“Cáo gửi chân”
Dung về làm dâu nhà bà giáo Luân đã được 8 năm. Hồi cưới vợ cho con trai, bà Luân buồn chứ chẳng vui bởi bà quan sát thấy cô con dâu “mặt hoa da phấn”, mắt sắc như dao cau nhưng nhìn kỹ có nét la lém.
Bà có độc thằng con trai, hai cô con gái đứa lấy chồng miền Nam đứa định cư ở nước ngoài, tiền bạc chẳng thiếu chỉ thiếu tình cảm. Bà mong có cô con dâu ngoan hiền để coi như con gái, mẹ con thủ thỉ lúc về già nhưng Dung lại là con nhà buôn bán, bố chủ đề, mẹ ghi lô, cho vay nặng lãi ở phố chợ.
Học hết lớp 9 Dung bỏ học đi “đánh” hàng Tàu, mở tiệm quần áo to tướng trên phố cổ. Con bà chẳng biết quen qua mối mung hay tình cờ duyên số, một ngày dẫn Dung về, nói dối mẹ, Dung đang học tài chính kế toán, ra trường sẽ đi làm công ty.
Suốt một năm yêu đương, Dung tỏ ra là cô gái biết điều, mỗi lúc tới nhà chơi Dung đều sốt sắng vào bếp nấu cơm, rửa bát, không quản ngại ngồi khêu ốc nấu chuối đậu, món mà bà thích ăn. Dung cũng mua tặng bà khi thì tấm áo, lúc mảnh vải nhưng bà chê óc thẩm mỹ của cô, không nhận cũng chẳng dùng, nể quá thì cầm sau đó cho nhà quê.
Bà ngầm phản đối con trai nhiều lần, cố tình giới thiệu cho mấy mối, cô thì ngân hàng cô thì giáo viên nhưng con bà như phải “bùa mê thuốc lú”, chỉ muốn cưới Dung.
Một ngày, con trai dẫn Dung về thẳng thừng xin mẹ tổ chức đám cưới vì “bác sỹ bảo”. Bà cay đắng chấp nhận, không quên đay nghiến cô con dâu tương lai “dễ dãi, không biết xấu hổ”.
Dung "căm" mẹ chồng lắm. Nghĩ bụng bà thì biết gì về chuyện trai gái thời nay mà nói Dung như thể hạng mất nết. Con trai bà năm lần bảy lượt quỳ xuống xin xỏ, đòi Dung chứng minh yêu thật lòng rồi gần như “lừa” Dung lên giường.
Dung biết thân phận chẳng xứng với gia đình nhà chồng nhưng biết tỏng chồng không phải người “nghe mẹ” nên cứ liều “thả” để “dính bầu”. “Không có bầu đời nào bà ấy chịu cho con lấy mình”, bụng bảo dạ như thế, Dung đã đặt được một chân vào nhà, bắt đầu chiến dịch “thôn tính” nhà chồng.
“Vải thưa, che mắt thánh”
Dung chẳng ghén ngẩm gì, có bầu ăn khoẻ như voi nhưng hễ có mặt chồng là cô giả bộ nôn khan, nằm bẹp một chỗ, nước mắt lúc nào cũng rơm rớm. Xót vợ, anh con trai “cấm” mẹ không cho vợ sờ vào bất cứ việc gì.
Vậy là bà Luân thành ô sin không công cho Dung, cơm bưng, nước rót, vừa làm vừa tự an ủi: thôi thì vì thằng cháu đích tôn.
Cháu “đít nhôm”đâu chả thấy, Dung “tòi” cho bà nội một cô con gái, mắt xếch dao cau hệt mẹ. Bà Luân ngán ngẩm lắm, tiếc cái công hầu hạ con dâu đâm ra cáu bẳn. Chẳng ngày nào hai mẹ con không cãi vã, từ chuyện đơn giản như thay tã bỉm cho con bé tới việc bột, sữa, cháo não.
Bà kiêng cữ cho cháu còn Dung “chống” lại bà, bà nói xuôi thì Dung làm ngược nhưng hễ con bé có chuyện gì là Dung đổ hết tại bà.
Con bé bị phát ban do Dung ấp nhiều quần áo nhưng khi chồng về Dung mách ngay là: “tại mẹ bảo mặc ấm cho con”. Con bé táo bón Dung đổ “tại mẹ bắt em ăn thịt nạc với gừng suốt như thế, sao mà sữa chẳng nóng”.
Có hôm bà bế cháu, chẳng may làm con bé cụng đầu vào ghế, Dung từ trong nhà vệ sinh lao ra, giằng lật lấy con, mổ mực đổ cho bà “muốn hại cháu”. Tối, anh chồng đi làm về, xồng xộc mắng mẹ “bà không thích cháu gái thì đừng có bế nó”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Bà Luân chẳng thể thanh minh bởi quả là bà có ước Dung đẻ cho bà đứa cháu trai nhưng bà đâu có ác đến nỗi muốn hại cháu ruột của mình, huống hồ con bé càng lớn càng có nét giống bố. Có “lệnh” của chồng, Dung thuê luôn ô sin về bế con, hễ bà lại gần con bé là Dung tìm cách sai vặt bà, “điều” bà đi nơi khác.
Cuộc chiến đến hồi gay cấn khi Dung thủng thẳng vạch áo cho con bú, miệng bảo bà: “Bà giờ chỉ có một mình, con có con Xuxi rồi mai mốt đẻ cả con trai cho chồng con, bà không biết mình là ai thì bà mất cả con cả cháu”.
Uất ức, bà Luân tát cho Dung một cái, như chỉ chờ có thế, Dung lấy điện thoại gọi cho chồng “anh về xem, mẹ anh muốn giết cả em và con”.
Vết đỏ trên má còn đó, bà ô sin do Dung trả tiền lương hàng tháng không xác nhận lời Dung thách thức mẹ chồng. Bà Luân thua toàn tập, anh con trai đưa Dung về nhà ngoại, chuẩn bị mua nhà khác để chuyển đi.
Hạ màn
Từ hồi con trai ra ở giêng, bà Luân thui thủi một mình trong căn nhà rộng, những lúc ốm đau chẳng có ai cậy nhờ. Con trai thì bận cộng việc, hết giờ chui tọt về nhà với vợ, con. Có bận bà ốm nằm chòng queo ở nhà nửa tháng giời, hàng xóm phải sang nấu cháo giúp. Gọi được Dung sang nhà, cô mua cho bà cháo ngoài chợ, hại bà bữa đó “tào tháo” rượt cả đêm.
Bà kể chuyện với hai cô con gái, hai cô gọi về cho thằng em mắng mỏ thì cậu chàng một mực khăng khăng: vợ em là đứa biết điều, là do mẹ quá đáng, mẹ đẩy vợ con em ra xa. Mẹ quá đáng như thế, không ai ở cạnh mẹ được.
Cực chẳng đã, cô chị từ Sài Gòn lén ra Hà Nội, mua máy quay lắp trong phòng khách để “rình” cô con dâu “hai mặt”.
Bữa đó, bà chủ động gọi Dung sang nhà nói chuyện phải quấy. Dung chùng chình mấy tiếng sau mới tới, ngồi lặng thinh, nhơn nhơn nghe mẹ chồng giảng giải. Bà nói tới chục phút đồng hồ về đạo làm con, làm vợ rồi giả vờ ngỏ ý “xin” Dung bỏ qua chuyện cũ, để bà sang ở cùng.
Nghe tới đây, Dung giãy nảy: là mẹ tự chọn cuộc sống này. Ngày xưa mẹ khinh nhà con nghèo, con học ít, không xứng với con của mẹ. Bây giờ con mẹ chọn con, con không muốn ở với mẹ, mẹ thông cảm. Cay đắng, bà đấm ngực kêu trời, phút chốc chỉ chiếc camera giấu kín “tao đã quay lại rồi, sẽ cho chồng mày xem bộ mặt thật của mày”.
Dung tái mặt nhưng rất nhanh, đẩy mẹ chồng ra, với lấy camera toan đập vỡ. Bà Luân lao vào giữ bằng chứng, Dung giằng giật với bà đẩy bà ngã chỏng quèo trên sàn đá. Vừa hay, anh con trai được chị gái thông báo về nhà mẹ nói chuyện, bước vào.
Bà Luân nghẹn ngào: “anh xem, vợ anh”. Nhanh như sóc, Dung oà khóc, lu loa, ““Mẹ hiểu nhầm, đổ oan cho em chứ em lòng dạ nào mà đối đãi với mẹ như thế. ”, Dung vừa nói vừa khóc, nước mắt đầm đìa gương mặt trắng nõn, hồng hào. Bà Luân đỏ mặt tía tai, tức run cả mình mẩy, miệng mấp máy mấy lần nhưng cũng không lại với tiếng khóc của con dâu…
…Chẳng cần chờ phản ứng của con trai khi xem lại đoạn băng, bà Luân thu xếp vào Nam với con gái, lúc đi chỉ mang theo tấm ảnh chồng. Chiếc ổ khoá nặng nề khoá căn nhà từng tràn ngập tiếng cười nói hân hoan, lúc con trai thi đậu đại học, khi con gái lấy chồng, khi anh con trai mua được xe hơi, thăng quan, tiến chức, khi đứa cháu gái đầu lòng ra đời…
Chẳng biết mỗi bận đi qua nhà cũ, anh con trai có thấy nhói lòng…