Số ca nhiễm sởi trên toàn thế giới có thể gia tăng sau đại dịch virus corona vì các quốc gia buộc phải tạm dừng các chương trình tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ lo ngại hơn 117 triệu trẻ em có thể không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - căn bệnh đã khiến 140.000 người thiệt mạng trong năm 2018.
24 quốc gia đã hoãn các chiến dịch tiêm phòng sởi là: Bangladesh, Brazil, Bolivia, Campuchia, Chad, Chile, Colombia, Djibouti, Cộng hòa Dominican, Congo, Ethiopia, Honduras, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lebanon, Maldives, Mexico, Nepal, Nigeria, Paraguay, Somalia, Nam Sudan, Ukraine và Uzbekistan.
Trong khi đó một số quốc gia như Brazil, Bangladesh, Congo, Nam Sudan, Nigeria, Ukraine và Kazakhstan đang chiến đấu với dịch sởi lớn. Ví dụ, ở Congo, virus sởi đã giết chết hơn 6.000 người.
Các quan chức lo ngại rằng 37 quốc gia nơi đang có virus corona có thể trì hoãn các chương trình tiêm chủng, với 24 quốc gia đã đình chỉ các chương trình tiêm chủng để tập trung vào việc ngăn chặn và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Một tuyên bố chung của WHO, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (ACDC), UNICEF và Quỹ LHQ cảnh báo: mặc dù đã có vắc-xin an toàn và hiệu quả trong hơn 50 năm, nhưng các trường hợp mắc sởi đã tăng vọt trong những năm gần đây và đã cướp đi mạng sống của hơn 140.000 người trong năm 2018, chủ yếu là trẻ em và trẻ sơ sinh - cho dù tất cả đều có thể phòng ngừa được căn bệnh này.
Các chiến dịch tiêm phòng sởi phòng ngừa và đáp ứng nhanh đã bị tạm dừng hoặc hoãn lại ở 24 quốc gia để giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Các chiến dịch dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2020 tại 13 quốc gia khác có thể không được thực hiện.
Hơn 117 triệu trẻ em ở 37 quốc gia, nhiều người sống trong khu vực đang bùng phát bệnh sởi, có thể bị ảnh hưởng bởi việc đình chỉ các hoạt động tiêm chủng theo lịch trình.
Con số đáng kinh ngạc này không bao gồm số trẻ sơ sinh có thể không được tiêm chủng vì ảnh hưởng của Covid-19 đối với các dịch vụ tiêm chủng thông thường. Trẻ em dưới 12 tháng tuổi có nhiều khả năng tử vong do biến chứng sởi và nếu không ngăn chặn virus sởi, nguy cơ tiếp xúc với bệnh sởi sẽ tăng lên hàng ngày.
Hơn 140.000 người đã chết vì bệnh sởi năm 2018, theo ước tính từ WHO. Ảnh: Getty/iStock |
WHO đã công bố hướng dẫn cho các quốc gia duy trì các kế hoạch tiêm chủng trong đại dịch virus corona. Theo đó, các quốc gia không có dịch bệnh sởi bùng phát có thể tạm dừng các kế hoạch tiêm chủng phòng ngừa. Nhưng khi đó, trẻ em không được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh nên cần được theo dõi để đảm bảo chúng được bảo vệ chống lại bệnh sởi càng sớm càng tốt.
WHO nói thêm: Những nỗ lực khẩn cấp hiện nay phải được thực hiện ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu để tăng khả năng miễn dịch với virus sởi bằng cách đảm bảo có vắc-xin, và vắc -xin đến được với trẻ em và những người dễ bị tổn thương nhanh nhất có thể, để giữ an toàn cho họ.