Đăng ký khai sinh mới hàng triệu trường hợp
Công tác hộ tịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Tư pháp, được các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện và có nhiều khởi sắc. Bộ Tư pháp đã chủ động tập huấn, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; phối hợp với Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BTP-BNG ngày 30/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
Ở các địa phương, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho chính quyền áp dụng nhiều sáng kiến, đổi mới hiệu quả trong công tác hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân. Chẳng hạn như Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành và thực hiện Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, hộ khẩu tại gia đình trẻ em trên địa bàn thành phố, nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 2.827.403 trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho 929.774 trường hợp (bao gồm cả trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài); khai tử cho 848.513 trường hợp; đăng ký kết hôn cho tổng số 1.146.093 cặp, trong đó có 25.825 trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm giai đoạn 1 phân hệ Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Sau khi sơ kết thí điểm giai đoạn 1, đã tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn 2, mở rộng địa bàn áp dụng phần mềm tại 7 tỉnh; đồng thời, triển khai thí điểm Phần mềm đăng ký hộ tịch phiên bản đầy đủ tại 3 tỉnh, thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp đã tiếp tục mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức tư pháp hộ tịch trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố.
Tính đến nay, có 15 địa phương đang sử dụng Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân và 13 địa phương đang sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc sử dụng các Phần mềm, Hệ thống này đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý và đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân. Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho hàng trăm nghìn trường hợp.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 123
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, các địa phương nêu lên một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, Điều 46 Luật Hộ tịch quy định “thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc”, Luật không quy định thẩm quyền bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam. Với quy định trên gây khó khăn đối với những trường hợp vừa có nhu cầu cải chính, vừa có nhu cầu bổ sung hộ tịch tại UBND cấp huyện.
Quả thật, theo quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch thì UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết việc bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở trong nước (không phân biệt độ tuổi); đối với thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch, UBND cấp xã chỉ giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi, UBND cấp huyện giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước. Việc quy định thẩm quyền như trên căn cứ vào đối tượng, tính chất phức tạp của từng loại việc.
Theo Bộ Tư pháp, bổ sung hộ tịch là thủ tục đơn giản, chỉ căn cứ vào các giấy tờ của đương sự xuất trình để ghi bổ sung những thông tin còn thiếu vào mục tương ứng vào Sổ, giấy tờ hộ tịch nên Luật quy định thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Nhưng đối với trường hợp một người cùng lúc đề nghị giải quyết cả 03 thủ tục là thay đổi, cải chính và bổ sung hộ tịch, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực sẽ xem xét, cân nhắc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.