Lâm tặc đốn hạ từng cây to để ngay đường, thản nhiên kê ván, xẻ hộp. Hơn chục đường mòn cũ có, mới có được mở vào rừng, người dân và lâm tặc cùng nhau băm nát. Vậy mà các cấp chính quyền nơi đây vẫn chưa có biện pháp xử lí.
Chính quyền biết, nhưng…
Ở nhiều địa phương, khi rừng bị phá thì chính quyền vào cuộc ngay. Nhưng ở đây, lâm tặc quá lộng hành mà dường như địa phương chưa có động thái gì cả. Những cánh rừng phòng hộ, rừng tự nhiên bị phá liên tiếp kéo dài từ những ngày tháng chạp đến sau Tết Nguyên đán đến gần cả tháng nhưng vẫn không thấy các cấp chính quyền lên tiếng.
Lâm tặc khai thác, mở đường luồng mới vào rừng khai thác gỗ |
Việc phá rừng diễn ra giữa ban ngày chứ lâm tặc không cần lén lút làm vào đêm khuya hay trong rừng sâu. Hơn mười đường luồn dẫn vào rừng hằn vết xe “độ” (xe công nông được chế lại để chở gỗ). Không chỉ thế, lâm tặc liên tiếp mở các đường mới vào rừng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì những cánh rừng rậm rạp và tốt tươi sắp tới chỉ là bãi đất trống mà thôi.
Đem những thắc mắc về vai trò của chính quyền trong việc giữ rừng trao đổi với Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa Hoàng Thi Thơ, ông Thơ cho biết: “Từ đầu đến cuối Ban đều biết hết, tức là theo dõi, ngăn chặn và cũng đã đưa ra khởi tố”. Khi được hỏi: “Ban đều biết nhưng sao lại để diện tích rừng bị tàn phá lớn và kéo dài như vậy?”, ông Thơ bao biện: “Người dân kéo cả làng đi phá rừng, mà lực lượng chúng tôi chỉ có 7 người quản lý 18.000 hécta rừng, chia ra thì quá mỏng. Chúng đi kiểm tra, người ta thấy cán bộ thì trốn vào rừng, đi các điểm khác thì người ta ra lại”.
Không những thế, theo báo cáo tại buổi làm việc với Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa thì chỉ trong và sau Tết Nguyên đán đã xảy ra 8 vụ phá rừng với diện tích 9,6 hécta. Thế nhưng, khi những hình ảnh chúng tôi đưa ra chứng minh số diện tích rừng bị phá không chỉ dừng lại con số đó, Phó Ban quản lý ngầ̀n ngừ và khẳng định lại tổng diện tích rừng bị phá trước và sau Tết chỉ có… 13,6 hécta, bởi số rừng bị phá đến ngày 6/1 vẫn chưa xác định hết số diện tích.
Ông Nguyễn Trọng Khẩn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa thì cho rằng: “Đây là những khu vực rừng 1C và diện tích rẫy cũ của bà con nên người dân chặt lại để trồng mỳ và một số khu vực rừng bị phá trách nhiệm thuộc về chủ rừng (tức Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa). Do chủ rừng chưa ngăn chặn, báo kịp thời cho Kiểm lâm, chính quyền địa phương nên việc phá rừng vẫn diễn ra và việc phá rừng thời gian qua ở Đăk Đoa chưa phải là “nóng” so với toàn tỉnh”.
Gỗ rừng về đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyện rừng bị phá còn thể hiện ở việc phần lớn gia đình ở Tây Nguyên có nhiều đồ dùng được làm từ gỗ; từ tủ, bàn, giường, cánh cửa, lục bình và cả ốp trần nhà đều là gỗ tốt. Khắp nẻo đường, đâu đâu cũng bày bán đồ gỗ. Số của hàng có giấy phép rất ít, còn lại đều là hàng từ lâm tặc tuồn ra. Điều này nói lên một điều liệu các điểm này có bị thanh kiểm tra bao giờ chưa?
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trước đây tại huyện Đăk Đoa nhiều lần lâm tặc đốn hạ từng khoảnh rừng phòng hộ, nhưng chỉ khi rừng bị phá xong lực lượng chức năng, chính quyền địa phương mới biết và vào cuộc. Một số vụ việc bắt giữ được chỉ khi cây đã bị đốn hạ, xẻ thành thành phẩm trên đường vận chuyển ra tiêu thụ.
Việc thiếu trách nhiệm này đã khiến cá́nh rừng phòng hộ - tài sản của Quốc gia từng ngày bị mất đi, chỉ còn lại đất trống đồi trọc. Không biết với lần phá rừng đăc biệt nghiêm trọng này, thì Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng, các cấp lãnh đạo huyện Đăk Đoa sẽ có biện pháp như thế nào và trách nhiệm của họ đến đâu. Dư luận đang đợi câu trả lời từ phía các cấp có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa Lê Viết Phẩm cho biết: Việc phá rừng như phóng viên phản ánh là có thật. Việc để rừng bị phá là do các đơn vị liên quan thiếu trách nhiệm. UBND huyện có chỉ đạo nhưng việc thực thi chưa đến nơi đến chốn, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh hơn với các đối tượng phá rừng này”. |
Ngọc Anh