Sở Lao động – Thương binh & Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Sở Tài chính TP HCM hôm qua họp bàn nhằm thống nhất ý kiến trình UBND TP HCM lùi thời gian thực hiện việc ngừng cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi không có hộ khẩu TP. Tuy nhiên, buổi họp đã chẳng đi đến đâu vì đại diện Sở Tài chính không ký vào biên bản cuộc họp.
Trẻ dưới 6 tuổi cần được tạo thuận lợi về bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa nguồn Internet |
Như Báo PLVN đã phản ánh, UBND TP HCM vừa có Thông báo số 423 truyền đạt kết luận của ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP: “Kể từ 1/7/2012, TP ngừng cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi không có hộ khẩu TP, những trẻ tạm trú đã được cấp thẻ BHYT các cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát và thu hồi” đến ngày 1/10/2012.
Dư luận bức xúc cho rằng đây là một quy định trái luật và thiếu tình người, bởi: Về mặt pháp lý, Khoản 2, Điều 17, Luật BHYT quy định: Địa phương nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là UBND phường, xã nơi cư trú của cha, mẹ trẻ. Các địa phương trên có trách nhiệm lập danh sách và đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cư trú tại địa bàn.
Trong khi đó Điều 1, Luật cư trú đã định nghĩa rất rõ: "Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú". Trên cơ sở của 2 văn bản này thì địa phương nơi trẻ tạm trú là đơn vị phải có nghĩa vụ lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các cháu.
Về tính nhân văn, sau khi có thông báo của TP, nhiều công nhân nhập cư có con nhỏ đang sinh sống tại TP HCM đã tỏ ra rất bức xúc, cho rằng: Lâu nay chính sách BHYT đã tạo thuận lợi cho người lao động nhập cư trong việc cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh (KCB). Nếu thực hiện theo quy định này hàng loạt công nhân sẽ vô cùng phiền toái, khổ sở để rồng rắn về quê làm thẻ cũng như thực hiện các chế độ BHYT cho con cái.
Chưa hết, tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009, của Ban Bí thư Trung ương về việc “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” nêu rõ: Các cơ quan chức năng phải tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách về BHYT, phát động cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT và chuẩn bị lộ trình tiến đến BHYT toàn dân trong những năm tiếp theo”. Thế nhưng không hiểu vì sao mà UBND TP HCM đã ra thông báo trái luật và không phù hợp với tinh thần của Chỉ thị số 38-CT/TW.
Trước Thông báo chỉ đạo của UBND TPHCM, tại cuộc họp ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TPHCM xác định: Với quy định trên thì BHXH TPHCM và các cơ quan liên quan không thể thực hiện kịp bởi thời gian quá gấp, vì vậy trong khi chờ xin ý kiến của các Bộ, ngành, BHXH TPHCM rất cần ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành. Qua đó để thống nhất và khuyến cáo UBND TP nên lùi thời hạn thực hiện thông báo trên đến ngày 1/10/2012 nhằm có thời gian hướng dẫn cho người dân.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cũng cho rằng trong khi chờ UBND TP xem xét lại thông báo trên thì cần phải lùi thời điểm thực hiện thông báo để có thời gian xử lý sao cho đảm bảo quyền lợi KCB của các cháu.
Trong khi BHXH, Sở LĐTB-XH TPHCM đều thống nhất kiến nghị trên và cùng ký vào biên bản cuộc họp thì đại diện Sở Tài chính là bà Kim Thu, Phó phòng KHTC lại tỏ ra dửng dưng theo kiểu “đứng ngoài cuộc”, không ký biên bản.
Theo bà Thu vụ việc đã “quá rõ ràng”, sau khi tìm hiểu tất cả các văn bản Sở Tài Chính thấy rằng không có quy định nào phải cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú (!?). Ngay tại buổi họp bà Thu còn cho biết ý kiến của bà chỉ là ý kiến cá nhân, để ký vào biên bản cuộc họp bà phải về… xin ý kiến lãnh đạo Sở Tài chính. Rốt cuộc, buổi họp chẳng xác định được gì.
Tiền thân của thẻ BHYT cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi là thẻ KCB miễn phí trước đây do Uỷ ban Dân số, Gia đình - Trẻ em quản lý cả việc cấp thẻ lẫn quyết toán tiền KCB. Tuy nhiên, năm 2008 Uỷ ban này giải thể nên việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng này được chuyển qua UBND các tỉnh, thành phố thực hiện và chịu trách nhiệm về kinh phí nên mới phát sinh rắc rối.
Lam Sơn