Xúc động với “mâm cơm thời bao cấp”
Với những người đã trải qua các biến cố thăng trầm lịch sử, chắc chắn sẽ thấy một phần ký ức có vui, có buồn của mình trong đấy. Còn với những người trẻ, sự hấp dẫn tròn trịa về mọi mặt của tác phẩm tinh hoa ẩm thực này sẽ thôi thúc họ tìm hiểu sâu hơn về một nét sống xưa cũ của thế hệ cha ông. Ai rồi cũng thấy thấp thoáng “một phần” của mình trong đấy.
Rất nhiều người hào hứng với những món đồ “ăn chơi” một thời ở vỉa hè quán cóc mà giờ đây ít xuất hiện, họ cũng rất chăm chú ngắm nhìn những bức tranh vẽ các khu chung cư cũ hay những không gian phố phường Hà Nội thời bao cấp thật bình yên nhưng ấm áp và thân thuộc, gợi nhớ về một thời xa lắc của Hà Nội những năm 70-80 của thế kỷ trước. Nào là đèn dầu hoả, nào kẹo lạc nhấm nháp với chén trà nóng, ấm vối tươi nóng, nào là lọ hoa thược dược, đồng tiền,…
Đặc biệt, không chỉ thưởng lãm tranh tại Ngon Garden, mọi người còn được thưởng thức những “tác phẩm ẩm thực” là những món ăn thời bao cấp tinh tế và hấp dẫn.
Vẫn những món ăn tưởng như quen thuộc với thế hệ ông bà như: lạc rang muối, canh cua rau sam tập tàng, cà pháo, rau muống luộc chấm tương bần, dưa chua xào tóp mỡ, cá khô, đậu phụ rán nhúng hành, cơm độn sắn, độn bo bo... nhưng mang tới một trải nghiệm cực kỳ mới mẻ.
Vừa ngon khó cưỡng, vừa đẹp đẽ cầu kỳ trong cách chế biến, tinh tế trong việc lựa chọn nguyên liệu, tài tình trong cách bày biện, để mang tới một mâm cơm đẹp cả về hình ảnh, mùi vị và cảm xúc. Đây không phải mâm cơm của người nghèo, cũng chẳng phải của người giàu.
Nó chẳng đủ quen nhưng cũng không quá lạ. Sự giao hoà cũ mới, vừa có tính kế thừa vừa mang đầy sức gợi nhớ. Triển lãm “Ký ức Hà Nội” sẽ kéo dài đến hết tháng 1/2019.
Khu tập thể cũ - cả một trời thương nhớ
Tại Triển lãm này, rất nhiều người đã tìm mua cuốn sách mang tên “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa & Hồi ức” do nhóm Ký họa đô thị Hà Nội và Ngon Garden đồng hành thực hiện, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Tập hợp 200 bức ký họa và 34 bài viết của 64 tác giả, cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa & Hồi ức” mang đến cho người đọc, người xem một không gian xưa của Hà Nội tưởng chừng đã rơi vào quên lãng trong đời sống hiện đại đương thời.
Khu tập thể cũ từng là bước ngoặt trong lịch sử phát triển nhà ở của Hà Nội sau chiến tranh, là nơi có rất nhiều kỷ niệm của biết bao thế hệ người Hà Nội. Theo kiến trúc sư Thanh Thủy, trưởng nhóm ký họa thì “cuộc cách mạng đô thị đang diễn ra, những khu tập thể xuống cấp rồi sẽ có ngày kết thúc sứ mệnh của nó, nhưng khi còn ở đó, chúng vẫn có giá trị riêng, làm nên một Hà Nội đặc biệt, rất đáng để trân trọng, nâng niu”.
Bởi vậy, chị và các thành viên của Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội, bằng sự đam mê và lòng nhiệt tình, đã dành những buổi chiều cuối tuần để vẽ ký họa các khu tập thể cũ, từ khu Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Khương Thượng, Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên đến khu Nam Đồng, Thanh Xuân Bắc, Quỳnh Mai, Bách Khoa, Ngọc Khánh…
“Tôi đã từng sống những năm 80 của thế kỷ trước ở khu tập thể Trung Tự. Bây giờ mỗi lần đi qua đó, giữa thế giới của những ngôi nhà cao tầng và các cửa hiệu hiện đại, tôi vẫn thấy hiện lên màu ố vàng của những bức tường chung cư xưa, của những lối cầu thang hẹp đầy bóng tối, của tiếng nước máy chảy trong những đêm gần sáng chờ lấy nước, của tiếng bầy trẻ reo vang trên những cầu thang và sân chơi của mùi bếp dầu, tiếng những người già trò chuyện trên ban công vào những đêm mùa hạ nóng hầm hập mất điện… Tất cả những điều ấy hiện lên như một người tri kỷ xa cách lâu ngày mới gặp: xúc động và thương nhớ”- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hoài niệm.
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia rưng rưng: “Với những đứa con Hà Nội thế hệ 6x,7x, 8x như chúng tôi, khu tập thể là cả một ký ức, tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Qua thời gian, nhiều khu tập thể cũng đã trở nên xuống cấp, ọp ẹp và nguy hiểm. Nhiều cư dân cũ chuyển đi, những cư dân mới đến, sự biến đổi thành phần dân cư ở các khu tập thể cũng diễn ra không ngừng.
Sự lấn chiếm, cơi nới, mở rộng và cải tạo của người dân trên quy mô từng căn hộ - vừa mang tính tùy tiện, bừa bãi và mang sắc thái sáng tạo kiểu “tự lực” khiến cho tất cả các khu tập thể đã có nhiều biến đổi về diện mạo. Dẫu gì thì các khu tập thể cũng thành một phần gắn bó hữu cơ không thể tách rời cả về “thể xác” - không gian lẫn “tâm hồn”- đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội - của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến”.
Tìm về kí ức, bà Phan Thu Hà - cư dân khu tập thể Nguyễn Công Trứ nhớ lại những ngày mỗi cầu thang có một máy nước chung ở ngay chân khu nhà. Vì nước bơm lên các tầng rất hạn chế và thiếu thốn nên mọi sinh hoạt liên quan đến nước của cả dãy nhà 4 tầng đều phải tập trung tại máy nước công cộng: giặt giũ, rửa bát…, với xô, chậu la liệt thường xuyên “xếp hàng” tại đây.
Lũ bé gái hay rủ nhau bê các chậu áo quần xuống máy nước để tranh thủ buôn dưa lê, còn tụi con trai thì cứ tối muộn lại tập trung nhau cởi trần trùng trục tắm ùm ùm bên máy nước chung. Ký ức thời bao cấp dậy từ 4 giờ sáng để xếp gạch mua gạo, mua dầu…
NSƯT Hồng Liên, một người con gái Hà Nội đã có cả thanh xuân và những tháng năm cuộc đời ở mảnh đất Tràng An rưng rưng: “Tôi thực sự xúc động khi được trải nghiệm những thứ mà lâu nay tưởng như đã quên trong tiềm thức, đó là những điều gắn với suốt quãng đời ấu thơ và cả tuổi thanh xuân của mình.
Nhìn mâm cơm bao cấp với những món ăn quen thuộc, ký ức lại ùa về, biết bao kỷ niệm tuổi thơ bên bố mẹ, ông bà và những người thân yêu. Mâm cơm thời bao cấp và “Ký ức Hà Nội” nhắc nhở mình về một thời gian khó để biết trân trọng quá khứ hơn”.
Có thể nói, “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa & Hồi ức” là một ý tưởng độc đáo mà ở đó, các tác giả muốn gợi lại những kỷ niệm ấm áp và nhớ thương về nơi chốn được gọi là “nhà” trong mỗi con người...