Sự thật về vụ án Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc bị sát hại

Trương Kim Long ra đầu thú bị bắt giữ
Trương Kim Long ra đầu thú bị bắt giữ
(PLO) - Sự giải thích của nhà chức trách về vụ án có nhiều điểm đáng nghi, khó hiểu khiến dư luận cảm thấy không thỏa đáng. 

Ngày 2/2/1996, ông Lý Bái Dao - Phó Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa (tức Phó chủ tịch Quốc hội) bị chém chết bằng hàng trăm nhát dao tại nhà riêng. Hôm sau, ông Bạch Cảnh Phúc - Thứ trưởng Bộ Công an - cho báo chí biết: Tội phạm là một lính cảnh vệ tên Trương Kim Long. Khi Long đang trộm cắp thì bị ông Dao phát hiện nên đã ra tay giết người diệt khẩu...

Gần hai mươi năm sau, chân tướng vụ việc rốt cục cũng được người trong cuộc dần dần hé lộ…khác hẳn những điều báo chí hồi đó đã đăng tải. 

Nhân thân đặc biệt của nạn nhân

Lý Bái Dao sinh ngày 1/6/1933 tại Hong Kong, quê Quảng Tây, là con trai của ông Lý Tế Tham, người sáng lập ra Quốc Dân Đảng Cách mạng Trung Quốc, nguyên Phó Chủ tịch Chính phủ nhân dân Trung ương, Phó Ủy viên trưởng (Quốc hội) Trung Quốc. Khi bị sát hại, Lý Bái Dao đang là Chủ tịch Quốc Dân Đảng (QDĐ) cách mạng, Phó chủ tịch Quốc hội khóa 8. 

Lý Bái Dao tốt nghiệp Học viện Hàng không Bắc Kinh năm 1957, lần lượt làm giáo viên trường huấn luyện bay, kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư cao cấp tại Công ty chế tạo máy bay Nam Xương.

Năm 1986, ông gia nhập QDĐ cách mạng, năm 1987 được bầu làm Ủy viên Trung ương QDĐ cách mạng; từ tháng 12/1992 là Chủ tịch của chính đảng dân chủ này. Năm 1989 Lý Bái Dao được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lao động; tháng 3/1993, được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội khóa 8.

Ông còn là Ủy viên Hội xúc tiến hòa bình thống nhất Trung Quốc, Ủy viên toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương khóa 6, Ủy viên thường vụ Hội nghị CTHT khóa 7. Khi bị sát hại, Lý Bái Dao 63 tuổi.

Hiện trường kỳ lạ

Nhà riêng của Lý Bái Dao là tòa biệt thự số 4, Phố Mới, quận Tây Thành, Bắc Kinh; cách nhà 16m về phía Đông Nam là Vọng gác số 2. Biệt thự có hành lang nối với phòng trực của cảnh vệ có lắp đặt chuông báo động, nhưng không có nhân viên trực hay sống ở đó. Một mình Lý Bái Dao sống trong ngôi biệt thự, có một cảnh vệ cùng phòng ở, nhưng lại bố trí người cảnh vệ ở trong gian nhà cạnh nhà xe, cách tòa nhà ông ở hơn 100m.

Theo Thứ trưởng Bạch Cảnh Phúc, khoảng 4h ngày 2/2/1996, cảnh vệ Trương Kim Long – một hạ sĩ quan trước khi nhập ngũ đã từng nhiều lần trộm cắp – nhân lúc trực gác đã lẻn vào tòa nhà nơi ông Dao ở để ăn trộm. Tiếng động khiến Lý Bái Dao tỉnh giấc, bắt được Long, “nghiêm khắc trách mắng và giáo dục”.

Thấy bại lộ, Long chạy vào bếp lấy hai con dao ra hành hung. Lý Bái Dao dũng cảm vật lộn với kẻ sát nhân, đoạt được dao để tự vệ, nhưng cuối cùng vẫn bị Long chém chết. Thông báo khẳng định: “Đây là vụ án không có mục đích chính trị hay bất cứ bối cảnh nào khác. Động cơ phạm tội của hung thủ là “mưu tài hại mạng” (cướp của giết người)”.

Lý Bái Dao
 Lý Bái Dao

Báo chí mô tả: “Thi thể Lý Bái Dao đầy vết chém, máu me bê bết, mặt bị chém 6 nhát, vết nông làm mất cả mảng thịt, vết sâu thấu tới xương, trên đầu có 15 vết thương, gáy có 2 vết sâu đến tận xương sọ; cổ bị nặng nhất, có tới 25 vết dao, một phần lưỡi bị đứt rời, tĩnh mạch cảnh bên trái bị cắt 3 chỗ; khí quản, thực quản, tuyến giáp trạng đều bị cắt đứt. Ngực, bụng và lưng bị nhiều vết thương ở da trên diện rộng. Ngoài ra trên 2 vai và 2 cánh tay có 24 vết chém, một ngón giữa của bàn tay trái bị đứt rời”.

Kết quả khám nghiệm ban đầu cho kết luận: “Lý Bái Dao bị người khác dùng dao nhà bếp chém bị thương dẫn đến bất tỉnh do mất máu cấp tính rồi chết”.

Hung thủ loanh quanh trong nhà suốt 1 giờ rồi bị bắt

Theo báo chí đưa tin, một người hàng xóm ở phía Nam nhà ông Dao và một bà bảo mẫu của gia đình phía Đông Bắc xác nhận: Lúc 4h50 họ nghe thấy tiếng kêu “Cứu tôi với!”. Hai chiến sĩ cảnh vệ đi tuần đêm đó phản ánh: Khoảng 6h họ phát hiện thấy cảnh vệ Trương Kim Long ở ngoài cổng nhà ông Dao, đi đi lại lại như đang tìm gì đó. Họ dùng đèn pin soi thì thấy đầu và trên áo Long đều đầy vết máu. 

Tiểu đội trưởng cảnh sát vũ trang phụ trách ca tuần tra đêm đó chứng thực: 6h30 anh thấy Long đứng cùng một chiến sỹ khác. Mặt đầy máu, Long kêu: “Tiểu đội trưởng, tôi giết người rồi. Anh tha cho tôi, để tôi cao chạy xa bay nhé!”.

Khi bị dẫn về chỗ ban chỉ huy trung đội, Long từ chối xuống quân y kiểm tra vết thương; chỉ nói: “Không cần đâu, cứ để tôi chết quách!”. Long bị khám xét tại chỗ, tìm thấy ở túi sau một ví đựng chìa khóa, một bao đựng dao bằng nhựa và 600 NDT. 

Những tình tiết trên đây có rất nhiều điểm đáng nghi ngờ: Động cơ giết người và biểu hiện của Long sau khi giết người rất kỳ lạ. Nếu Long được giao bảo vệ nhà Lý Bái Dao thì lúc nào lấy trộm chả được, hà tất phải ra tay khi ông đang ở nhà?. Cho dù ăn trộm thật, khi bị bắt gặp thì bỏ chạy là xong, sao lại phải đứng yên nghe “nghiêm khắc trách mắng và giáo dục”?.

Một cảnh vệ 20 tuổi, võ nghệ cao cường, muốn ra tay giết ông già 63 thì quá dễ, sao phải chạy vào bếp lấy hai con dao ra đâm chém? Nếu đã là “cướp của giết người” thì lấy đi mạng sống của đối phương là xong, cớ gì phải đâm chém tới cả trăm nhát, băm vằm mặt đối phương như thế? Nếu không có thâm thù đại hận, liệu có ai làm như thế? Nếu đã giết người để che giấu bản thân, sao sau đó Long lại ra tự thú?

Ba tháng sau khi xảy ra vụ án, ngày 2/5/1996, Tòa án Bắc Kinh đã mở phiên xử sơ thẩm và cũng là chung thẩm, tuyên phạt Trương Kim Long án tử hình. Long bị hành quyết ngay sau đó.

Chân tướng vụ việc

Dù ầm ĩ, mọi chuyện rồi cũng trôi qua dần, cho đến năm 2013, ông Ngô Hoan - nhà văn và họa sĩ khá nổi tiếng, hiện là Ủy viên Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc - bỗng cho đăng bài viết: “Thể diện của đại nhân vật và tôn nghiêm của tiểu nhân vật – Bàn về việc sau khi Lý Bái Dao bị hại”. Sự thật về vụ án bắt đầu được hé lộ.

Ngô Hoan cho biết, đã điều tra và biết rõ sự thật bị che đậy về vụ án. Thì ra, bất hòa với vợ, ly thân đã lâu, ông Lý Bái Dao ở một mình trong ngôi biệt thự. Cảnh vệ Trương Kim Long thấy ông thui thủi một mình nên thương cảm, bèn về quê đưa cô em gái lên làm người giúp việc.

Nào ngờ, Lý Bái Dao cưỡng bức cô gái, làm cô mang bầu thì đuổi đi. Trước sự việc nhục nhã ấy, Trương Kim Long ra tay trả thù để cởi bỏ nỗi căm hận kẻ đã hại đời em gái. 

Lý Bái Dao và phóng viên
 Lý Bái Dao và phóng viên

Ngô Hoan viết, những nhà đạo đức hẳn sẽ lên án Long sao không sử dụng đến vũ khí pháp luật, đưa Lý Bái Dao ra tòa?. Thực ra, ai dám chắc khi ra tòa, pháp luật sẽ bảo vệ Long mà không bảo vệ người có quyền cao chức trọng?

Một lính cảnh vệ và một cô gái nông thôn định dùng pháp luật đối kháng với vị Phó Ủy viên trưởng, phần thắng thuộc về bên nào thật dễ dàng đoán được. “Mỗi khi nhớ lại vụ án, tôi lại thấy phẫn nộ: Vì sao trong thế giới yên bình này, thể diện của nhân vật lớn lại quan trọng hơn sự tôn nghiêm của nhân vật nhỏ?.

Nhân vật lớn mặt người dạ thú, sau khi tự nhóm lửa thiêu thân, chết rồi vẫn còn được người ta tìm mọi cách che đậy “dạ thú”, dày công nặn cho ông ta bộ mặt chính nhân quân tử. Nhân vật nhỏ chịu mọi tủi nhục, sau khi chết còn bị hắt thêm nước bẩn.

Trương Kim Long hành hung để trả thù rửa hận, sau khi chết bị vu cáo thành kẻ đạo chích; Lý Bái Dao hoang dâm bị giết lại được dựng lên thành gương hy sinh dũng cảm vật lộn với kẻ cướp. Tội nhất là cha mẹ Trương Kim Long, con gái bị chà đạp, con trai bị hành quyết lại còn chịu tiếng oan có con là kẻ trộm cắp, giết người, mang nỗi nhục trong suốt quãng đời còn lại”.

Ngô Hoan nói, ông công khai sự thật vụ án bởi sau bao năm lại thấy báo chí đăng bài “Sau khi Lý Bái Dao bị hại” vẫn kết tội Trương Kim Long. Ông viết: “Sự thật vụ án Lý Bái Dao bị giết, cả cơ quan Tổng công hội Trung Quốc ai cũng biết, lẽ nào tác giả bài báo lại không hay biết?".

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.