Bí ẩn quanh cái chết của các nhà khoa học hạt nhân

 Nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri được chào đón nồng hậu trong ngày từ Mỹ trở về Iran hồi giữa tháng 7-2010
Nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri được chào đón nồng hậu trong ngày từ Mỹ trở về Iran hồi giữa tháng 7-2010
(PLO) -Mặc dù hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran xác nhận, nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri vừa bị hành quyết sau khi cơ quan chức năng làm rõ việc cung cấp cho tình báo Mỹ những thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran, dư luận và giới chuyên môn vẫn bàn luận về vấn đề này...

Ngày 7/8, hãng IRNA dẫn lời người phát ngôn Gholamhosein Mohseni Ejehi của cơ quan tư pháp Iran cho biết, nhà khoa học Shahram Amiri đã cung cấp cho kẻ thù thông tin trọng yếu của đất nước. 

Trước đó, giới truyền thông phương Tây đã dẫn lời mẹ đẻ ông Shahram Amiri cho biết, con trai bà vừa bị treo cổ. Ngày 4/8, gia đình ông Shahram Amiri đã nhận được thi thể của nhà khoa học với dấu vết dây thừng còn hằn trên cổ. Theo tờ Iran Wire, ông Shahram Amiri bị hành hình ngày 3/8.

Vụ mất tích bí hiểm

Hơn 6 năm trước (hạ tuần tháng 6/2010), đài truyền hình nhà nước Iran PTV phát một đoạn clip nói về vụ đào tẩu thành công của một người tự xưng là Shahram Amiri, bị người của cơ quan tình báo Mỹ bắt cóc khi đến Hajj, Saudi Arabia hồi đầu tháng 6/2009.

Shahram Amiri cho biết, vừa đào thoát thành công khỏi sự kiểm soát của các nhân viên an ninh tại bang Florida, Mỹ và đang ẩn nấp tại một nơi an toàn. Amiri tuyên bố, bị người của cơ quan tình báo Mỹ và Saudi Arabia bắt cóc, tra tấn dã man, sau đó ép phải quay một đoạn clip giả để mọi người thấy ông đang sống thoải mái ở gần Tucson, bang Arizona, Mỹ. 

Hơn 1 năm sau ngày nhà khoa học mất tích, nhiều video đã xuất hiện trên phương tiện truyền thông, khi một người đàn ông tự nhận là Shahram Amiri tuyên bố, bị các điệp viên Mỹ bắt cóc và ép phải hợp tác với CIA.

Và giới chức Iran cũng từng dẫn lời khai của ông Shahram Amiri cho biết, nhà khoa học đã bị mật vụ Mỹ bắt cóc khi đang hành hương đến thánh địa ở Saudi Arabia đầu tháng 6/2009. Khi đó, Ngoại trưởng Iran là ông Manouchehr Mottaki đã khẳng định, ông Shahram Amiri bị bắt cóc và tình báo Mỹ đứng sau vụ này dưới sự trợ giúp của cơ quan mật vụ Saudi Arabia.

Nhưng trước đó (tháng 3/2010), hãng truyền hình ABC đưa tin, ông Shahram Amiri đang giúp cơ quan tình báo Mỹ làm một bản báo cáo về kế hoạch phát triển hạt nhân của Iran. Đổi lại, ông Shahram Amiri được nhập quốc tịch Mỹ và làm việc cho CIA, nhưng Nhà Trắng đã phủ nhận thông tin này. 

Sau đó, giới truyền thông Mỹ cho biết, CIA đã trả ông Shahram Amiri khoảng 5 triệu USD để nhà khoa học rời Iran tới Mỹ cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran. Nhưng sau khi rời Mỹ về nước, ông Shahram Amiri không lấy khoản tiền này.

Trước khi bị bắt cóc, ông Shahram Amiri làm việc tại trường Đại học Công nghệ Malek Ashtar ở Tehran và Cơ quan Năng lượng hạt nhân Iran. Với tư cách chuyên gia đo đạc mức độ phóng xạ, Shahram Amiri có quyền tiếp cận nhiều khu vực nhạy cảm ở Iran và đây là nguồn tin quý báu của tình báo Mỹ.

Nhà khoa học Shahram Amiri về nước ngày 15/7/2010 và con trai ông đón tại sân bay. Nhưng chỉ vài tuần sau khi sống với gia đình, ông Shahram Amiri biến mất, bị ngược đãi cho dù trước đó từng được người dân Iran chào đón như anh hùng. Bộ Ngoại giao Iran đã chuyển cho Mỹ 3 cuộn băng video được coi là bằng chứng cho thấy, CIA bắt cóc ông Shahram Amiri.

Giới chuyên môn khó hiểu trước khả năng đào tẩu của ông Shahram Amiri - bị bắt cóc, bị giam lỏng ở bang Arizona, Mỹ, nhưng vẫn đào thoát thành công khỏi sự kiểm soát của nhân viên an ninh. Tờ New York Times cũng từng dẫn ra sự bất nhất trong tuyên bố của Shahram Amiri - lúc tuyên bố bị CIA bắt cóc, sau lại nói tự nguyện đến Mỹ học tập, và quyết định quay về nước vì nhớ con trai.

Có tin nói rằng, CIA từng cảnh báo ông Shahram Amiri về hậu quả diễn ra, nếu về nước. Sau khi về nước, ông Shahram Amiri luôn khẳng định, tuy bị CIA bắt cóc, nhưng không tiết lộ bí mật quốc gia nên đã được chính phủ Iran đánh giá là nhà khoa học yêu nước và được người dân chào đón như một người anh hùng.

Sau khi ông Shahram Amiri về Tehran, cơ quan an ninh Iran lập tức làm rõ mọi di biến động của nhà khoa học sau khi bị bắt cóc - liên tục thẩm vấn, ngược đãi, vì nghi ngờ ông đã tiết lộ bí mật hạt nhân cho Mỹ. Trước đó (tháng 5/2010), Bộ trưởng Tình báo Iran Heidar Moslehi từng bắn tin: Tehran có thể đổi 3 tù nhân Mỹ lấy Shahram Amiri.

Nhà khoa học Amiri khi trở về năm 2010
Nhà khoa học Amiri khi trở về năm 2010

Những cáo buộc không lời đáp

Ông Heidar Moslehi cũng từng khẳng định (tháng 1/2011), việc thủ tiêu nhà vật lý-hạt nhân hàng đầu của Iran Massoud Ali Mohammadi là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan tình báo Mossad, Israel. Ông Masood Ali-Mohammadi tử nạn trong vụ nổ xảy ra hồi 7giờ30 ngày 12/1/2010 ở khu vực Keytariya, phía Bắc Tehran, và tuyên bố kể trên diễn ra sau khi giới truyền thông đưa tin về vụ ngược đãi nhà khoa học Shahram Amiri. 

Trước khi ông Shahram Amiri bị bắt, một số quan chức quan trọng của Iran cũng từng bị bắt cóc, mất tích, sát hại hoặc đột tử. Năm 2007, chuyên gia hàng đầu tại cơ sở hạt nhân Isfahan, ông Ardeshire Hassanpour bất ngờ qua đời - bị chết ngạt vì khói của lò sưởi đốt bằng khí trong khi đang ngủ. Nhưng trên thực tế, ông Ardeshire Hassanpour được phát hiện chết trước đó 6 ngày.

Mạng tin tình báo Stratfor của Anh từng cho rằng, ông Ardeshire Hassanpour đã bị người của Mossad ám sát bởi từng giành giải thưởng cao nhất của Iran về nghiên cứu quân sự (2004), giải nhất tại liên hoan khoa học quốc tế Kharazmi ở Iran (2006) và đang làm việc tại cơ sở hạt nhân Isfahan, nơi sản xuất khí hexafluoride để làm giàu uranium tại một nhà máy khác ở Natanz.

Giới chuyên môn quan tâm tới cáo buộc hôm 1/1/2011 của Thứ trưởng Ngoại giao Mohammed Raouf Sheybani và Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Wahidi khi cho rằng, Mossad đứng sau vụ bắt cóc cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ali Reza Asghari.

Vợ ông Ali Reza Asghari cũng nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra và sớm đưa ra kết luận bởi chồng bà bị bắt cóc tại Istanbul. Thứ trưởng Mohammed Raouf Sheybani khẳng định, Israel đã bắt cóc ông Ali Reza Asghari tại Istanbul, dưới sự giúp sức của tình báo Mỹ. Ông Ali Reza Asghari làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1997-2005) dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami và biết khá nhiều bí mật quốc gia, từng bị giới truyền thông cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ, Isarel.

Có tin nói rằng, tình báo Israel đã trợ giúp ông Ali Reza Asghari đào tẩu thành công bởi cựu Thứ trưởng Quốc phòng từng làm việc cho Mossad. Và khi đào tẩu ông Ali Reza Asghari đã mang theo khá nhiều tài liệu mật liên quan tới mối quan hệ quân sự giữa Iran với các tổ chức vũ trang ở khu vực Trung Đông... Ông Ali Reza Asgari, bị mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 12/2007.

Trong khi dư luận coi đây là vụ bắt cóc thì giới truyền thông phương Tây cho rằng, ông Ali Reza Asgari đã đào tẩu và cung cấp cho CIA nhiều thông tin có giá trị về quân sự của Iran, cũng như chương trình vũ khí hạt nhân đầy tranh cãi của Tehran. Cảnh sát trưởng Iran Ismail Ahmadi-Moghaddam từng cho rằng, có thể tình báo phương Tây đã tiến hành vụ bắt cóc này. 

Ngày 15/7/2012, hãng Fars dẫn lời Bộ trưởng Tình báo Heidar Moslehi cho biết, đã bắt nhiều nhóm đối tượng được giao nhiệm vụ sát hại các nhà khoa học nổi tiếng của Iran. Tuyên bố này xuất hiện sau hơn 1 tuần ông Heidar Moslehi đưa ra cáo buộc Pháp và Đức ám sát một số nhà khoa học hạt nhân của nước này.

Trước đó (17/6/2012), ông Heidar Moslehi lần đầu tiên công bố số lượng nghi can bị bắt (20 người) liên quan tới việc ám sát các nhà khoa học và chuyên gia hạt nhân Iran. Theo thống kê, đã có ít nhất 4 nhà khoa học liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran bị ám sát kể từ năm 2010. Những nhà khoa học Iran từng bị thiệt mạng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau đã được đề cập tới trong cuốn sách có tên “Spies Against Armageddon: Inside Israel's Secret Wars” (Những gián điệp chống lại cuộc chiến quyết liệt: Bên trong các cuộc chiến bí mật của Israel) của 2 tác giả Dan Raviv và Yossi Melman.

Theo đó, Mossad đã cử điệp viên xâm nhập Iran để ám sát những nhà khoa học hạt nhân Iran trong khuôn khổ một chiến dịch nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Tehran. Và Mossad đã sát hại ít nhất 4 nhà khoa học hạt nhân Iran, trong số này đáng chú ý nhất có ông Mostafa Ahmadi Roshan, Phó Giám đốc cơ sở làm giàu uranium tại nhà máy Natanz của Iran./. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.