Cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh
Nhiều người trong chúng ta đều ít nhất một chứng kiến trường hợp một người đang bình thường nhưng đột ngột chỉ sau một cơn tăng huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não và hậu quả là tử vong hoặc nếu có qua khỏi thì bị tàn phế. “Kẻ giết người thầm lặng này” là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa,… làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc. Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong năm người trưởng thành thì có một người mắc. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Theo điều tra, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Tại Hà Nội, theo điều tra năm 2016 về các yếu tố và hành vi nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho thấy có đến 15,16% người dân trong độ tuổi từ 18 - 69 bị tăng huyết áp. Với nhóm tuổi từ 45 – 69 tỉ lệ này chiếm 27%. Tăng huyết áp gặp nhiều ở nhóm người có tiền sử uống rượu bia, hút thuốc lá, ít hoạt động thể lực và có chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có khoảng 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân. Chỉ có một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng… còn đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, những dấu hiệu lâm sàng thể hiện bệnh tăng huyết áp thường không đặc hiệu và người bệnh có thể không thấy biểu hiện gì khác biệt so với người bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người mắc bệnh tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, và cũng có nhiều người biết mình bị bệnh nhưng do không thấy biểu hiện khác thường nên chủ quan, bỏ qua việc điều trị, dẫn tới những tai biến khó lường.
Uống nhiều rượu bia, nói không với rau xanh
Theo các bác sĩ, trước đây thường chỉ những người già có nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp nhưng gần đây số người trẻ bị căn bệnh này đã tăng lên quá cao. Bác sĩ Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỷ lệ mắc ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rất rõ rệt ở nước ta và do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Đặc biệt, bệnh tăng huyết áp đang có chiều hướng trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn trong độ tuổi lao động. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế: năm 2015 có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/trái cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của WHO và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch.
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính và tiến triển một cách âm thầm, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng, gây biến chứng tim mạch trầm trọng và việc điều trị sẽ rất tốn kém, trong khi việc phát hiện sớm bằng đo huyết áp rất đơn giản, ít tốn kém. Đang từ một người khỏe mạnh bình thường mắc huyết áp không được phát hiện, có thể đột ngột lên cơn huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não và hậu quả là bị tử vong hoặc nếu qua khỏi thì bị tàn phế, nằm liệt giường, thậm chí phải chăm sóc suốt cuộc đời. Vì thế, việc phòng chống các yếu tố nguy cơ cùng với dự phòng, phát hiện sớm và kiểm soát tăng huyết áp là một chương trình y tế ưu tiên để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và tử vong do căn bệnh này.
Do vậy, phòng, chống tăng huyết áp không phải của riêng ngành Y tế vì nó liên quan đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi trách nhiệm của nhiều ngành và lĩnh vực. Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng.
Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng, tăng cường ăn rau và trái cây, giảm ăn muối xuống dưới 5 gam/ngày, tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc và không lạm dụng rượu bia. Thực hiện những hành vi nêu trên sẽ giúp chúng ta phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư.