Theo ĐB QH Đỗ Đức Hồng Hà: Đây một là hành vi chuẩn bị hung khí phạm tội cố ý gây thương tích tuy chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng chứa đựng khả năng gây ra hậu quả, thậm chí là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Vì, về khách quan, người chuẩn bị hung khí đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Về chủ quan, việc dừng lại chưa thực hiện được tội phạm là do nguyên nhân ngoài ý muốn. Còn bản thân người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng.
Như vậy, theo ông, vấn đề trách nhiệm hình sự đặt ra với hành vi chuẩn bị hung khí phạm tội cố ý gây thương tích là có cơ sở và cần thiết.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà phân tích bốn lý do chứng minh cho tính nguy hiểm cao cho xã hội đối với trường hợp chuẩn bị hung khí:
Một, nó chứa đựng khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ cho một người mà còn có thể cho nhiều người.
Hai, nó thể hiện tính côn đồ, tàn bạo, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe con người.
Ba, người phạm tội sử dụng hung khí, chuẩn bị hung khí thường có nhân thân xấu, liều lĩnh, tàn ác, có tính toán trước, biết rõ hậu quả đặc biệt tàn khốc vẫn mong muốn thực hiện.
Bốn, hành vi này không những giúp người phạm tội dễ thực hiện tội phạm, dễ che giấu tội phạm mà lại gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý.
“Để ngăn chặn, xử lý sớm hành vi nguy hiểm này, bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe của con người, nhất là phụ nữ và trẻ em, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, việc quy định, trừng trị hành vi chuẩn bị hung khí phạm tội cố ý gây thương tích là rất cần thiết”, ông nói.
Về cơ sở thực tiễn, ĐB dẫn Báo cáo số 421 năm 2016 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm thì tình hình tội phạm về trật tự xã hội, trong đó có tội cố ý gây thương tích diễn biến rất phức tạp. Hành vi phạm tội của các đối tượng manh động, liều lĩnh với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.
Nổi lên là tội phạm có tổ chức băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, thanh toán, trả thù, truy sát, bảo kê, cho vay, siết nợ, đòi nợ, tổ chức hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, cưỡng đoạt tài sản, tranh giành địa bàn hoạt động có dấu hiệu phức tạp và có rất nhiều vụ điển hình được nêu trong báo cáo này. Người phạm tội đã sử dụng hung khí để tấn công nạn nhân và những người thi hành công vụ.
Dẫn tình hình thực tiễn về tình trạng bạo lực học đường cũng như tình trạng dùng hung khí tấn công bác sĩ, y tá và bệnh nhân trong các bệnh viện cũng diễn biến hết sức phức tạp, ông Hồng Hà cho rằng cần phải có giải pháp về pháp luật để ngăn chặn.
ĐB Đỗ Đức Hồng Hà dẫn cả cơ sở chính trị, để bảo vệ quan điểm của mình: “Nghị quyết 08, 48, 49 của Bộ Chính trị đều nhấn mạnh là coi trọng đề cao hiệu quả phòng ngừa. Việc quy định và xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội này đã thể chế hóa chủ trương đúng đắn của Đảng, coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh.”
Ông còn khẳng định việc quy định và trừng trị hành vi này có cơ sở pháp lý. Bởi lẽ Điều 67 Hiến pháp năm 2013 cũng nhấn mạnh ưu tiên phòng ngừa tội phạm. Điều 57 Bộ luật hình sự cũng thể hiện việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và có nhẹ hơn so với trường hợp phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Điều 134, Khoản 6 đã thể hiện đúng tinh thần đó.
Một lí do nữa, trong Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều quy định về trừng trị tội phạm ngay cả khi chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người, các tội phạm về giao thông. “Trên cơ sở lý luận, thực tiễn, chính trị và pháp lý như 4 lý do tôi đã nêu trên, tôi cho rằng việc quy định và trừng trị hành vi chuẩn bị hung khí phạm tội cố ý gây thương tích như tại Khoản 6, Điều 134 Bộ luật hình sự là rất cần thiết”, ĐB lần nữa khẳng định.