Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19: “Điều muốn làm nhất sau khi được về nhà là ôm mẹ”

Nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19: “Điều muốn làm nhất sau khi được về nhà là ôm mẹ”
(PLVN) -  Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, ngoài sự góp sức của các bác sĩ, y tá còn có một đội ngũ các điều dưỡng viên tích cực tham gia chăm sóc bệnh nhân. Những bóng áo xanh nơi phòng bệnh lặng lẽ đút từng miếng cháo, từng ngụm nước cho người bệnh nhân là hình ảnh khiến chúng tôi xúc động khi có dịp được tiếp xúc với các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.

Chăm sóc bệnh nhân từ bữa ăn đến giấc ngủ

Những ngày cuối tháng 5, khi tình hình dịch Covid-19 tại nước ta đang dần được kiểm soát, các ca bệnh đã có chuyển biến tích cực, ngay cả những ca bệnh nặng như BN19 đã được ra viện, chúng tôi được dịp tiếp xúc với nữ điều dưỡng chuyên chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Cô ấy tên là Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1991), là Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Xúc động nhớ lại khoảng thời gian cùng sát cánh với các đồng nghiệp chống dịch Covid-19, Hưởng kể: “Mình làm việc ở đây cũng đã hơn 3 năm. Công việc thường ngày là điều dưỡng viên, chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân, nhiều bệnh nhân không có người nhà hỗ trợ thế nên mình phải chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Chuyên môn của mình là làm thuốc, phát thuốc và cho bệnh nhân uống thuốc, theo đó mình cũng sẽ cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giúp bệnh nhân tắm rửa, thậm chí là cả việc đi vệ sinh”.

Hưởng là một trong số các điều dưỡng nhận nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc BN19, kể về khoảng thời gian chăm sóc BN19 Hưởng nhớ lại: “Trong thời gian chăm sóc BN19, điều khiến mình bất ngờ nhất là bác gọi tên mình. Chỉ là những câu như "Hưởng ơi, lấy cho bác cái này" hay là "Bác ăn cái kia", sau đó thì nói chuyện nhiều hơn, tâm sự về gia đình. Các bạn điều dưỡng ở đây, ai bác cũng nhớ tên, nếu ca có bạn nào không đi làm là bác sẽ hỏi ngay. Điều này khiến mình thấy rất vui và hạnh phúc. Đặc biệt là qua từng ngày chăm sóc mình thấy được sức khỏe của bác ấy tốt dần lên. Thế rồi cũng đến ngày bác đã được xuất viện”.

BN19 những ngày ở viện được điều dưỡng Hưởng chăm sóc.
BN19 những ngày ở viện được điều dưỡng Hưởng chăm sóc. 

Do dịch Covid-19 bùng phát khiến cho nhiều đơn vị thiếu nhân lực, đặc biệt là tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đây các điều dưỡng như Hưởng ngoài chăm sóc cho bệnh nhân Việt Nam họ còn chăm sóc cả bệnh nhân là người nước ngoài với những nỗ lực cao nhất.

Nhớ về những ngày đó Hưởng tâm sự: “Bệnh nhân là người nước ngoài nặng 80-90kg nhưng bởi vì nằm quá lâu một chỗ nên khó chịu, thế nên trở mình nhiều và còn chui xuống dưới giường, một mình mình phải kéo bệnh nhân lên. Lúc đầu còn nhiều khó khăn, nhưng khi quen rồi mọi người cũng có nhiều kĩ năng, kĩ thuật để giúp bệnh nhân nằm tư thế tốt nhất”.

Những ngày sát cánh chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 có lẽ là những tháng ngày không quên của cô điều dưỡng trẻ tuổi. Nhớ lại khi mới tiếp nhận nhiệm vụ này Hưởng nói: “Do số lượng bệnh nhân tăng lên, bệnh viện không có đủ nhân lực nên mình cùng một số anh, chị được điều chuyển tăng cường chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Mọi người vẫn cứ nghĩ căn bệnh này thật đáng sợ, nhưng với bác sĩ, y tá và điều dưỡng như chúng mình thì chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi. Mình chỉ có duy nhất một suy nghĩ đó là muốn cống hiến sức mình để cùng chung sức giúp đất nước vượt qua được đại dịch này”.

Những ngày nhận nhiệm vụ ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn phải gắn liền với những bộ đồ bảo hộ: “Có những hôm trời nóng, phải mặc đồ bảo hộ kín mít chăm bệnh nhân mà phòng lại không được bật điều hòa, chỉ cần mặc được 5 phút thôi, mồ hôi đã chảy ròng ròng như tắm, ướt sũng cả người bởi bộ đồ bảo hộ không nặng nhưng rất bí. Những ngày đầu mặc đồ bảo hộ do chưa thành thục cách mặc đồ nên trên mặt rồi trên người hằn lên khá nhiều vết do khẩu trang, quần áo thít chặt. Thế nhưng dần rồi chúng mình cũng quen. Ngay sau khi chăm bệnh nhân xong, tháo đồ bảo hộ là chúng mình sẽ đi tắm, gội đầu, sát khuẩn để đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh”.

Các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân từ bữa ăn đến giấc ngủ. 

Cũng vì đông bệnh nhân chuyển về bệnh viện cách ly, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại bệnh viện lại căng mình chăm sóc bệnh nhân. Nhớ về những ngày ấy, Hưởng tâm sự: “Với chúng mình, việc ngủ gục trên bàn là việc thường xuyên luôn vì quá mệt, nhưng đấy chỉ là buổi tối lúc bệnh nhân ngủ rồi, còn ban ngày có 12 tiếng thì chăm bệnh nhân cả 12 tiếng, có khi chỉ có 30 phút để ăn cơm và thay phiên nhau trực bệnh nhân. Và lúc đó, anh chị em ở đây chỉ biết động viên nhau ăn để lấy sức tiếp tục chăm sóc bệnh nhân, bởi có quá nhiều người cần đến sự chăm sóc của chúng mình”.

Hơn 2 tháng chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 điều đầu tiên khi được về là muốn ôm mẹ…

Đã hơn 2 tháng Hưởng nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 cũng là khoảng thời gian xa gia đình với cô điều dưỡng trẻ tuổi. Với Hưởng đây là khoảng thời gian xa gia đình lâu nhất và cũng là khoảng thời gian giúp cô học được nhiều thứ nhất. Kể về quãng thời gian này, Hưởng cho hay: “Thật sự là làm việc liên tục trong thời gian dài như thế, mình đã cảm thấy nản chí. Có những lúc nhớ nhà nhưng mà không dám gọi điện cho người thân vì sợ gọi nhiều lại càng nhớ nhiều. Nhiều lúc tủi thân mà bật khóc lúc nào không biết, nhìn thấy các bạn khác được về trước rồi, nhưng mình vẫn phải ở lại vì phải đợi BN19 khỏi bệnh rồi mới được về nhà, dù có chạnh lòng một chút nhưng cũng vui cho các bạn ý”.

Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1991), là Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
 Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1991), là Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Thế nhưng, dường như chỉ cần nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mẹ cô điều dưỡng ấy như được tiếp thêm sức mạnh, nụ cười nhanh chóng nở trên môi khi có quyết định trong ngày 27/5 khi không có thêm bệnh nhân nặng nào được chuyển lên bệnh viện trong tình trạng nặng, Hưởng sẽ được trở về gặp gia đình sau bao nhiêu thời gian vất vả chiến đấu. “Mình nghĩ từ lâu rồi, điều mình muốn làm nhất là khi trở về nhà được ôm mẹ, lúc nào cũng nghĩ như thế”, Hưởng rưng rưng nước mắt chia sẻ.

Ngay khi nhận được quyết định sẽ được nghỉ phép về với gia đình, Hưởng đã vui tới nỗi không ngủ và đã gọi về thông báo ngay với mẹ. “Nhận được thông báo sắp được về thăm nhà mình vui lắm, đã gọi ngay cho mẹ để mẹ và gia đình mừng. Mẹ mình không phải là người giỏi thể hiện sự quan tâm nên cũng chỉ bảo ‘Ừ, về đi, muốn ăn cái gì để mẹ chuẩn bị, mẹ nuôi mấy con gà rồi đấy’. Chỉ cần nghe lời mẹ nói thế thôi là mình cũng thấy hạnh phúc lắm rồi”, Hưởng tâm sự.


Điều dưỡng Hưởng chia sẻ cảm xúc khi sắp được nghỉ phép trở về với gia đình sau hơn 2 tháng chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19

Với tinh thần sẵn sàng cho đi để nhận lại và trách nhiệm vì cộng đồng, quên mình để đóng góp vào thành công trong điều trị Covid-19. Những câu chuyện như của Hưởng sẽ là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ, bác sỹ trong tuyến đầu của “cuộc chiến” với dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.