Lập nhiều nhưng chết yểu
Chưa bao giờ khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của Chính phủ như hiện nay. Khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được rèn luyện, nâng cao. Điều này được thể hiện ngay trong báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp mới được thành lập trong 2 tháng đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 14.451 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn đăng ký đạt 152.558 tỷ đồng, tăng 3,9% về số lượng và 35% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số trên cho thấy viễn cảnh kinh doanh tại Việt Nam đang khởi sắc với sự mạnh dạn tham gia của cộng đồng khởi nghiệp Việt. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài để mắt tới khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng khó khăn cũng không kém vì phần lớn các bạn trẻ khởi nghiệp lần đầu. Thiếu trải nghiệm thực tiễn, thiếu chiến lược phát triển… và ảo tưởng.
Một số ý kiến cho rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp, các start up đều mang trong mình nhiệt huyết cháy bỏng với suy nghĩ ý tưởng của mình là hoàn hảo và có tiềm năng phát triển, sẵn sàng bứt phá vươn tới thành công. Tuy nhiên, chính sự quá tự tin vào khả năng, kiến thức “giáo trình” cũng như “tiềm năng” từ sản phẩm khiến nhiều “doanh nhân” gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng công ty. Theo số liệu thống kê không chính thức thông qua khảo sát online tại cộng đồng khởi nghiệp thì có tới 70% công ty/nhóm khởi nghiệp không có cơ hội được tổ chức “sinh nhật” sau 2 – 3 năm vận hành, hoạt động.
Nguyên nhân được nhiều start up chia sẻ là nguồn vốn, việc chạy đây đó để tìm nhà tài trợ hay quỹ đầu tư mạo hiểm đã chiếm phần lớn thời gian dành cho phát triển sản phẩm. Hiện số lượng start up đang tăng trong khi quỹ đầu tư lại ít ỏi và họ cũng kỳ vọng start up phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào đã tạo ra làn sóng cạnh tranh gay gắt giữa các công ty/nhóm khởi nghiệp trong kiếm tìm nguồn vốn. Nếu ở Mỹ, start up chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam start up phải chứng minh bằng số liệu. Điều này cũng dễ hiểu khi nhà đầu tư cần đảm bảo tiền sẽ sinh ra tiền khi rót vốn vào dự án của các start up.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ một start up từng thất bại, vốn không hẳn là vấn đề chính bởi nhiều dự án được đầu tư bài bản nhưng vẫn thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là quy mô ứng dụng của ý tưởng có đảm bảo để phát triển trong một thời gian dài hay không bởi do tính cạnh tranh nên vòng đời sản phẩm sẽ bị thu ngắn lại. Nhiều sản phẩm khi mới tung ra thị trường đã tạo được tiếng vang nhưng sau đó không duy trì được và sụp đổ.
Ngoài ra, kiểm toán yếu cũng là vấn đề phải được quan tâm. Nhiều công ty có sản phẩm tốt nhưng khi gọi vốn thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá, báo cáo tài chính… Nếu báo cáo kiểm toán được thực hiện bởi một công ty nước ngoài thì khả năng thành công luôn ở mức cao, còn thực hiện trong nước thì sẽ phải chứng minh khả năng xoay vòng, quản trị tài chính.
Hơn nữa, nhiều start up tại Việt Nam chỉ biết cắm cúi vào làm để cho ra sản phẩm tối ưu hơn đối thủ của cạnh tranh mà không biết cách giới thiệu sản phẩm ra thị trường, thiếu kế hoạch định hướng người tiêu dùng. Tình trạng này đặc biệt đúng với start up công nghệ khi dành phần lớn thời gian cho lập trình. Do đó, dù có sản phẩm tốt thì khả năng thành công cũng không cao.
Một vấn đề cốt lõi là nhiều start up ảo tưởng với kiến thức và kinh nghiệm. Ngay cả đối với các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm thì kiến thức chưa bao giờ là đủ. Những kiến thức mới luôn được khám phá mỗi ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Đó là lý do tại sao tại Việt Nam các tổ chức, quỹ khởi nghiệp… khá nhiều nhưng start up khó gọi vốn và phát huy hiệu quả.
Không phủ nhận việc từng có start up thành công ngay trên ghế nhà trường, nhưng phần lớn chỉ với một vài năm kinh nghiệm, đọc nhiều sách … là lý do dễ mắc “bẫy start up” và dẫn đến sụp đổ. Vì vậy, ngoài kiến thức nền tảng, cần mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác, luôn học hỏi từ người đi trước để tránh được “vết xe đổ” không đáng có.
Cần sự đồng hành để tháo gỡ khó khăn
Theo một số start up, cũng xuất phát từ vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Kỹ năng tuyển dụng, quản trị nhân sự của các chủ doanh nghiệp cũng tương đối yếu do “mải làm”. Thậm chí, có doanh nghiệp mời chào trả lương bằng hình thức cổ phần nhưng vẫn “ế”. Thêm vào đó, nhiều trường hợp do kỹ năng tuyển dụng yếu đã tuyển nhầm người, tức là tuyển về sau một thời gian mới biết khả năng làm việc không như ứng viên thể hiện lúc phỏng vấn. Vì vậy, thành công đối với start up lần đầu khởi nghiệp là món quà “xa xỉ”.
Ngoài những khó khăn về tài chính, nhân sự, chiến lược phát triển sản phẩm. Chính sách và thủ tục hành chính cũng là điều mọi công ty khởi nghiệp cảm thấy lo lắng và do dự trong bước đi.
Thấu hiểu những khó khăn trên, thông qua chương trình UberExchange – Khởi nghiệp thông minh, Uber mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm đúc kết trong 7 năm phát triển tới cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
“Mục tiêu của Uber là được đồng hành cùng thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp, giúp các nhóm khởi nghiệp nâng cao tư duy, cũng như đưa ra chiến lược xây dựng và phát triển dự án, tạo đòn bẩy giúp họ vượt lên, bứt phá và trở thành những công ty điển hình cho một thế hệ tiên phong, góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp dẫn đầu trong khu vực như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, ông Mike Brown - Tổng Giám đốc Uber Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ.