Hơn 1300 ngày tù oan, đã lấy đi của ông tất cả, nhà cửa, vợ con…Nhiều đêm tha hương, nhớ lại cái ước mơ nhỏ nhoi: Khi ra tù, trở về với tổ ấm, lượm ve chai hay nhặt rác cũng hạnh phúc. Nhưng rồi những ám ảnh, mặc cảm đã đẩy ông xa dần với đứa con mà khi chào đời ông không có mặt, với chính cuộc đời ông..
Người đàn ông ấy tên Trương Bá Nhàn (quê huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Đằng đẵng hơn 11 năm, ông phải mang một cái “án” giết người, cướp của.
Dấu vân tay oan nghiệt
Đó là những ngày đầu tháng 1/2002, ông bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM khởi tố, bắt tạm giam vì cho rằng là nghi can giết một phụ nữ (là một người quen của ông Nhàn) để cướp tài sản. Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố ông hai tội “giết người” và “cướp tài sản” chỉ ngắn gọn chứng cứ: Khám nghiệm hiện trường thấy có dấu vân tay của ông Nhàn ở tủ. Người chồng nạn nhân khai mất 60 – 80 triệu đồng, khoảng 4 - 5 lượng vàng. Khám nhà ông, họ thu được 62 triệu đồng cùng 5 lượng vàng. Đồng thời buổi sáng hôm xảy ra án mạng, ông Nhàn không chứng minh được hơn một tiếng đồng hồ đã đi đâu, làm gì.
Ông Trương Bá Nhàn với xấp đơn đi kêu oan |
Với hai tội danh này, ông Nhàn đối diện với mức án cao nhất: Tử hình. Ít lâu sau khi ông bị tạm giam, cơ quan điều tra đã trả lại số tiền và vàng nêu trên vì xác minh cho thấy khối tài sản này không phải của gia đình nạn nhân bị cướp.
Và cho đến bây giờ, ông Nhàn cũng không thể lý giải được những cáo buộc của Viện kiểm sát: Chạy từ Thủ Đức (nhà của ông) lên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình) gây án rồi trở về nhà chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, họa ông có là “tài thánh”?
Có lẽ nếu không vướng vào vòng lao lý, cuộc đời ông sẽ khác, an nhàn, hạnh phúc theo đúng mong ước của cha mẹ đã đặt tên cho ông khi chào đời. Ngày ông bị bắt, người vợ đang mang thai đứa đầu lòng, hay tin quỵ xuống mếu máo. Ông động viên: “Vài ngày rồi anh về, mình có giết người cướp của đâu mà lo”.
Tan tác một gia đình
Nhưng niềm tin “vài ngày” đã kéo dài đến 1.347 ngày. Người vợ vác bụng bầu thăm nuôi chồng, được vài ba lần thì sinh nở. Đến khi mẹ tròn con vuông được hơn năm tháng, ông mới nhìn hình hài đứa con trai đầu lòng vì mãi lúc này mới được phép gặp mặt người thân.
Cuộc gặp ngắn ngủi diễn ra gần hết trong im lặng, đứa con của ông ngủ say trong vòng tay vợ. Ông nghẹn lời vì hễ mở miệng nước mắt lại trào ra, còn đôi mắt người vợ trĩu buồn, nửa như xót xa hờn giận, nửa như ghẻ lạnh. Đã có gì đó khang khác trong cái nhìn ấy khiến ông chợt nhói lòng. Khi ấy ông chưa nhận ra đây sẽ là lần cuối cùng vợ con đến thăm nuôi mình.
Một mình đối diện với nhiều thứ mà bây giờ kể lại như trong phim, ông trước sau vẫn khẳng định mình bị oan. Mỗi cuối tuần được ra ngoài buồng giam, ông đều đến chỗ cán bộ quản giáo xin giấy bút viết đơn kêu oan và nhờ chuyển lên Viện kiểm sát.
Chờ mãi chẳng thấy họ mang mình ra xử, ông lại đề nghị được xử sớm vì tin rằng tòa sẽ minh oan. Trong gần bốn năm bị giam, ông đã có 3 lần mừng hụt khi được thông báo “ngày mai xử”. Nhưng cả 3 lần tòa lên lịch rồi đều hoãn.
Bệnh tật, uất ức, tuyệt vọng, cái chết cứ lởn vởn trong đầu, không ít lần ông đã định tự vẫn. Cho đến một ngày, ông không thể quên: Ngày 9/9/2005, ông nhận được thông báo trả tự do. Gần một năm sau, ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra vì “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”.
Cho đến giờ, sau hơn bảy năm tự do, trở thành kẻ vô gia cư, không vợ con, lang thang đi khắp Tây Nguyên làm mướn, chịu đựng bao điều cực nhục, ông vẫn không thể quên cái cảm giác lúc bước ra khỏi trại giam Chí Hòa. Sáng hôm đó, bước chập chững khỏi cổng, ông đã loạng choạng vì ngợp.
Đến nhà, ông lao vào bế thốc đứa con đang trân mắt nhìn ông - kẻ xa lạ. Người vợ thoáng bất ngờ, rồi lạnh lùng. Chỉ ít ngày, ông hiểu ra sự việc. Nuốt cục nghẹn đắng trong cổ, ông bước ra đường.
Đường dài tìm công lý
Không xu dính túi, ông tìm bạn bè, người thân nhờ cậy, thường nhận được nhiều cái lắc đầu. Có người còn cắc cớ hỏi: “Lỡ mai mốt mày vô tù lại, lấy gì trả?”. Ông đi xin việc với một lý lịch từng đi tù, chẳng ai muốn nhận.
Nhưng cũng không ít niềm an ủi: Một luật sư sau khi hiểu cảnh ngộ của ông đã nhận làm thủ tục minh oan miễn phí, một người thân khác đã “lách luật”, làm hồ sơ lấy tên mình để xin việc cho ông ở Bình Phước. Và bây giờ, ông đi ở mướn cho một gia đình có trang trại ở Đắk Lắk.
Nhiều năm đi lại, gửi đơn khiếu nại khắp nơi, cho đến những ngày đầu năm âm lịch Quý Tỵ vừa rồi, hành trình giải oan của ông mới có kết quả, dù chỉ trên giấy. Cục Bồi thường Nhà nước đã trả lời: Ông bị oan, trách nhiệm xin lỗi và bồi thường thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tp. HCM, đồng thời Cục cũng đã có văn bản đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo giải quyết cho ông.
Cho đến nay, mọi chuyện vẫn chưa kết thúc vì bên gây oan chưa có động thái khắc phục nào. Số tiền gần 892 triệu đồng ông yêu cầu Viện kiểm sát bồi thường, chỉ là một phần nhỏ mất mát của những tháng ngày tăm tối đã qua, một sự đánh đổi mà không ai có gan chấp nhận.
Nhiều đêm tha hương, nhớ lại cái ước mơ nhỏ nhoi: Khi ra tù, trở về với tổ ấm, lượm ve chai hay nhặt rác cũng hạnh phúc. Nhưng rồi lời thề năm xưa khi rời nhà “đến khi nào nhiều tiền mới quay về” lại ám ảnh, nó đẩy ông xa dần với đứa con mà khi chào đời ông không có mặt. Ông tâm sự, khi trên vai vẫn nặng gánh của nghèo hèn, tù tội, thì chỉ khi nào cái án oan được cởi, ông mới đủ dũng khí bước về nhà.
Vĩnh Hòa