơn khởi kiện của Giám đốc BHXH cấp huyện, có tòa yêu cầu giấy uỷ quyền của BHXH Việt Nam, BHXH cấp tỉnh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết.
Một số tòa án còn trả lại đơn khởi kiện đối với trường hợp đơn vị vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp thụ lý hồ sơ khởi kiện, phần lớn tòa án đều yêu cầu cơ quan BHXH cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư mới nhất của đơn vị. Nhưng cơ quan BHXH thường chỉ lưu giữ giấy phép đầu tư, kinh doanh ban đầu tại thời điểm đăng ký tham gia BHXH nên phải tìm kiếm, sao lục từ các cơ quan khác, gây tốn kém thời gian, nhân lực.
Một số tòa án địa phương lại cho rằng cơ quan BHXH đi khởi kiện là đòi lại quyền lợi cho cơ quan BHXH chứ không phải bảo vệ lợi ích, tài sản của Nhà nước, quyền lợi của người lao động. Vì vậy, trong quá trình tố tụng tòa án chưa tạo điều kiện để cùng cơ quan BHXH bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật.
Tòa án các cấp cũng chưa quan tâm đến việc tiến hành các biện pháp đảm bảo thực hiện như cưỡng chế, phong tỏa tài khoản của các đơn vị bị khởi kiện ra tòa nên việc thực hiện thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT thông qua khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT chưa đạt được kết quả cao.
Ảnh minh họa từ Internet |
Phía BHXH Việt Nam cũng gặp khó khăn khi cán bộ của BHXH các địa phương được giao nhiệm vụ tham gia công tác tố tụng, khởi kiện đơn vị nợ BHXH thường kiêm nhiệm, không có chuyên môn về tố tụng nên khó khăn, lúng túng trong việc lập hồ sơ khởi kiện, tham gia tố tụng và thi hành án.
- Với những khó khăn đó, BHXH Việt Nam có nên coi việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN là một giải pháp tối ưu để thu hồi nợ?
- Ông Đỗ Văn Sinh: Nếu người sử dụng lao động trốn tránh trách nhiệm thì một mặt người lao động bị thiệt thòi, Quỹ BHXH cũng bị thiệt hại với nguy cơ mất an toàn.
Xét ở khía cạnh hạch toán kinh tế, tiền đóng BHXH, BHYT cho người lao động cùng với quỹ lương của các doanh nghiệp đều đã được tính vào giá thành sản phẩm và là một yếu tố chi phí đầu vào trước thuế. Do đó, khi chủ sử dụng lao động không đóng BHXH, BHYT cho người lao động là đã vi phạm pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Những vi phạm này cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, và khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là một trong những giải pháp cần thiết, nhằm yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cơ quan BHXH đang có một số điều kiện thuận lợi để phòng ngừa tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT cũng như quá trình khởi kiện đạt hiệu quả hơn. Bởi lẽ, ngày 24/10/2014, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 4032/BHXH-PC hướng dẫn cụ thể việc tham gia tố tụng dân sự khi cơ quan BHXH khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động trong việc không thực hiện đúng nghĩa vụ đóng BHXH theo quy định.
Theo đó, việc xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết; hồ sơ khởi kiện; án phí và lệ phí tòa án; quy trình khởi kiện với các bước tham gia từ khâu nộp đơn khởi kiện, tham gia phiên toà; việc kháng cáo; đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị… đã được hướng dẫn cụ thể cho BHXH các tỉnh, thành phố khi tham gia khởi kiện.
Bên cạnh đó, Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016 đã bổ sung chức năng thanh tra trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH nhằm phát hiện sớm các vi phạm của doanh nghiệp, ra quyết định xử phạt kịp thời, tránh cho người lao động bị thiệt thòi nhiều hơn…
Đặc biệt, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới nhất vừa được đưa ra lấy ý kiến tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung tội danh gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT. Nếu những điểm sửa đổi này được Quốc hội thông qua, sẽ là một công cụ hữu hiệu ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh những vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Trân trọng cảm ơn ông!