Chế tài xử phạt đối với mô tô, xe gắn máy không thực hiện kiểm định như thế nào? Thủ tục kiểm định được quy định ra sao? Trong thời gian bao lâu, người dân phải đem xe đi kiểm định?...Phóng viên PLVN online đã trao đổi với ông Lê Anh Tú, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam)
- Theo nội dung Đề án, kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy được tập trung trước mắt vào các thành phố lớn. Có ý kiến cho rằng, phần lớn xe quá “đát” thường được đẩy về vùng thôn quê. Tại sao việc kiểm soát khí thải lại “bỏ rơi” vùng nông thôn, thưa ông?
Vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm khí thải xe cơ giới thường chỉ xảy ra tại các thành phố lớn, nơi có mật độ lớn các loại xe cơ giới cùng tham gia giao thông. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và các hoạt động kinh tế như thương mại, du lịch, đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… tại các thành phố lớn là rất đáng kể, do tại đây tập trung mật độ dân cư đông đúc, là đầu mối về giao thương, du lịch trong nước và quốc tế. Vì vậy, phải ưu tiên kiểm soát khí thải mô tô, xe máy ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Trong khi đó, chất lượng không khí ở vùng nông thôn rõ ràng tốt hơn nhiều, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cũng không nhiều do ít người sinh sống, các hoạt động kinh tế cũng không lớn. Ngoài ra, mức sống của vùng nông thôn còn thấp, đời sống của nhiều người còn gặp khó khăn nên thực hiện kiểm soát khí thải mô tô, xe máy ở đây sẽ gây thêm khó khăn cho người dân.
Kiểm soát khí thải xe máy, liệu có giảm được ô nhiễm môi trường |
- Thưa ông, tại sao đến nay mới đặt vấn đề về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe máy đang lưu hành? trong khi lưu lượng xe máy tham gia giao thông chiếm tới hơn 90% các loại phương tiện khác?
Để kiểm soát khí thải xe cơ giới thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến chất lượng nhiên liệu, mức phát thải xe sản xuất mới và việc duy trì phát thải của xe trong sử dụng. Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành hiện nay mới chuẩn bị triển khai thực hiện mặc dù đã được nghiên cứu, khảo sát từ rất sớm. Vì đây là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến hàng chục triệu người dân đang thường xuyên sử dụng mô tô, xe máy tại các thành phố, trong khi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông và bảo vệ môi trường của đa số người dân còn kém. Do đó, phải có điều tra, cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện từng bước phù hợp mới bảo đảm hiệu quả.
- Ông có thể cho biết, hiện có bao nhiêu phần trăm (%) xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành không đạt yêu cầu về khí thải? Chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm được quy định ra sao?
Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 50-60 % số mô tô, xe máy không đạt mức tiêu chuẩn khí thải tương đương với mức tiêu chuẩn đang được áp dụng ở các nơi khác như Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ… Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn phải theo lộ trình. Đầu tiên, chúng tôi sẽ đề xuất áp dụng mức tiêu chuẩn lỏng hơn để phù hợp với điều kiện sử dụng thực tế của Việt Nam.
Tới đây, cùng với việc xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải, chúng tôi sẽ bổ sung Nghị định 34/2010 NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy. Theo đó mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên đường nếu không có Tem và Giấy chứng nhận kiểm định khí thải còn thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt phù hợp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
- Dự kiến, trong khoảng thời gian bao lâu người dân phải đem mô tô, xe gắn máy đi kiểm định? Thủ tục kiểm định được quy định như thế nào? Người dân phải trả bao nhiêu tiền (phí và lệ phí) cho mỗi lần kiểm định và cấp Giấy chứng nhận?
Dự kiến, mô tô, xe gắn máy trên 3 năm sử dụng phải được kiểm định khí thải 1 năm/lần. Kỹ thuật kiểm định khí thải tương đối đơn giản, thời gian kiểm tra nhanh, thường không quá 10 phút/ xe. Với mục tiêu chính là kiểm tra khí thải nên các thủ tục sẽ được nghiên cứu đơn giản hóa, giảm phiền hà cho người dân.
Thưa ông, Đề án cho phép các cơ sở tư nhân tham gia vào quá trình kiểm định khí thải môtô, xe gắn máy. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nhưng có hạn chế được tiêu cực khi nhân viên kiểm định đang thiếu trầm trọng?
Để tránh những hiện tượng tiêu cực xảy ra, đòi hỏi phải có thiết bị đo khí thải hiện đại, chính xác. Các công đoạn, quy trình, thủ tục kiểm định phải được tự động, tin học hóa để giảm tác động can thiệp của người thực hiện. Cơ sở kiểm định và nhân viên phải đủ tiêu chuẩn, được đào tạo, công nhận và được quản lý chặt chẽ. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, thường xuyên trong hoạt động.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vân Anh (thực hiện)