Tại Hội thảo: “TCVM hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam” do Học viện Ngân hàng phối hợp Vụ Truyền thông - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã nhấn mạnh:“Với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, TCVM được xem như một ‘đòn bẩy’ hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội”.
Hoạt động TCVM tại Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ XĐGN hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của TCVM là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
“Có đến 90% khách hàng của TCVM là phụ nữ, đặc biệt tỷ lệ rủi ro, nợ quá hạn là rất ít, có đến 99,99% là thu được nợ, Đây là kênh hỗ trợ hữu hiệu giúp phụ nữ XĐGN và từ đó tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ…”- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định.
Được biết, tính đến 30/9/2017, tại Việt Nam đã có 4 tổ chức TCVM chính thức được NHNN cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng gồm: Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương (TYM); Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7 (M7-MFI); Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI) và Tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). Lượng khách hàng tại các tổ chức TCVM cũng tăng lên khá nhanh theo từng năm. Tính đến cuối năm 2017, tổng số khách hàng tại 4 tổ chức này là 438.534 người. “Có thể đây chưa phải con số quá lớn nhưng cho thấy các tổ chức TCVM đang dần dần thu hút được khách hàng đúng phân khúc mà mình hướng tới…”- TS Đặng Thu Thủy, Học viện Ngân hàng nhận định. Cũng theo TS Thủy, phụ nữ chính là nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu mà các tổ chức TCVM nhắm tới. Tỷ lệ phụ nữ đi vay vốn tại Việt Nam chiếm 86,94% trên tổng số khách hàng đang vay vốn trên cả nước, thậm chí, ở một số tổ chức, như tổ chức TYM, tỷ lệ này xấp xỉ 100%. “Điều này là dễ hiểu vì xuất phát từ thực tế là phụ nữ thường có ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ của các tổ chức chính thức, đặc biệt là tín dụng, bởi họ không có tài sản thế chấp. Mặt khác, phụ nữ vay vốn thường có tỷ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn nam giới do ngay từ khi bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh họ thường suy nghĩ, tính toán và có bước đi cẩn trọng hơn…”, TS Thủy phân tích.
Tuy nhiên, đại diện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ TCVM đều đồng thuận rằng hiện nay nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, khung pháp lý cho hoạt động TCVM vẫn chưa thực sự toàn diện. Nhiều ý kiến chia sẻ trong tương lai các hoạt động giáo dục tài chính từ phía các tổ chức đến khách hàng TCVM cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao khả năng quản lý thu nhập – chi tiêu của khách hàng, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân.
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức sau khi kết thúc Hội thảo sẽ phối hợp viết báo cáo kiến nghị gửi các cơ quan hữu quan để đóng góp những luận điểm khoa học làm cơ sở cho việc định hướng và hình thành các giải pháp nhằm phát triển kinh tế cho phụ nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội về mọi mặt.