Chuyện khó tin khi sống ngay bên nhà máy nước nhưng người dân của 2 xã Lộc Tiến và Lộc Thủy (Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) lại không có nước sạch để dùng khiến hàng trăm hộ dân, trường học phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn…
Người dân phải xây bể lọc nước để sử dụng |
Dai dẳng những cơn khát
Cách nhà máy nước Chân Mây chưa đầy 1km nhưng hàng ngàn hộ dân ở các thôn Phước Lộc, Phước An, xã Lộc Tiến, Phước Hưng, Phú Cường, Phú Xuyên… xã Lộc Thủy lại phải dùng nước phèn, nước bẩn trong khi nguồn nước tại nhà máy Chân Mây của Cty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế dư thừa, chỉ phục vụ 1/5 công suất.
Song song với Nhà máy nước Chân Mây, năm 2006, Tổ chức UNICEF đầu tư trên 1 tỉ đồng để xây dựng hệ thống nước tự chảy tại thôn Thuỷ Dương, xã Lộc Tiến. Hệ thống này được giao cho HTX điện nước quản lý nhưng nước thì ít mà người sử dụng thì nhiều nên từ hai năm nay hệ thống nước này tự nhiên “dở chứng”, chỗ nào thấp thì chảy, chỗ cao thì tắc tịt. HTX quản lý cũng bỏ mặc, dù cho dân kêu.
“Nước chảy lúc được lúc không nên chúng tôi phải dùng nước giếng khoan, nhưng bơm lên thì đỏ lòm, nếu muốn sử dụng thì phải lọc, nhưng lọc lại rồi vẫn không dám dùng. Ngày nào tôi cũng phải đi chở nước hơn 3km” anh Trần Duy Đợi (51 tuổi) thôn Phước Lộc chia sẻ.
“Tui rất lo lắng cho thế hệ con cháu, khi chúng phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn này, nguy cơ mắc các căn bệnh là khó tránh khỏi. Ngày mô đi họp trên xã chính quyền cứ bảo “chờ”. Nay nước sạch ở ngay sau lưng mà người dân chúng tôi vẫn phải “nhắm mắt” để sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Không biết còn phải chờ đến khi mô nữa đây”, ông Trương Thanh, Trưởng thôn Phước Lộc nói.
Anh Nguyễn Đình Lợi, thôn Phước Hưng bức xúc: “Thà Nhà nước không đầu tư Nhà máy nước sạch thì thôi, đằng này tốn tiền đầu tư hàng chục tỷ mà người dân vẫn uống nước phèn thì lãng phí quá”.
Các hộ dân không có nước sạch để dùng phải dùng nước nhiễm phèn, nhiễm bẩn thì ngay trên địa bàn 2 xã Lộc Tiến và Lộc Thuỷ nhiều trường học học sinh khốn khổ vì chuyện nước. Trường cấp 3 Thừa Lưu, nơi có hàng ngàn em học sinh ở các xã trên địa bàn về ở trọ học mỗi ngày phải đạp xe hơn 4 km để tắm, giặt. Giáo viên, học sinh nội trú cũng lao đao vì nước.
Nước bơm lên vàng khè nhưng ngày ngày gia đình anh Nguyễn Đình Lợi, vẫn dùng để sinh hoạt. |
Người dân đợi đến bao giờ?
Trước nhu cầu bức xúc của người dân, ngày 27/10/2011, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 4714/UBND thống nhất quy mô đầu tư công trình hệ thống cấp nước sạch cho các xã nói trên. Nội dung và quy mô đầu tư gồm xây dựng mới hệ thống nối mạng tuyến ống cấp nước sạch có công suất 570m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư là 6.300 triệu đồng.
Khi Quyết này được phê duyệt, Cty Cấp nước Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát và vận động người dân cùng “chung sức” để đơn vị hoàn thành đấu nối đường ống để sớm có nước sạch. Nhưng sau khi “hiến” xong đất, Cty Cấp thoát nước đấu nối xong đường ống từ cuối tháng 6 đến nay thì “án binh bất động” để mặc dân mỏi mòn chờ đợi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho biết: Hiện cả xã mới chỉ có 4 thôn được sử dụng nước tự chảy, còn lại các thôn khác vẫn mỏi mòn “chờ” và sử dụng nước nhiễm phèn.
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cũng bức xúc: “Địa phương chúng tôi cũng rất nóng lòng về chuyện nước sạch sử dụng của bà con, hiện cả xã chưa có thôn nào được sử dụng nước sạch, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp huyện nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân xã bà con đã rất bức xúc và liên tục phản ánh về vấn đề này. Điều đáng nói là sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, Cty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế có về khảo sát và chúng tôi đã vận động người dân hiến đất để đào đường ống nhưng sau khi lắp ống chính xong từ cuối tháng 6 đến nay dân vẫn chờ”.
Nhà máy nước Chân Mây (xã Lộc Tiến) được đầu tư xây dựng là để phục vụ cho các xã nằm trong Khu kinh tế Chân Mây –Lăng Cô, với công suất mỗi ngày hơn 6000m3 nước, nhưng hiện tại chỉ tiêu thụ hết hơn 1000m3, còn lại gần 5000m3 nước “dự trữ” tại nhà máy?.
Đến bao giờ hàng ngàn hộ dân Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô mới dùng được nước sạch?. Câu hỏi này dành cho các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thôn Phước An, có 227 hộ/ 960 khẩu, thôn Phước Lộc có 272 hộ/1198 khẩu (xã Lộc Tiến) đang sử dụng nước nhiễm phèn, 40% dân số thôn có nước tự chảy sử dụng. Riêng xã Lộc Thủy có 9 thôn thì có đến 3 thôn chưa có nước tự chảy về thôn đó là: thôn Phước Hưng, Phú Cường, Phú Xuyên. 60% dân số xã được sử dụng nước tự chảy, nhưng nước lúc chảy lúc ngưng. Hầu hết người dân nơi đây đang sống chung với nước nhiễm phèn và nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. |
Quang Liêm