Mới đây, hàng loạt cơ sở sản xuất măng tươi tại Đà Nẵng, Nghệ An đã bị các cơ quan điều tra phát hiện có sử dụng các loại phụ gia bị cấm dùng cho thực phẩm.
Chất mà những cơ sở này sử dụng có tên gọi là chất vàng ô (Auramine O, tên hóa học là Diarylmethane) – chất được dùng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, quét tường. Chỉ cần một lượng nhỏ, các cơ sở sản xuất đã có thể “phù phép”, biến măng kém chất lượng thành măng tươi, giòn, màu vàng sẫm để qua mắt người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, măng là món ăn dễ chế biến, ăn kèm rất hợp với cơm nên được nhiều gia đình sử dụng để chế biến. Khi sự việc măng ngâm hóa chất bị phát hiện, người tiêu dùng mới hoảng loạn về món ăn “tử thần” mà mình vẫn thường ăn…
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC), đây là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới. Nếu tiếp xúc với chất vàng ô, người tiêu dùng có thể gặp những triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và thận. Vùng da tiếp xúc trực tiếp có thể bị sưng phồng, rộp, đau hay tấy đỏ... Nếu hít phải chất này có thể gây khó thở.
Măng tươi (trái) và măng ngâm chất vàng ô (phải) |
Đáng nguy hiểm hơn, chất vàng ô còn là thứ hóa chất độc hại được xếp vào hàng gây ung thư nhóm thứ 3, tức khả năng gây ung thư cao. Mặc dù vậy, măng không rõ nguồn gốc vẫn được bán tràn lan ngoài chợ còn chất lượng thì chưa được bất kì cơ quan nào kiểm định.
Những cơ sở sản xuất măng tươi, vì hám lợi mà vẫn ngang nhiên sử dụng hóa chất độc hại, làm “ngơ” trước tính mạng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thì ngày càng được cảnh báo trước các căn bệnh nguy hiểm mà không hề hay biết nguyên nhân là do những thực phẩm vẫn được sử dụng hàng ngày.
Chị N.T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bình thường mình vẫn hay mua măng tươi ngoài chợ về chế biến. Nhưng hôm qua xem tivi mới biết là măng toàn ngâm hóa chất cho tươi nên chắc giờ nhà mình chẳng dám ăn măng nữa”.
Còn chị L.T.D (Từ Liêm, Hà Nội) thì vô cùng bức xúc: “Trước giờ mình vẫn rất cẩn thận trong việc lựa chọn thực phẩm sạch cho gia đình vì trong nhà cũng có người thân mắc bệnh ung thư. Nhưng bây giờ có cẩn thận thì cũng chẳng biết đâu được bởi những người tiêu dùng như mình thì làm sao có thể biết được mánh khóe của người sản xuất”.
Không chỉ chị H và chị D mà tất cả người tiêu dùng đều đang vô cùng bức xúc và hoang mang trước những vụ việc thực phẩm ngâm hóa chất.
Tại Việt Nam, mỗi năm có từ 130.000 đến 160.000 trường hợp mắc ung thư vì thực phẩm bẩn, trong đó có khoảng 85.000 đến 115.000 người tử vong do căn bệnh này.
Trước sự việc trên, nhiều chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn thận trước mặt hàng măng tươi bày bán trên thị trường. Măng ngâm hóa chất thường có màu vàng sậm, có độ bóng, giòn, miếng măng nguyên vẹn và ít giập nát.
Còn măng tươi thì thường có màu trắng đục hoặc hơi vàng nhạt, miếng măng mềm, không có độ giòn và bóng, thường bị giập nát. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn còn e ngại vì việc phân biệt măng tươi và măng ngâm hóa chất không phải ai cũng biết.
Do đó rất cần sự vào cuộc tích cực và có hiệu quả của các cơ quan chức năng để quyền lợi người tiêu dùng cũng như trên hết là sức khỏe con người được đảm bảo.