Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó đa phần các dân tộc thiểu số đều sinh sống ở các tỉnh trung du miền núi, mỗi dân tộc lại có những phong tục tết mang đặc trưng riêng. Đồng bào dân tộc Mông gồm nhiều nhóm như: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen và Nam Mèo cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng…Theo phong tục, năm mới của người Mông diễn ra trước tết Nguyên Đán khoảng một tháng.
Đối với người Mông ở Bắc Hà, Lào Cai, Tết được coi như thời điểm nghỉ ngơi và hưởng thụ thành quả lao động trong một năm nên được chuẩn bị rất chu đáo. Thời gian ăn Tết cũng chỉ kéo dài trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp bản làng đã rộn rã không khí đông vui, háo hức cho những công việc chuẩn bị Tết.
Đàn ông chuẩn bị mổ lợn, bắt những con gà ngon nhất hay sửa lại vách nhà, đàn bà thêu thùa để có quần áo đẹp mặc trong những ngày Tết.
Mâm cơm Tết của người Mông tại Bắc Hà luôn phải có thịt lợn, bởi vậy từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn gìn giữ tục mổ lợn để đón mừng năm mới.
Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Hà sẽ chọn một con lợn được nuôi thả rông suốt một năm ở rừng nguyên sinh, nơi có sẵn rau quả để lợn thoải mái ăn.
Những con lợn được người dân nuôi chủ yếu để phục vụ gia đình, chủ yếu thả rông tự kiếm ăn nên thịt sạch, săn chắc, thơm ngon. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, đặc trưng ôn đới, xứ sở muôn hoa nên lợn cũng nổi tiếng ngon nhất vùng Mông Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung.
Theo thông lệ từ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, đặc biệt từ ngày mùng 10 đến ngày 27- 28 tháng 12 (Âm lịch) hầu hết các hộ gia đình người Mông lần lượt mổ lợn tết mời anh em họ hàng, bạn bè đến dự.
Đây là dịp mọi người gặp mặt, chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm làm ăn trong năm, chúc tụng những điều hay trong năm mới, cùng nhau ca hát thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Mông.
Việc mổ lợn ăn Tết cũng phải được người hợp tuổi chọn ngày tốt để triển khai. Con lợn được mổ ngay trên tấm phản trước ban thờ, trước cửa nhà. Trong lúc mổ lợn, người dân thắp hương, khấn báo công với tổ tiên về thành quả trong năm cũ, cầu một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn.
Lợn được mổ xong, lấy nội tạng, tiết, một phần xương thịt để làm tiệc đãi khách. Phần lớn số thịt còn lại được ướp muối để vào ngày Tết đem ra chế biến các món ăn. Ngoài ra, người dân còn để dành một phần để treo trên gác bếp làm món thịt lợn treo hay còn gọi là thịt lợn hun khói.
Đến với Bắc Hà, du khách được thưởng thức thiên đường hoa mận, hoa lê trắng |
Trong mâm cỗ ngày Tết của người Mông hiện nay luôn có đủ các món chế biến từ thịt lợn, trong đó có món thịt nạc xào rau đương quy, hay các món lợn hấp, lợn nướng lá chanh, xào cần tây... thơm ngon, hấp dẫn. Một điều đặc biệt trong mâm cỗ ở đây là không có món canh, bởi đồng bào kiêng ăn rau và ăn canh trong ngày Tết.
Đến với vùng cao Bắc Hà, các du khách không chỉ được thưởng thức món thịt lợn đặc sản, tham dự các nghi lễ, phong tục độc đáo của đồng bào người Mông mà còn được thưởng thức những thiên đường hoa bát ngát hương thơm như hoa mận, hoa lê trắng.
Đối với những người yêu xê dịch, yêu thiên nhiên, hoa cỏ thì Bắc Hà thực sự là điểm đến hấp dẫn trong mùa xuân này. Đến đây, du khách có thể khám phá những phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào Mông và đắm chìm trong vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây bắc.