Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân. Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật hiện vẫn còn phức tạp, cồng kềnh, thiếu tính ổn định, gây khó khăn cho việc tuân thủ, áp dụng, thi hành. Một trong những nguyên nhân dẫn tới bất cập nêu trên đó là do nguyên tắc dân chủ chưa được bảo đảm một cách thực chất, chưa khuyến khích được sự tham gia của xã hội nói chung và của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là giới LS nói riêng vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Cả nước hiện có 63 đoàn LS thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với gần 10 ngàn LS. Vị trí, vai trò của LS ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, giám sát thực thi pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong nhiều năm qua, đội ngũ LS đã rất tích cực tham gia các hoạt động góp ý xây dựng pháp luật, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực LS mà còn cả những lĩnh vực quan trọng khác như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…
Không chỉ phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hành nghề, các góp ý của đội ngũ LS còn đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, được tổng hợp từ quá trình tham gia giải quyết các vụ việc của khách hàng, kết hợp với kiến thức về pháp luật và kinh nghiệm của LS. Do đó, các góp ý vừa có tính thực tiễn vừa mang tính chuyên môn và có thể đem lại giải pháp hữu hiệu trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Hình thức tham gia của LS chủ yếu là góp ý bằng văn bản và trực tiếp tại các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến do các bộ ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo, Tổ biên tập của một số Dự án Luật có thành phần tham gia là LS, một số LS là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, trực tiếp tham gia vào quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự thảo và thông qua các văn bản QPPL.
Vị thế của LS ngày càng được khẳng định và đánh giá cao, song so với tiềm năng và lợi thế hiện có của mình thì những kết quả đã đạt được trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật vẫn còn khá khiêm tốn. Việc lấy ý kiến đóng góp của LS chưa có gì khác biệt so với các thành phần khác, chưa phát huy được kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của LS trong hoạt động xây dựng pháp luật. Hình thức tham gia của LS nói chung chỉ dừng lại ở hoạt động góp ý, thường là ở những giai đoạn đã hình thành Dự thảo VBQPPL với bố cục đã tương đối hoàn chỉnh, ít trường hợp có sự tham gia của LS vào thành phần soạn thảo nên hiệu quả tác động đến nội dung của Dự thảo VBQPPL còn rất hạn chế.
Để cải thiện tình trạng trên, cần xây dựng cơ chế mang tính ràng buộc trách nhiệm, tính thường xuyên, kịp thời và nguồn lực tài chính để bảo đảm cho sự phối hợp giữa các chủ thể xây dựng chính sách, pháp luật với Liên đoàn LS Việt Nam và Đoàn LS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, cần khuyến khích việc chủ động đề xuất xây dựng, sửa đổi bổ sung pháp luật từ LS, tăng cường sự tham gia của LS vào thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập các Dự án Luật để có thể huy động và phát huy tối đa năng lực của đội ngũ này trong việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật.