Chủ đề của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay là “Bản sắc văn hóa dân tộc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Nội dung chính các hoạt động gồm 4 hoạt động: Chương trình Đêm hội văn hóa dân tộc; Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền; Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Trong đó, có các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền như: Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ - Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer từ ngày 20/4/2018 tại Không gian làng dân tộc Khmer và quần thể chùa Khmer. Trình diễn Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) từ vào 14h ngày 20/4/2018 và 10h ngày 21/4/2018 tại Sân lễ hội làng dân tộc III do đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng và đoàn nghệ thuật Khmer, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, các sư chùa Khmer phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc tại Làng như: Tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) vào 9h ngày 21/4/2018 (Thứ Bảy) tại Làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An (Đồng bào dân tộc Thái huy động), đồng bào dân tộc Thái đang hoạt động hàng ngày và Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trình diễn ẩm thực các dân tộc vùng Tây Bắc vào 15h ngày 21/4/2018 tại Làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I.
Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên tại Làng với việc tái hiện Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai 9h ngày 22/4/2018 tại Làng dân tộc Gia Rai, Khu các làng dân tộc II. Trình diễn giai điệu Tây Nguyên vào 14h ngày 21/4/2018 và 15h ngày 22/4/2018 tại sân lễ hội làng III và Làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II do nhóm nhạc dân tộc của Kaly Tran dân tộc Ba Na ở làng Kon Klor, TP Kon Tum tỉnh Kon Tum thể hiện các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên đặc sắc với giai điệu của núi rừng, tâm tình của tuổi trẻ với mảnh đất Tây Nguyên. Có sự giao lưu âm nhạc với các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng: dân tộc Cơ Tu, dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) dân tộc Raglai (Ninh Thuận) dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk).
Sự kiện do Bộ VHTTDL chỉ đạo và Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành có huy động cộng đồng các dân tộc tham gia.
Sự kiện nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân qua việc thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.