Thời gian vừa qua, bà Võ Thị Phượng (SN1958, ngụ ở phường 15, quận 5, TP.HCM) liên tục gửi đơn kêu cứu và Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Văn phòng Chính phủ có công văn chuyển đơn đến TANDTC và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết...
Bà Võ Thị Phượng bức xúc trình bày vụ việc |
Từ chứng cứ không có thực
Ngày 23/7/2010, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Huỳnh Lập Thành (Phó Chánh án TANDTC tại TPHCM), Tòa Phúc thẩm - TANDTC tại TP.HCM đã xét xử vụ “Tranh chấp thừa kế”, với nhiều tình tiết “bất ngờ” đến khó hiểu khi những tình tiết không tồn tại trong bản án sơ thẩm nhưng được sử dụng kết luận rằng “…một sai lầm nghiêm trọng…” để sửa lại toàn bộ nội dung án sơ thẩm.
HĐXX phiên Phúc thẩm ngày 23/7/2010 cho rằng: “…cấp sơ thẩm nhận định diện tích 128m2 do ông Chợ mua vào năm 1966 và xác định là tài sản riêng của ông Chợ là không chính xác…”. Điều này đã bỏ qua các kết quả điều tra, xác minh từ nhiều năm và kết luận của cơ quan chức năng huyện Bình Chánh là Phòng Quản lý Đô thị, UBND huyện Bình Chánh…
Bản án sơ thẩm số 338/2010/DSST ngày 25/3/2010 của TAND TPHCM đã làm rõ căn nhà số 64/11/12 Khu phố 4, phường An Lạc A có hai phần. Phần diện tích phía trước 128m2 đất là do ông Võ Văn Chợ (cha bà Phượng) mua năm 1966, được Tỉnh trưởng Gia Định cấp phép xây dựng ngày 04/02/1967. Nay diện tích trên chỉ còn 114,55m2, Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Tân duyệt nội nghiệp ngày 08/9/2009…
Nhưng HĐXX Phúc thẩm lại cho rằng bà Trần Thị Bảy chứng minh được nguồn gốc đất sang nhượng bằng giấy tay giữa bà Bảy với ông Nguyễn Văn Ut vào ngày 14/8/1983. Còn phần diện tích phía sau 162m2 đất của căn nhà số 64/11/12 Khu phố 4, phường An Lạc A (chung địa chỉ với phần diện tích phía trước 128m2 đất) là một cái ao, do ông Võ Văn Chợ và bà Trần Thị Bảy mua lại của ông Nguyễn Văn Ut vào năm 1989 (không phải là năm 1983 như HĐXX phúc thẩm đã tuyên).
Bà Phượng, cho biết: “Giấy tay nói trên là giả mạo vì nếu có mua 162m2 đất phía sau là mua vào năm 1989. Cha tôi đứng tên hợp pháp phần diện tích phía trước 128m2 của căn nhà số 64/11/12 Khu phố 4, phường An Lạc A vào năm 1966-1967. Đến năm 1969 kết hôn với bà Trần Thị Bảy và ly dị vào năm 2002 theo Quyết định số 41/TL ngày 28/3/2002 của TAND huyện Bình Chánh.
Chẳng lẽ việc mua bán giữa bà Bảy và ông Nguyễn Văn Ut phần diện tích phía trước 128m2 đất vào năm 1983, cha tôi lại không biết và không được tham gia trong thời kỳ hai người còn hôn thú?. Và việc sang nhượng bằng giấy tay giữa ông Út- bà Bảy được HĐXX Phúc thẩm công nhận, trong đó có cả diện tích phía trước là 128m2 đất. Như thế có nghĩa là phần đất 128m2 được sang nhượng 02 lần ở 02 thời điểm năm 1966 và năm 1983. Trong khi năm 1985 tôi vẫn sinh sống ở căn nhà trên và không hề nghe nói đến việc cái ao phía sau nhà…”.
Niềm tin vào công lý
Tại đơn khiếu nại Bản án Phúc thẩm số 146/2010/DSPT, bà Phượng trình bày, dù là nguyên đơn của vụ án “Tranh chấp thừa kế” phần diện tích phía trước 128m2 của căn nhà 64/11/12 (nay là số 15 Dương Tự Quán) Khu phố 4, phường An Lạc A, quận Bình Tân, nhưng lại bị ông Thành và Hội đồng xét xử nhiều lần gạt ngang, không cho trình bày ý kiến của mình, kể cả trong phần tranh luận.
Trong khi đó, phía bị đơn Trần Thị Bảy thuê luật sư Nguyễn Thị Sáng (tham dự chính từ phiên sơ thẩm) là người phát biểu nhiều nhất tại phiên phúc thẩm nhưng trong Bản án số 146/2010/DSPT ngày 23/7/2010 lại không thấy danh tính, vị trí của luật sư này.
Phiên Phúc thẩm ngày 23/7/2010 đã “vô hiệu hóa” giấy di chúc có hiệu lực pháp luật của bà Phượng (dù phần này đã được TAND huyện Bình Chánh có văn bản phúc đáp, hướng dẫn Thi hành án huyện Bình Chánh số 158/ TA ngày 01/8/2002).
Và đã có sự “nhầm lẫn” đến lạ lùng trong việc phân định phần thừa hưởng di sản thừa kế ở hai phần khác nhau, cụ thể là số tiền 50.868.700 đồng và 19 lượng vàng SJC còn lại là tiền bán bán đấu giá 1/3 căn nhà 64/11/12 ở phần diện tích 162m2 đất phía sau (được chia nhỏ thành 03 phần đất), cũng không liên quan gì đến phần diện tích 128m2 đất phía trước căn nhà 64/11/12 như kết luận của HĐXX phúc thẩm…
Thiết nghĩ, khiếu nại của người dân cần được TANDTC và VKSNDTC xem xét chỉ đạo giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự và tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Bài,ảnh: Duy Anh - Nhật Anh