Rối loạn tâm lý - chuyện giờ mới kể

Cần dạy trẻ yêu thương, thấu hiểu, trân trọng bản thân để trẻ có sức đề kháng trước những biến cố không mong muốn. (Ảnh minh họa)
Cần dạy trẻ yêu thương, thấu hiểu, trân trọng bản thân để trẻ có sức đề kháng trước những biến cố không mong muốn. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 và thực sự gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống ngay từ đầu năm 2020. Dịch bệnh đã cản trở bước chân tới trường của hàng triệu học sinh, sinh viên không chỉ gây khó cho ngành giáo dục, mà còn tác động trực tiếp đến tâm lý học sinh khi phải học trực tuyến kéo dài.

“Em cô đơn tột cùng”…

Ngày 22/3, nữ sinh 15 tuổi ở một chung cư cao cấp tại quận Hai Bà Trưng rơi từ tầng 26 của toà nhà xuống đất tử vong. Nguyên nhân sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên đã có nhiều ý kiến đồn đoán về việc nữ sinh chịu áp lực học hành, thi cử vì năm nay em học lớp 9 tại một trường THCS thuộc quận Đống Đa.

Cuối tháng 2, một nữ sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) cũng bất ngờ nhảy từ tầng 3 xuống sân trường. Rất may mắn, học sinh này chỉ bị thương, không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, sau đó trường học này đã khảo sát tâm lí học sinh thì khá bất ngờ có nhiều em cho biết, gặp khó khăn về vấn đề tâm lí.

Tháng 12/2021, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở A (Hà Nội) khảo sát tâm lý học sinh, kết quả cho thấy nhiều học sinh cho biết gặp khó khăn cả trong học tập, giao tiếp với bố mẹ, người thân. Đại diện trường học cũng bày tỏ, gần suốt một năm học qua, Hà Nội bị dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến nên các em có gặp vấn đề bất ổn tâm lí nào thì cũng không chia sẻ, nhà trường khó nắm bắt được. Khi còn học trực tiếp, trường có nhân viên tư vấn học đường, rất nhiều học sinh tìm đến để chia sẻ những chuyện khó nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, học trực tuyến kéo dài, học sinh thiếu vắng sự tương tác, trao đổi lâu ngày, dần dần các em sẽ cảm thấy cô đơn, sống thu mình, tự ti. Nhiều em cũng chia sẻ về việc rơi vào trạng thái stress, căng thẳng, cô đơn tột cùng. Một học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP HCM) bày tỏ: “Em đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý từ lâu và dịch bệnh càng làm tăng lên tình trạng này. Em hướng nội, rất ít bạn bè, học online lại nên việc tiếp xúc hạn chế hơn. Em chán nản gần nửa năm nay. Khi đi học lại không thể kết nối với bạn mới, mọi người nhìn em như kẻ lập dị, làm em trầm cảm thêm”.

Thư, học sinh THPT Nguyễn Hữu Thọ cũng chia sẻ: “Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình em mắc COVID-19, chỉ còn một mình em ở nhà, em phải tự sinh hoạt, tự cách ly, tự lo mọi thứ trong 2 tuần. Gia đình em lại bị tái nhiễm và em phải ở nhà một mình, khi hay tin người nhà mất vì bệnh, em cảm thấy rất tuyệt vọng. Dù là có bạn, nhưng lúc đó em không dám chia sẻ với ai vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh…”.

Ở góc độ phụ huynh, trên một diễn đàn, chị Dương Giang (Bắc Từ Liêm) chia sẻ, chị có hai cậu con trai, một học lớp 8, một học lớp 11 cho biết: gia đình rất cố gắng kiểm soát chi tiêu để cho con học trường tư thục với học phí rất cao vì muốn con được tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên khi dịch bệnh dồn dập ập tới, cả hai con chị đều phải học ở nhà với thời khóa biểu dày đặc 2 buổi/ngày như học trực tiếp. Hàng ngày các con chỉ có học trong 4 bức tường và giao tiếp vài câu trong ngày, nên chị thực sự lo lắng…

Theo ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, do không thể hỗ trợ trực tiếp, nhà trường đã mở các đường dây tư vấn trực tuyến cho SV, không những SV của trường mà ở khắp thành phố. Theo ông Trần Nam, trong quá trình hỗ trợ tư vấn cho SV, vấn đề các em gặp nhiều nhất là stress, trầm cảm, không ít trường hợp còn có ý định tự tử.

Ông Nam cũng cho rằng SV đang đối diện với rất nhiều áp lực, dễ bị stress. Đó có thể là trục trặc trong gia đình, tình yêu, học tập, các mối quan hệ khác. Những điều này trong giai đoạn phải học trực tuyến càng khó khăn hơn, vì các em bị mất kết nối, cả ngày ngồi trong phòng đối diện với máy tính, cộng thêm những lo lắng về dịch bệnh, điểm kém…

Không thể lảng tránh

Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ khẳng định, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường từ gia đình, nhà trường xã hội như áp lực học tập thi cử, không có cảm xúc trong học tập, bạo lực học đường... “Đặc biệt, thời gian học tập trực tuyến kéo dài, hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường, hạn chế giao tiếp khiến học sinh, cô giáo dễ rơi vào trầm cảm, stress... dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách làm thế nào để các em có thể thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường”.

Theo Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm. Do đó, chúng ta cần phải làm cuộc thống kê về việc này. Trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường hơn 10 năm qua, bà nhận thấy học sinh thì e ngại, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm. Bản thân học sinh cũng chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên chưa tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong mỗi gia đình đều có tủ thuốc để chữa cảm cúm, các bệnh thông thường nhưng ít chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Bà Giang cho rằng, ở Việt Nam, sau khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm. Đối với trẻ sơ sinh, mẫu giáo và đầu cấp tiểu học, việc cha mẹ qua đời do COVID-19 có thể được cảm nhận như một sự kiện chia cắt, phá hủy sự gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc. Nhiều trẻ mồ côi bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, mất ngủ nghiêm trọng sau khi mất cha mẹ đột ngột... vẫn chưa đủ dũng cảm đối diện sự thật.

Chia sẻ tại phiên thảo luận về chủ đề “Sức khỏe tâm thần học đường” mới đây, PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, có tới hơn 40 nghìn người được cho là tự làm hại bản thân hoặc tự tử trong tháng 8; tỉ lệ tự tử cao nhất ở thanh, thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi; trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần tăng 3-5 lần so với bình thường… Những con số trong khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở 130 quốc gia cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Do đó, điều này cần phải thực hiện ngay và không thể trì hoãn.

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Sức khỏe tâm thần học đường” là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn nạn tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch COVID-19. Tuy vậy, từ “tâm thần” trong giao tiếp thường ngày được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh. Trong trường học, khi nói đến “sức khỏe tâm thần”, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động... mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Không chỉ học sinh, mà cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cần quan tâm và chăm sóc “sức khỏe tâm thần”. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm vấn đề trầm trọng thêm.

Học sinh, giáo viên và cả lãnh đạo trong trường học đều phải đối mặt với đề về sức khỏe tâm thần. Chỉ trong 3 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tất cả các trường học đều bị ảnh hưởng: Trường học đóng cửa, dạy học online, cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập, bị nhiễm COVID-19, chuyển đổi quản lý từ trực tiếp sang trực tuyến… đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh, giáo viên và các nhà quản lý trong nhà trường.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa phụ nữ TP HCM cho rằng, nên đặt yêu thương lên hàng đầu trong mọi mối quan hệ. Gia đình, nhà trường cần dạy trẻ yêu thương chính bản thân mình, dạy trẻ trân trọng, chăm sóc bản thân thì mới có khả năng đề phòng và xử trí trước các biến cố…

Chúng ta quên thấu hiểu tâm lý con người

Đôi khi chúng ta không chấp nhận hoặc phán xét các hành vi bất thường, trạng thái cô đơn, những đau khổ vật vã hoặc cố tình vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội… nhưng không hề biết rằng, đó chính là các biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tâm thần. Dường như, khi nhắc đến sức khỏe tâm thần, người lớn chỉ nghĩ đến học sinh là đối tượng cần quan tâm, mà quên đi rằng giáo viên và ngay cả chính hiệu trưởng cũng là con người, họ cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự về sức khỏe tâm thần.

Giáo viên, gồm cả các giáo viên giữ vai trò quản lý trong trường học đều phải trải qua những cảm xúc không tích cực trong công việc, như áp lực thành tích trong nhiệm vụ, không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, không hài lòng với môi trường làm việc hoặc ức chế với các thủ tục phiền hà, thời hạn hoàn thành quá gấp, khối lượng công việc quá tải… khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm…

Chúng ta có thể không ngờ tới, phương thức giáo dục, nội dung giáo dục cũng có thể là một nguyên nhân dẫn tới sự phát triển lệch lạc về tâm lý, vô tình gây ra những áp lực không cần thiết. Cũng có khi thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức và thành tích khiến cho chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần mà không còn thời gian cho xây dựng các thói quen tốt cho sự thấu hiểu tâm lý con người”.

PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục (ĐHQG Hà Nội)

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.