Dự báo nhiều mặt hàng có thể tăng giá
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của lạm phát tổng thể bình quân (tăng 3,77%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Dự báo diễn biến giá cả trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá một số mặt hàng nguyên, vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng. Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến cung - cầu, thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, dự kiến lộ trình tăng giá dịch vụ các mặt hàng y tế vào quý III/2024, với mức tăng dự kiến khoảng 10%. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng cho biết dự kiến sẽ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục vào quý III/2024.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng, giá vé máy bay tăng cao là diễn biến chung của thế giới khi chi phí nhiên liệu là cao nhất khoảng 40%. Ngoài ra, tình trạng thuê mua tàu bay, thiếu nhân lực cũng đã ảnh hưởng tới giá vé máy bay. Hiện nay, giá vé máy bay toàn cầu tăng 3 - 7%, dự báo các năm tới sẽ tiếp tục tăng.
Liên quan đến giá vàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, đây là mặt hàng Việt Nam sản xuất được, NHNN quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Gần đây có hiện tượng chênh lệch giá vàng, chủ yếu là vàng miếng SJC, vàng nhẫn biến động cùng chiều với giá thế giới. Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã xử lý chênh lệch giá này, do không phải là mặt hàng bình ổn nên chủ yếu xử lý chênh lệch giá. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo sát thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch vàng miếng SJC so với giá thế giới.
Không để thiếu, gián đoạn nguồn hàng
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng lộ trình kiểm soát giá trong những tháng còn lại của năm 2024. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế liên quan tới các văn bản dưới luật liên quan đến Luật Giá (sửa đổi) sắp có hiệu lực trong thời gian tới. Cần xử lý bảo đảm cung - cầu thị trường vàng sao cho hợp lý, sửa đổi Nghị định về quản lý vàng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua; Tỷ giá giữa VND và USD tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp…
Điều đó đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm, đòi hỏi các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra…
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo điều hành, đặc biệt chủ động công tác dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát theo diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu và phương án giá cụ thể các mặt hàng Nhà nước quản lý nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
“Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.