Hàng trăm ha rừng phi lao phòng hộ ven biển tại hai tỉnh Bình Định, Phú Yên bị chặt phá tan tành do người dân đốt than để bán vào thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Những khu rừng phi lao trên dưới 30 năm tuổi phòng hộ ven biển TP. Tuy Hòa (Phú Yên) bị đốn hạ. Ảnh: U.T. |
Ồ ạt phá rừng dự án
Theo Sở TN&MT Bình Định, gần đây, tình trạng chặt phá rừng phi lao phòng hộ ven biển bùng phát mạnh tại các huyện Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn. Chỉ riêng khu vực thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, hiện mỗi ngày có hơn 100 người mang theo nhiều phương tiện, dụng cụ, kể cả cưa máy ngang nhiên chặt phá phi lao chở về hầm than để bán trước Tết Nguyên đán.
Ông Võ Hữu Quế (ngụ thôn Huỳnh Giản Bắc, người đại diện của 50 hộ dân địa phương nhận trồng, chăm sóc rừng phi lao) cho biết: “Hiện nay, tình trạng phá rừng diễn ra ồ ạt, công khai; nhiều nhóm người đào hầm, đốt than ngay giữa rừng nhưng hầu như không có lực lượng chức năng nào ngăn chặn, xử lý”.
Còn theo ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, do không có lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý nên số người tham gia phá rừng ngày càng đông, họ đưa cả xe tải, rơ- moóc vào chở gỗ, than đi công khai.
Theo UBND xã Phước Hòa, khu rừng phòng hộ thôn Huỳnh Giản Bắc rộng hơn 50 ha thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, được giao cho 50 hộ trồng, chăm sóc từ năm 1999. Từ khi khu vực này được giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai triển khai dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 1, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó giám đốc Công ty CP Phong điện Phương Mai, cho biết khi xây dựng Nhà máy Phong điện Phương Mai 1, công ty chỉ giải phóng mặt bằng 15 ha trong tổng số 150 ha rừng được giao cho dự án để xây dựng trụ tua bin, nhà xưởng; còn lại vẫn giữ nguyên. “Dù chúng tôi đã hợp đồng với một số người dân địa phương để quản lý, bảo vệ rừng nhưng nhiều khu rừng nằm trong dự án thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát vẫn bị chặt phá”.
Cũng theo ông Ngọc, tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển cũng đang diễn ra nghiêm trọng trong khu vực 145 ha tại huyện Phù Cát thuộc dự án phong điện Phương Mai 3 của Công ty CP Phong điện Phương Mai.
Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát cho biết trước đây các khu rừng trên được giao cho các chủ rừng là các hợp tác xã nông nghiệp và người dân địa phương quản lý, bảo vệ; hiện giao cho các chủ dự án nên lực lượng kiểm lâm chỉ kiểm tra chứ không thể tổ chức lực lượng bảo vệ thường xuyên.
Theo Sở TN&MT Bình Định, tỉnh này hiện có hơn 1.200 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển thuộc và phần lớn đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Tan nát rừng phòng hộ ven biển
Tại Phú Yên, hơn 1.000 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển thuộc TP Tuy Hòa, huyện Tuy An cũng đang bị chặt phá tan hoang. Ở khu vực giáp ranh giữa TP Tuy Hòa và huyện Tuy An, hiện mỗi ngày có cả trăm người, đưa cả xe bò vào chặt phá rừng phi lao. Dọc đường Độc Lập từ TP Tuy Hòa đi huyện Tuy An, nhiều cây phi lao lâu năm vừa bị đốn hạ, trơ ra gốc.
Ông Huỳnh Văn Ngân, cán bộ Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2, phường 9, TP Tuy Hòa, nói: “Trước đây, nhiều người còn lén lút vào rừng chặt cành, tỉa nhánh mang về bán cho các lò gạch, cơ sở sản xuất làm chất đốc. Bây giờ, họ ngang nhiên lựa những cây phi lao có đường kính trên 20 cm rồi triệt hạ tận gốc để hầm than hoặc mang về làm gỗ hoặc bán cho các xưởng cưa.
Nhiều nhóm người tổ chức khai thác trái phép ngày càng liều lĩnh, họ cưa máy, xe cơ giới để phá rừng, vận chuyển gỗ. Khi các lực lượng chức năng ngăn chặn, những người khai thác trái phép tỏ ra thách thức, chống đối”. Theo một số người dân xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, hiện đang thời điểm gần Tết Nguyên đán nên tình trạng chặt phá, khai thác cây phi lao trái phép càng gia tăng.
Theo Sở TN&MT Phú Yên, hầu hết diện tích rừng phi lao ven biển ở tỉnh này đều do lực lượng thanh niên, người dân trồng cách đây trên dưới 30 năm để ngăn chặn sạt lở do trường, hạn chế nạn cát bay, cát tràn vào các khu dân cư; sau đó phần lớn đều giao cho các hợp tác xã nông nghiệp quản lý, bảo vệ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, phần lớn diện tích rừng phòng hộ này đã giao cho các dự án du lịch. Theo ông Huỳnh Văn Ngân, hiện Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2, phường 9 chỉ còn quản lý gần 200 ha rừng ven biển, trong khi trước đây quản lý đến 660 ha. Cũng từ đó, nhiều khu rừng phòng hộ hầu như không có người quản lý, bảo vệ.
Thực tế là đa số các dự án du lịch chỉ xây tường rào, chiếm đất rồi để đó, không có biện pháp bảo vệ, khiến nhiều khu vực rừng trở thành vô chủ, bị bức tử tràn lan nhưng không có lực lượng chức năng nào ngăn chặn, xử lý. Chỉ riêng khu vực ven biển TP Tuy Hòa có đến hơn 10 dự án du lịch chiếm trên 300 ha rừng nhiều năm qua vẫn chưa triển khai.
Ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở TN&MT Phú Yên, cho biết khi đăng ký đầu tư, các chủ dự án đều cam kết giảm thiểu việc chặt bỏ cây phi lao, khi chặt bỏ phải trồng lại cây khác thay thế trên những diện tích đất trống trong khu vực dự án. Tuy nhiên, thực tế, đến nay dù hàng trăm ha rừng đã bị triệt hạ, san bằng nhưng chưa có doanh nghiệp nào trồng mới cây xanh để bảo vệ bờ biển.
“Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ rừng phi lao phòng hộ, chấn chỉnh kịp thời những trường hợp vi phạm. Mặt khác, khi thẩm định dự án du lịch ven biển, tỉnh sẽ kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế tối đa việc chặt bỏ rừng phi lao; buộc chủ đầu tư phải trồng cây xanh bù vào diện tích bị mất”, ông Thức nói.
Uyên Thu