Lần tìm những chủ shop trên mạng
Bên cạnh việc thực hiện kiểm soát các mặt hàng vật tư y tế trong thời gian gần đây, các hành vi làm hàng giả và bán hàng vi phạm SHTT trên các mạng xã hội, các trang TMĐT vẫn được lực lượng QLTT triển khai, như kế hoạch xử lý nạn bán hàng giả ở Trung tâm thương mại Saigon Square (TP HCM).
Ở phía Bắc, Cục QLTT Lạng Sơn cũng đã lên kế hoạch kiểm tra, xử lý các đối tượng sử dụng trang mạng facebook, zalo... để buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm SHTT.
Cụ thể, Đội QLTT số 4, đã cử các tổ quản lý địa bàn nắm tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Qua đó rà soát, theo dõi các cơ sở kinh doanh các nhóm mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược rao bán trên các trang TMĐT, trên các trang mạng xã hội hội zalo, facebook...
Sau một thời gian thẩm tra, xác minh, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm MY GOLD tại thôn Pha Lác, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, do bà Nguyễn Mai Tuyết làm chủ. Được biết, bà Tuyết cũng đang sử dụng trang facebook cá nhân có tên “Bình minh màu nắng” để rao bán các mặt hàng mỹ phẩm, dược liệu do nước ngoài sản xuất.
Qua kiểm tra, Đội này phát hiện tại Cửa hàng đang bày bán 4 loại hàng hóa là mỹ phẩm, dược liệu sản xuất ngoài Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm 16 bộ mỹ phẩm nhãn hiệu O HUI OPTRAN (mỗi bộ 6 sản phẩm); 4 lọ kem dưỡng da nhãn hiệu Mygald (50ml/lọ); 3kg nấm linh chi KOREA; 2kg hạt kỳ tử.
Cùng thời điểm, Đội QLTT số 1 cũng đã tiến hành triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thông qua mạng xã hội zalo, facebook, qua nắm bắt thông tin có một số cơ sở kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm nhập lậu trên mạng zalo, facebook.
Theo đề xuất, Đội này đã xây dựng phương án, thẩm tra xác minh có căn cứ để ban hành quyết định kiểm tra đột xuất đối với 3 chủ hộ kinh doanh (trên địa bàn thành phố Lạng Sơn) có tài khoản facebook có tên “S-SAN MART-Thiên đường ăn vặt”; tài khoản zalo có tên “Ha” và tài khoản zalo có tên “Thắm”.
Sau đó, Đội QLTT số 1 đã tiến hành đồng loạt 3 vụ việc kiểm tra đột xuất ở cơ sở kinh doanh của 3 tài khoản nói trên. Tại thời điểm kiểm tra Đoàn đã phát hiện, 3 cửa hàng bày bán các mặt hàng sản xuất ngoài Việt Nam (gồm các mặt hàng kẹo, bánh, nước giải khát, xì dầu, hạt hướng dương... có nguồn gốc chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc).
Qua kiểm tra các chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Lực lượng QLTT ngoài việc xử lý đúng các quy định pháp luật còn yêu cầu các đối tượng chấm dứt ngay việc sử dụng các tài khoản zalo, facebook cá nhân để bán các loại hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng.
Sẽ bao quát được thị trường TMĐT?
Theo đại diện Tổng cục QLTT, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.
Số liệu kiểm tra, xử lý năm 2019 của lực lượng QLTT cho thấy, đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm hành chính, xử phạt hơn 16 tỷ đồng, nhưng trị giá hàng vi phạm lên tới hơn 40 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng giả.
Đó chính là lý do Tổng cục QLTT đã thành lập Tổ công tác về TMĐT (gọi tắt là Tổ 368). Tổ này có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng về công tác QLTT trong TMĐT trên phạm vi cả nước để nắm tình hình, công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh TMĐT.
Đại diện Tổng cục QLTT kỳ vọng, với việc thành lập Tổ 368, các hiện tượng buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả trên môi trường TMĐT sẽ dần được kiểm soát bởi thực chất, kiểm soát được môi trường kinh doanh trên các trang mạng TMĐT, các mạng xã hội thực sự khó khăn gấp nhiều lần so với việc kiểm soát các hành vi vi phạm ngoài cuộc sống.