Sau khi khảo sát thực trạng tình hình sạt lở, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá, đây là vụ sạt lở nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc xây dựng các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đã giữ lại lượng cát vô cùng lớn nên khiến cho tình hình sạt lở ở khu vực bờ sông và khu vực ven biển ĐBSCL diễn ra nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, Thứ trưởng yêu cầu địa phương phải tăng cường công tác điều tra, xác định các vùng nguy hiểm, tăng cường quan trắc và cảnh báo cho nhân dân, đồng thời quản lý việc xây dựng trên bờ, quản lý khai thác cát trên sông.
Đồng thời phải khoanh vùng những nơi có nguy cơ sạt lở cao, có biện pháp khắc sạt lở để tiến hành các biện pháp giảm thiểu tối đa sự cố xảy ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với Chính phủ có biện pháp hỗ trợ về mặt kinh phí và kĩ thuật cho tỉnh An Giang khắc phục sự cố này
Tối cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ Trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có buổi làm việc với đạo tỉnh An Giang về vấn đề sạt lở. Hiện đã có 108 hộ dân được di dời đến vị trí an toàn. Tuy nhiên, vụ sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ông Trần Đặng Đức – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, tình trạng lở bờ sông trên địa bàn An Giang thời gian qua diễn ra khá nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế của tỉnh.. mỗi năm xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ mỗi năm.
Các bộ ngành trung ương khảo sát tình trạng sạt lở |
Hiện có tổng số khoảng 51 đoạn bờ sông đã có cảnh báo nguy hiểm sạt lở, chiều dài 62km, chiếm 40% diện tích giáp sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang với trên 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở. An Giang cần sự chung tay của Bộ TN&MT cùng các bộ ngành trung ương chung tay đưa ra những biện pháp hiệu quả giải quyết vấn nạn sạt lở
Đối với khu vực sạt lở ở khu vực bờ sông Vàm Nao, thuộc ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới có khả năng tiếp tục mở rộng lấn sâu và đất liền làm sạt lở mất đường giao thông liên xã, 90 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm, thiệt hại ban đầu được xác định lên đến 9 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, mất mát tới những hộ dân bị thiệt hại, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của tỉnh An Giang trong công tác dự báo và di dời để không xảy ra thiệt hại về người.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ, sớm triển khai giai đoạn 2 Chương trình nhà ở vượt lũ để giải quyết nhu cầu cấp bách hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là An Giang, hướng đến ổn định cuộc sống của người dân.
Theo đó, Bộ trưởng sẽ tiến hành khảo sát thực trạng sạt lở tại hiện trường, cũng như cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng khi di dời đến nơi ở tạm, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ kịp thời.