Cũng theo ông chủ Nhà trắng, "do vậy, bên cạnh phát triển kinh tế cần đầu tư vào nguồn lực con người. Đó là những kỹ năng đào tạo và đầu tư vào những con người có tài năng thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam".
Thực ra điều này cũng không mới mẻ gì với chúng ta và các chủ trương pháp luật, đường lối chính sách đã thể hiện như việc trọng dụng nhân tài, coi giáo dục là quốc sách, xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng nhằm phát triển kinh tế. Cái mà Tổng thống Hoa kỳ muốn đề cập là khả năng hợp tác trong việc đầu tư vào nguồn lực con người mà nước Mỹ có thế mạnh.
Có lẽ rào cản cho sự phát triển kinh tế của chúng ta không phải do pháp luật mà là do sự thực thi pháp luật. Chẳng hạn, Luật Đầu tư thể hiện một hành lang pháp lý “đúng đắn”, thông thoáng nhưng các bộ, ngành lại “đẻ” ra những quy định của mình để ngăn cản Luật này đi vào cuộc sống. Hoặc, việc kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật trong lĩnh vực kinh tế còn quá buông lỏng.
Tại thời điểm này, đang có những vụ án kinh tế khiến cho người ta nghi ngờ việc tuân thủ pháp luật hoặc điều hành, quản lý, ví dụ như vụ đầu tư vào các chung cư “ảo”, thu hàng trăm tỷ của người dân mà nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga đang hầu tòa. Hoặc “đại gia thủy sản” Cần Thơ Thiên Mã nợ ngân hàng đến gần 900 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Những con người từng được coi là “gương mặt doanh nhân tiêu biểu” này, nổi tiếng không chỉ vì “tài ba” của họ trong chuyện làm ăn mà còn chuyện chơi sang. Ví dụ “đại gia thủy sản” Thiên Mã sở hữu những chiếc xe hơi đắt tiền nhất Việt Nam với biển số độc, từng xin chính quyền sang Mỹ học lái máy bay để mua máy bay.
Tương tự, như một doanh nhân nhà nước ở Hà Nội, nhà máy “chết lâm sàng” còn sếp thì xây biệt thự riêng nguy nga. Nghịch lý đó chính là sản phẩm của sự buông lỏng giám sát, không tuân thủ pháp luật, làm ngơ trước những biểu hiện trái pháp luật, đạo lý trong kinh doanh nếu không nói là có sự tiếp tay của những người có quyền lực, trách nhiệm quản lý lĩnh vực kinh tế.
Do vậy, hành lang pháp lý đúng đắn là cần thiết nhưng sự thực thi đúng đắn còn cần thiết hơn. Hy vọng, với sự xây dựng một chính phủ liêm chính cùng với việc siết chặt kỷ cương phép nước sẽ mang lại nhiều sáng sủa cho bức tranh kinh tế Việt Nam.