Cho “khắc phục hậu quả” để không xử lý hình sự
Đơn thư của một số cựu quân nhân XN 59 và NM Z127 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) cho biết, từ tố cáo của họ về sai phạm trong việc giải quyết chế độ nghỉ chờ hưu, Thanh tra Bộ Quốc phòng (BQP) đã vào cuộc và làm rõ vi phạm nghiêm trọng về tài chính tại đơn vị.
Cụ thể, vào năm 2007, NM Z127 đã lập danh sách đề nghị cấp trên ra quyết định nghỉ, chuẩn bị hưu cho 128 người với số tiền được quyết toán hơn 1,7 tỷ đồng. Nhưng số thực tế chi trả cho người lao động chỉ hơn 1,2 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2008, nhà máy được quyết toán hơn 4,9 tỷ đồng nhưng thực chi cho người lao động hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2009, nhà máy được quyết toán hơn 7,5 tỷ đồng nhưng chi trả thực tế chỉ hơn 1,9 tỷ đồng. Năm 2010, nhà máy được quyết toán là 3,2 tỷ đồng nhưng chi trả chỉ hơn 2,4 tỷ đồng. Năm 2011, nhà máy được quyết toán hơn 2,4 tỷ đồng nhưng thực tế chi trả cho người lao động chỉ hơn 1,6 tỷ đồng.
Tổng cộng, từ năm 2007 đến năm 2011, NM Z127 đã lập danh sách đề nghị ra quyết định nghỉ chuẩn bị hưu cho 504 người, được quyết toán hơn 19,9 tỷ đồng, nhưng thực tế chi trả cho người lao động chỉ là hơn 9,5 tỷ đồng
Với việc quyết toán chênh lệch hơn 10,4 tỷ đồng, Thanh tra BQP không chỉ cho rằng “vi phạm Luật Ngân sách nhà nước và Luật Kế toán” mà còn coi vụ việc có dấu hiệu của hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”.
Trong số tiền trên, NM Z 127 quyết toán chênh lệch hơn 5,8 tỷ đồng. Đối với hơn 4,5 tỷ đồng còn lại do XN 59 quyết toán chênh lệch, Thanh tra BQP xác định, có hơn 2,8 tỷ đồng được hợp thức vào sổ tiền lương, chứng từ không theo quy định (lập quỹ trái phép để chi tiêu sai nguyên tắc).
Liên quan đến số tiền “lập quỹ trái phép này”, cơ quan Thanh tra BQP có kiến nghị, yêu cầu một số cá nhân nguyên là giám đốc, kế toán trưởng XN 59 và NM Z127 phải thu nộp lại hơn 2,8 tỷ đồng về ngân sách.
Nếu khắc phục xong thì xem xét lại và xử lý kỷ luật theo Điều lệ Đảng và Điều lệnh quản lý bộ đội. Nếu không khắc phục xong thì chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra (CQĐT) hình sự xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, người tố cáo đã không đồng ý với quan điểm nêu trên mà tiếp tục có đơn đề nghị truy cứu TNHS đối với những cá nhân thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng trên. Còn việc Nhà nước thu lại được số tiền đã bị chiếm đoạt chỉ là tình tiết giảm nhẹ do “khắc phục hậu quả” chứ không thể loại trừ TNHS được.
Vì sao coi vụ việc “ít nghiêm trọng”?
Mới đây, tại Công văn trả lời đề nghị của Cty Luật TNHH Bảo Tín (đơn vị bảo vệ quyền lợi cho các cựu quân nhân), Thanh tra Bộ Quốc phòng còn nêu thêm lý do không chuyển vụ việc sang CQĐT là: “các đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Hoàng Gia Ninh, Phạm Văn Lân và Vũ Xuân Viễn không tham ô, tham nhũng, không chiếm đoạt khoản tiền này mà đã sử dụng vào việc đối ngoại, lễ, Tết, quà biếu để lo công ăn việc làm chung cho nhà máy, xí nghiệp.
LS Phan Kế Hiền, Giám đốc Cty Luật TNHH Bảo Tín. |
Quá trình xác minh tố cáo, các đồng chí trên đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả bằng cách bỏ tiền cá nhân nộp lại hơn 2,8 tỷ đồng hoàn trả ngân sách Nhà nước. Bản thân các đồng chí có sai phạm nghỉ hưu đã lâu, vụ việc xảy ra ít nghiêm trọng. Đến thời điểm phát hiện, kết thúc xác minh tố cáo đã trên 6 năm (hết thời hiệu truy cứu TNHS).
Không đồng tình với các lý do nêu trên, người tố cáo tiếp tục cho rằng, tại văn bản năm 2017, Thanh tra BQP thừa nhận hành vi có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Trong khi đó, theo quy định tại BLHS 1999 thì tội phạm “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và có thời hiệu truy cứu TNHS là 20 năm.
Thế nhưng chỉ hai năm sau, chính Thanh tra BQP lại đưa ra quan điểm cho rằng “vụ việc ít nghiêm trong” và 6 năm là “hết thời hiệu truy cứu TNHS” là mâu thuẫn và không đúng quy định.
Đồng thời, những người tố cáo cũng cho rằng, cần phải làm rõ số tiền 2,8 tỷ đã được chi tiêu “đối ngoại, quà biếu” hay đã bị các cá nhân chiếm hưởng, chi tiêu riêng. Đặc biệt, nếu đã có chuyện biếu, xén thì đề nghị làm rõ hành vi có tính chất đưa- nhận hối lộ trong vụ việc này.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Phan Kế Hiền (Giám đốc Cty luật TNHH Bảo Tín) cho rằng, theo quy định của Luật tố cáo thì với hành vi có dấu hiệu tội phạm như trên, cơ quan thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc đến CQĐT có thẩm quyền để xử lý. Quan điểm cho rằng vụ việc là ít nghiêm trọng, hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc đã khắc phục hậu quả nên không truy cứu TNHS… là không đúng luật.
Cho dù vụ việc xảy ra trong một doanh nghiệp quân đội thì việc xử lý cũng phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội được quy định tại Điều 3, BLHS 2015 là “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”…