Sông Mã là con sông của Việt Nam và Lào có tổng chiều dài 512 km, trong phần trên lãnh thổ nước ta dài 410km. Lưu vực con sông này rộng 28.400km2, độ dốc trung bình hơn 17% cùng nhiều hệ thống các con suối. Với lợi thế thiên nhiên ban tặng, đoạn sông chảy qua huyện Sông Mã mang theo lượng lớn tài nguyên thiên nhiên như phù sa, cát, đá sỏi.
Một vài năm qua, do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ngày càng nhiều của người dân khiến giá cát, sỏi vùng này cũng tăng cao, có thời điểm ngót 200 nghìn đồng/m3 cát. Chính vì vậy, địa phương này xuất hiện một số nhóm đối tượng thực hiện việc khai thác cát "chui" gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, phức tạp và khó kiểm soát.
Theo phản ánh của người dân tại huyện Sông Mã, thời gian gần đây xuất hiện nhiều tàu khai thác cát trên sông Mã. Cùng với đó, hàng loạt xe tải vận chuyển cát khai thác được đi tiêu thụ gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
Đầu tháng 5/2021, phóng viên có mặt tại nhiều điểm khai thác, tập kết cát dọc bờ sông Mã. Tại đây, tàu thuyền, máy xúc, xe ben liên tục bơm, hút, vận chuyển cát rất rầm rộ.
Theo ông L.V.G (trú tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, Sơn La) cho biết: “Gần hai tháng nay, tại khu vực gần cầu bản Cang, có một người tên Khang và một người tên Lạc đến khai thác cát khiến khu vực này luôn trong tình trạng khói bụi, ồn ào”.
Không chỉ ở xã Chiềng Khoong, tình trạng này tương tự cũng diễn ra tại bản Nà Cần, xã Chiềng Sơ, Chiềng Cang huyện Sông Mã.
Được biết, đầu năm 2021, UBND tỉnh Sơn La chỉ cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc với 9 điểm mỏ làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại huyện Sông Mã có gần 20 điểm mỏ đang khai thác, buôn bán.
Liên quan đến sự việc, phóng viên đã liên hệ phỏng vấn với ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã. Nhưng vị chủ tịch này lại viện lý do bận và cũng không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hơp làm việc.
Một tàu cát đang thực hiện việc khai thác tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã |
Phóng viên tiếp tục liên hệ với lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La nhưng lãnh đạo cơ quan này lại yêu cầu phóng viên làm việc với UBND huyện. Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La ông cho biết, “việc này là trách nhiệm của UBND huyện theo quy chế của UBND tỉnh”.
Theo quyết định số 1021/QĐ–UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh Sơn La ký về việc ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La, quy định rõ trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND cấp huyện trong việc bảo vệ khoáng sản trên địa bàn. Nhưng thực tế trên cho thấy, đang còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của UBND huyện sông Mã và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La khiến cho tình trạng khai thác cát sai phép, trái phép trên sông Mã đang diễn ra hàng ngày.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.