“Bệnh” sính bản sao
Qua hai vòng thi tuyển ngặt nghèo, anh Dương Nam Trung ở Hoài Đức, Hà Nội đã trúng tuyển vào một cơ quan nhà nước cấp Sở ở thành phố. Sau khi rà soát hồ sơ trúng tuyển, Sở này yêu cầu anh Trung bổ sung bằng tốt nghiệp phổ thông.
Vì thời hạn nộp hồ sơ chỉ còn 1 ngày nên anh Trung mang nguyên cả bằng tốt nghiệp lên trình cho Sở. Tuy nhiên, Sở yêu cầu anh phải nộp bản sao (có chứng thực của UBND cấp xã), nếu không phải nộp bản chính. Để đáp ứng, anh Trung đành phải nhờ một người quen trong nội thành đem bằng tốt nghiệp đi sao y khẩn cấp.
Một việc khác xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 1/5/2013, gia đình chị P.T.A, Q.2, TP.HCM bị chặn lại tại cửa an ninh sân bay Tân Sơn Nhất khi đã làm xong thủ tục lên máy bay để đi Phú Quốc. Lý do: bản sao khai sinh của 2 cháu nhỏ quá lâu, không còn trong thời hạn 6 tháng. Hậu quả, gia đình chị bị mất hơn 3 triệu đồng do hủy bay, tốn tiền taxi, tiền khách sạn đã đặt tại Phú Quốc. Mặc dù an ninh sân bay sau đó đã nhận sai và xin lỗi, song chuyến đi của gia đình chị vẫn bị hoãn lại.
Những trường hợp như của anh Trung, chị T.A là những minh chứng rất cụ thể cho việc “sính” bản sao ở nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay. Theo quy định của Nghị định 79//NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu.
Điều này có nghĩa là khi nộp hồ sơ người dân không nhất thiết phải nộp bản sao có chứng thực mà chỉ cần nộp bản phô tô và xuất trình bản chính để đối chiếu. Quy định là như vậy nhưng trên thực tế thì các cơ quan khi tiếp nhận hồ sơ đầu vào vẫn yêu cầu bản sao có chứng thực, với tâm lý có chữ ký, con dấu đỏ của Ủy ban thì vẫn “yên tâm” hơn. Chính vì tình trạng lạm dụng bản sao dẫn đến những phiền lụy cho người dân vì không phải lúc nào họ cũng đến cơ quan nhà nước “xin” chứng thực.
Do yêu cầu của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, dẫn đến các yêu cầu chứng thực bản sao của người dân ngày càng lớn. Tại TP. Hồ Chí Minh, có những phường một ngày tiếp nhận 1.500-2.000 bản sao. Nhiều quận, huyện ở Hà Nội mỗi ngày cũng tiếp nhận hàng trăm hồ sơ các loại, tương đương với cả ngàn bản sao, và gấp 3-4 lần con số đó là chữ ký và con dấu.
Vào mùa thi, mùa nhập trường, hay các đợt tuyển dụng lao động, đi xuất khẩu…thì các yêu cầu về chứng thực bản sao còn tăng nhiều lần. Vì thế, ở nhiều nơi, dù cán bộ đã được tăng cường ở mức tối đa song vẫn không thể trả kết quả cho dân trong ngày theo đúng quy định.
Không nhất thiết phải “chữ ký tươi, dấu đỏ”
Trước thực trạng này, không ít UBND cấp quận, huyện, xã phường đã phải ban hành công văn “khẩn” đề nghị các trường học, các cơ quan, tổ chức trong tiếp nhận hồ sơ hành chính, hồ sơ tuyển sinh thuộc thẩm quyền cần đối chiếu bản chính, tiếp nhận bản phô tô mà không yêu cầu nộp bản chứng thực để giảm tải cho công tác chứng thực.
Khắc phục tình trạng lạm dụng nói trên, giải pháp được đưa ra là phải hạn chế tối đa việc sử dụng bản sao chứng thực, tăng cường xuất trình bản chính giấy tờ để thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, làm được điều này thì vấn đề quan trọng là nhận thức của những cơ quan tiếp nhận hồ sơ, không nhất thiết phải có “chữ ký tươi, con dấu đỏ” khi bản thân cán bộ tiếp nhận đã tận mắt nhìn, đối chiếu bản sao với bản chính. T.S
“Lãng phí không cần thiết”
Một số UBND cấp huyện, cấp xã vẫn chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu chứng thực của nhân dân, có hiện tượng quá tải trong việc chứng thực bản sao tại một số nơi do tình trạng “lạm dụng”, “sính” bản sao trong khi pháp luật đã quy định chỉ cần có bản chính để đối chiếu, đặc biệt trong thời gian tuyển sinh thì yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính tăng đột biến gây quá tải cho các cơ quan thực hiện chứng thực và lãng phí không cần thiết cho xã hội; chất lượng văn bản chứng thực trong một số trường hợp chưa bảo đảm…
Báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác chứng thực