Như PLVN từng phản ánh thì trong vụ việc này, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp (CP VTNN) Hà Nội đã khởi kiện đòi nhà của bà Cao Thị Thục Khanh, một cán bộ của Công ty, trong khi ngôi nhà này đã không còn là tài sản của công ty từ năm 2005. Thời điểm đó, giá trị ngôi nhà này là “0 đồng”.
Tại sao TAND quận Hoàng Mai lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc đòi một tài sản đã “không còn” từ gần 10 năm trước.
Đối tượng tranh chấp được TAND quận Hoàng Mai xác định trong vụ án này là căn hộ tập thể số 3, ngõ 115 đường Giáp Bát (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội), hiện do vợ chồng bà Cao Thục Khanh và ông Nguyễn Thanh Tùng sử dụng.
Phía nguyên đơn, Công ty CP VTNN Hà Nội cho rằng, ngôi nhà này vốn là 1 căn hộ được Công ty VTNN Hà Nội giao cho ông Lưu Quý Hùng, công nhân Công ty, làm nhà ở từ năm 1980. Đến năm 1988, gia đình ông Hùng chuyển đi thì Ban lãnh đạo Công ty đã đồng ý cho gia đình bà Khanh sử dụng.
Đến nay, sau khi đã cổ phần hóa xong, phía Công ty đã khởi kiện để đòi căn nhà trên để tiếp tục xử lý tài sản của doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển cổ phần hóa.
Với quan điểm đòi nhà như trên, phải chăng vào năm 2005, phía nguyên đơn đã “bỏ sót” căn nhà của bà Khanh khi cổ phần hóa Công ty VTNN Hà Nội nên nay phải tiến hành khởi kiện đòi nhà để bổ sung vào phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa hiện nay?.
Trên thực tế thì không có việc bỏ sót nào cả mà vào năm 2005, toàn bộ tài sản cũ của Công ty VTNN đã được thống kê để thực hiện việc xác định giá trị và chuyển giao tài sản cho Công ty CP VTNN Hà Nội.
Theo biên bản bàn giao thì nhà tập thể tại Giáp Bát (trong đó có căn hộ số 3) được xác định giá trị là “0 đồng” và các bên yêu cầu “Công ty Cổ phần có trách nhiệm bàn giao cho sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội quản lý theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội”.
Như vậy, kể từ khi thực hiện cổ phần hóa xong thì căn nhà số 3 do bà Khanh đang sử dụng đã chính thức không phải là tài sản của Công ty CP VTNN Hà Nội. Trên thực tế thì phía nguyên đơn cũng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất có căn nhà tranh chấp và cũng có tài liệu nào thể hiện quyền sở hữu đối với tài sản là căn hộ số 3 này.
Theo một số luật sư đơn khởi kiện đòi nhà của nguyên đơn trên đây là không đủ điều kiện thụ lý vì không có các chứng cứ chứng minh về việc mình sở hữu căn nhà. Càng vô lý hơn vì theo quy định, sau hơn 30 năm sử dụng thì một căn hộ cấp 4 đã được khấu hao hết (không còn giá trị). Căn hộ đã không còn gì thì không hiểu Công ty CP VTNN đòi “kế thừa” cái gì từ công ty cũ?.
“Ngư ông đắc lợi”
Thế nhưng HĐXX sơ thẩm TAND quận Hoàng Mai vẫn chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn. Phán quyết này dẫn đến sự vô lý khó tin, nguyên đơn được sở hữu tài sản mà chính họ đã công nhận “không giá trị”, “0 đồng” từ 10 năm trước.
Theo quy định thì căn hộ nói trên phải được bàn giao cho Công ty quản lý và phát triển nhà quản lý theo đúng chức năng, thẩm quyền. Phía nguyên đơn thừa nhận điều này nhưng cho hay, do có tranh chấp giữa ông Hùng và bà Khanh nên đã không thực hiện trách nhiệm này.
Như vậy, có thể thấy thì dù có tranh chấp giữa ông Hùng và bà Khanh thì căn nhà số 3 cũng chỉ thuộc về 1 trong hai người này khi tiến hành bán nhà theo Nghị định 61 chứ nó không còn thuộc quyền sở hữu của Công ty CP VTNN Hà Nội. Phải chăng, trong vụ việc này có chuyện “ngư ông đắc lợi” vì người thứ 3 nhảy vào tranh chấp của ông Hùng, bà Khanh lại được sở hữu căn nhà?. Cái lợi lớn hơn ở ngoài vụ tranh chấp tài sản này là quyền sử dụng thì ai sẽ được hưởng?.
Tòa sơ thẩm “lờ” giá trị tài sản tranh chấp Thông thường, đối với vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản thì HĐXX sẽ xác định giá trị tài sản tranh chấp để làm cơ sở cho việc tính tiền tạm ứng án phí của nguyên đơn, tiền án phí của bên thua kiện (bị bác yêu cầu). Tuy nhiên, trong toàn bộ bán án này đã không thấy HĐXX sơ thẩm để cập đến việc giá trị tài sản mà bên nguyên đơn khởi kiện đòi bà Khanh có giá trị như thế nào? bao nhiêu tiền? mà chỉ xác định giá trị bà Khanh cơi nới thêm là hơn 40 triệu đồng Theo bản án thì phía bị đơn (thua kiện) phải trả căn nhà số 3, ngõ 115 đường Giáp Bát cho phía Công ty CP VTNN Hà Nội và phải chịu án phí 200.000 đồng. Với mức án phí này thì có thể coi căn hộ mà nguyên đơn yêu câu cầu bà Khanh phải giao trả trong vụ án này là “không có giá ngạch” (yêu cầu của nguyên đơn không thể xác định được bằng một số tiền cụ thể). Với việc xác định “không có giá ngạch này”, phải chăng HĐXX đã không thể xác định được giá tài sản mà nguyên đơn đòi quyền sở hữu, hay giá trị tài sản tranh chấp đúng là “0 đồng” như chính thừa nhận của nguyên đơn vào năm 2005?. Hy vọng, giá trị tài sản tranh chấp là bao nhiêu tiền sẽ được HĐXX phúc thẩm làm rõ tại phiên tòa tới đây. |
Khoa Lâm